Theo ông Kết, năm 1986, bà Nguyễn Thị Gái và con gái là Mầu Thị Xuân cùng một số thành viên trong gia đình đi vùng kinh tế mới tại Lâm Đồng. Năm 1994, bà Gái cùng gia đình về huyện Hoài Đức để giao bán nhà đất thổ cư và đất nông nghiệp.
Ngày 30/7/1994, ông Kết và vợ chồng bà Gái thỏa thuận về giá cả và sau đó vợ chồng ông bà lập 02 hợp đồng chuyển nhượng nhà đất thổ cư và đất nông nghiệp (đất thổ cư 360m2 và đất nông nghiệp là 683m2) cho ông Kết, có chữ ký của vợ chồng bà Gái, cùng 4 nhân chứng và được UBND xã Cát Quế xác nhận ngày 4/8/1994. Sau 02 ngày, vợ chồng bà Gái mời vợ chồng ông Kết sang nhà để trả tiền và bàn giao nhà đất và giấy tờ. Sau khi trả đủ tiền, vợ chồng bà Gái đã giao 02 hợp đồng chuyển nhượng nhà đất và sổ đỏ, sổ nộp thuế đất nông nghiệp hàng năm cho ông Kết (sổ đỏ năm 1992 UBND huyện Hoài Đức cấp cho ông Mầu Tiến Viễn - chồng bà Gái đứng tên).
Tuy nhiên, sau khi đọc hợp đồng chuyển nhượng đất nông nghiệp không ghi số tiền, nên ông Kết hỏi thì chồng bà Gái, nói “Anh đã giao tiền cho tôi và tôi giao hợp đồng và giấy tờ cho anh là được, hai bên không có ý kiến thắc mắc là xong”, ông Kết cho biết.
Đến năm 2014, ông Kết làm thủ tục sang tên trước bạ nhà đất và nhờ cán bộ Địa chính xã Cát Quế tư vấn và giúp. Theo đó, cán bộ Địa chính xã tư vấn ông Kết gọi điện cho bà Gái ra để đo đất, tách làm hai sổ (một sổ đất thổ cư và một sổ đất nông nghiệp).
Do kinh phí hạn chế, ông Kết chỉ làm thủ tục sang tên nhà đất thổ cư nên bà Gái và ông Kết ra Văn phòng công chứng Tây Đô ký hợp đồng sang tên trước bạ, nhưng không hiểu vì lý do gì Văn phòng công chứng Tây Đô lại không thu lệ phí và không phát hành văn bản.
Do đó, ngày 23/4/2015, bà Gái làm đơn khởi kiện ra TAND huyện Hoài Đức yêu cầu tuyên bố 02 hợp đồng vô hiệu, buộc ông Kết phải trả lại toàn bộ nhà đất thổ cư và đất nông nghiệp mà bà cho rằng ông Kết mượn…
“Quá trình xem xét, giải quyết vụ án, thẩm phán Nguyễn Thị Kim Anh không xem xét hồ sơ vụ án mà chỉ nghe theo lời khai của nguyên đơn để đưa ra những chứng cứ không đúng pháp luật nhằm bóp méo sự thật để làm sai lệch hồ sơ vụ án, giải quyết cho nguyên đơn gây thiệt hại cho gia đình tôi. Đơn cử, trong hồ sơ khởi kiện có 02 hợp đồng, có chữ ký của bà Gái và 04 nhân chứng, nhưng trong đơn lại cho rằng ông Viễn tự ý bán, nhưng bà Gái không đưa ra được chứng cứ...”, ông Kết cho biết.
Bên cạnh đó, ông Kết còn chỉ ra nhiều điểm “bất thường”, như: Giấy xác nhận nhân thân do UBND xã Cát Quế xác nhận không đúng thẩm quyền; trong đơn bà Gái ghi gia đình bà nộp thuế từ năm 1994 đến nay, nhưng thực tế không đúng; đơn khởi kiện thể hiện bà Gái không biết chữ, nhưng Tòa án không xác minh…
Hai hợp đồng chuyển nhượng lập ngày 30/7/1994 có chữ ký của hai vợ chồng bà Gái và 04 người làm chứng và ngày 4/8/1994, ông Viễn, ông Kết ra UBND xã Cát Quế để xác nhận và ngày 6/8/1994 hai bên mới giao tiền, giao nhà đất cho nhau. Với thời gian như vậy, chẳng lẽ cả nhà bà Gái không đọc, không biết là hết sức vô lý? Và hơn 20 năm qua, gia đình bà Gái không có ý kiến thắc mắc về hợp đồng chuyển nhượng đất nông nghiệp này, nay bà khởi kiện cho rằng chồng bà tự ý bán nhà đất thổ cư và cho ông Kết mượn để khởi kiện là điều hết sức vô lý.
Bà Gái cho rằng, ông Kết mượn đất nông nghiệp thì tại sao lại giao hợp đồng chuyển nhượng cho ông Kết? Và, nếu ông Kết không giao đủ tiền thì làm gì có chuyện ông Viễn giao hợp đồng cho ông Kết?!
Liên quan đến việc gia đình bà Gái nộp thuế, theo xác minh của luật sư thì từ năm 1994 đến năm 2016 không có việc thu thuế nhà đất của gia đình bà Gái; bà Gái cũng không xuất trình được quyết định giao đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; việc UBND xã Cát Quế xác nhận về nhân thân cũng không đúng thẩm quyền…
Tòa án cấp sơ thẩm đã căn cứ vào lời khai của bà Gái nên đã mời một số nhân chứng đến ghi lời khai cũng không đúng sự thật, do đó ông Kết đã có đơn tố cáo gửi Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội, Công an huyện Hoài Đức.
Vi phạm tố tụng
Cũng theo phản ánh của ông Kết, hồ sơ khởi kiện của bà Gái không đúng với quy định tại Điều 189 Bộ luật Tố tụng Dân sư; việc đánh bút lục hồ sơ vụ án của TAND huyện Hoài Đức cũng không đúng theo quy định tại Điều 204 Bộ luật Tố tụng Dân sự; việc nhận tài liệu của đương sự không làm giấy biên nhận là vi phạm quy định tại Điều 96 Bộ luật Tố tụng Dân sự, cũng như việc TAND huyện Hoài Đức không mời UBND huyện Hoài Đức tham gia…là vi phạm tố tụng.
“Bản án số 11/2017/DSST, ngày 16/8/2017 của TAND huyện Hoài Đức, thẩm phán Nguyễn Thị Kim Anh không áp dụng Nghị định số 64, Luật Đất đai năm 1993, Bộ luật Dân sự năm 1995 và Điều 131 Luật Đất đai năm 2013 để giải quyết vụ án mà lại áp dụng Bộ luật Dân sự năm 2015 về thừa kế để quyết định bản án buộc tôi phải trả lại đất mà gia đình bà Gái chuyển nhượng cho gia đình tôi từ năm 1994 có xác nhận của UBND xã là bẻ cong “Cán cân công lý”…”, ông Kết bức xúc.
Được biết, ông Kết đã kháng cáo đối với bản án của TAND huyện Hoài Đức, theo đó đề nghị HĐXX phúc thẩm tới đây sẽ có những đánh giá khách quan, toàn diện vụ án nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.