Hoài Đức, Hà Nội: Dân kêu cứu vì 18 doanh nghiệp xả thải gây ô nhiễm

(PLO) - Do không có hệ thống xử lý chất thải, nước thải, chính vì vậy khi 18 công ty tại Cụm công nghiệp Di Trạch (xã Di Trạch, huyện Hoài Đức, Hà Nội) đi vào hoạt động đã gây ô nhiễm môi trường nặng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân…
Cống xả thải và nước con kênh bị ô nhiễm trầm trọng

Người dân kêu trời vì ô nhiễm

Báo PLVN nhận được phản ánh của bạn đọc với nội dung, từ đầu năm 2015 đến nay, người dân xung quanh cụm công nghiệp (CCN) xã Di Trạch, huyện Hoài Đức hàng ngày bị “tra tấn” bởi tiếng ồn, bụi, nước thải và mùi khó chịu phát ra từ các doanh nghiệp sản xuất cơ khí, bánh ngọt, sản xuất sơn…khiến cuộc sống người dân nơi đây hoàn toàn bị đảo lộn.

Bên cạnh CCN xã Di Trạch là một con mương vốn dĩ rất trong, sạch là hệ thống tưới tiêu chính của khu vực hai xã Di Trạch và Vân Canh, nhưng từ khi CCN đi vào hoạt động, mương tiêu nước bị nhuộm đen bởi nước thải chứa chất kim loại nặng không qua xử lý, đổ trực tiếp hàng ngày. CCN Di Trạch hiện có 18 doanh nghiệp thuê đất và hoạt động sản xuất, trong đó có 3 doanh nghiệp sản xuất sơn là Công ty Cổ phần Info Việt Nam, Công ty Cổ phần Sơn Jymec Việt Nam, Công ty Facomax Việt Nam. Theo người dân thì 3 doanh nghiệp sản xuất sơn là những cơ sở hoạt động xả thải nhiều nhất, gây nguy cơ ô nhiễm môi trường tại đây trong thời gian vừa qua.

Có mặt tại CCN xã Di Trạch, phóng viên ghi nhận con mương tưới tiêu xã Di Trạch bị nhuộm màu xanh đen, mùi hắc bốc lên rất khó chịu từ nước thải của các công ty trong CCN được xả thải thẳng ra kênh T2-7, bao quanh hai bên hông và phía sau CCN Di Trạch. Toàn bộ nước của kênh đen ngòm, bề mặt nổi váng dầu và bọt. Bất kỳ ai đi qua khu vực này cũng phải bịt mũi vì mùi hôi thối. Còn trước mặt CCN là tuyến đường 422B và mương nước cũng bị ô nhiễm nặng không kém kênh T2-7.

Không dấu nổi bức xúc, nhiều người dân sinh sống tại đây cho biết, nhiều năm nay, người dân các thôn quanh CCN đã liên tục gửi đơn kêu cứu, khiếu nại đến chính quyền xã và cơ quan chức năng về tình trạng ô nhiễm do CCN này gây ra, nhưng đến nay sự việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. “Ngày trước, con mương này luôn trong sạch, hàng ngày chúng tôi vẫn thường xuyên tưới rau bằng nước mương, nhưng bây giờ chỉ sau 2 năm CCN Di Trạch đi vào hoạt động, con mương bốc mùi hôi thối nồng nặc. Không hiểu các công ty họ xả cái gì mà con mương lại ô nhiễm như vậy”, một người dân bức xúc nói.

Chính quyền bó tay?

Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Văn Mạnh, Chủ tịch UBND xã Di Trạch cho biết, năm 2006, UBND tỉnh Hà Tây cũ ban hành Quyết định số 655/QĐ-UBND thu hồi 83.862m2 đất nông nghiệp của xã Di Trạch chuyển thành đất chuyên dùng giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện thực hiện bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN Di Trạch.

Đến tháng 5/2010, CCN có 18 doanh nghiệp đăng ký thuê đất và năm 2015, các doanh nghiệp mới chính thức đi vào hoạt động. Mỗi khi các công ty vận hành, do không có hệ thống xử lý chất thải, nước thải khiến cho môi trường ở đây ô nhiễm nặng, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân.

Ông Mạnh cho biết thêm, việc con mương tưới tiêu bị ô nhiễm ai là người dân Di Trạch đều biết và bức xúc. Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương, mới đây, UBND xã cũng đã mời các doanh nghiệp vào làm việc, đề nghị các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động xử lý chất thải, nước thải phải đảm bảo vệ sinh môi trường, thống kê lượng rác thải của công ty để có trách nhiệm ký hợp đồng với các đơn vị xử lý chất thải công nghiệp theo quy định. Còn về xử lý dứt điểm theo quy định của pháp luật, UBND xã không đủ thẩm quyền để xử lý nên chỉ biết báo cáo lên huyện, kiến nghị UBND huyện giao cho phòng ban chức năng về kiểm tra, xử lý.

Để làm rõ những thông tin phản ánh của người dân, phóng viên đã có buổi làm việc với Phòng TNMT huyện Hoài Đức. Tại buổi làm việc, đại diện Phòng TNMT huyện Hoài Đức thừa nhận có nhận được phản ánh của nhân dân xã Di Trạch về vấn đề trên.

Mới đây, sau khi nhận được phản ánh, cũng như từ kiến nghị của UBND xã Di Trạch, Phòng TNMT huyện đã báo cáo UBND huyện. Sau báo cáo, UBND huyện đã thành lập đoàn công tác do một đồng chí Phó Chủ tịch  làm trưởng đoàn xuống kiểm tra hoạt động xả thải của các công ty tại CCN Di Trạch.

“Để xử lý nước thải cho các khu, CCN trên địa bàn, huyện đã tiến hành xây một nhà máy xử lý nước thải ở xã Vân Canh. Tới đây, khi xây dựng xong và đi vào hoạt động, nhà máy này sẽ có thể xử lý nguồn nước cho nhiều xã. Nhưng trước mắt, để giải quyết vấn đề ô nhiễm nguồn nước kênh T2-7 ở Di Trạch, huyện đã phối hợp với xã Di Trạch và ngành chức năng lấy mẫu nước của một số doanh nghiệp (3 doanh nghiệp sơn, 1 doanh nghiệp nhuộm) xét nghiệm. Khi có kết quả công bố, nếu phát hiện các thành phần độc tố vượt quá cho phép, sẽ buộc các doanh nghiệp phải tự khắc phục, nếu không sẽ có giải pháp mạnh hơn để xử lý như đề nghị rút giấy phép hoạt động”, vị đại diện này nói.

CCC Di Trạch đã đi vào hoạt động được 2 năm với gần 20 doanh nghiệp hoạt động thế nhưng đến thời điểm này, một hệ thống xử lý nước thải chung vẫn chưa được xây dựng. Các doanh nghiệp cứ mạnh ai nấy xả trực tiếp nước thải chưa qua xử lý vào môi trường mà không hề bị cơ quan chức năng xử lý. Đến khi người dân là những người phải chịu hậu quả trực tiếp phải kêu cứu thì cơ quan chức năng mới tiến hành kiểm tra để xử lý. Hy vọng, sau khi có kết quả kiểm tra, xác định rõ được doanh nghiệp nào vi phạm, cơ quan chức năng sẽ có biện pháp xử lý dứt điểm, mang lại cuộc sống bình an cho người dân. 

Đọc thêm