Hoài Đức (Hà Nội): Thu hàng trăm tỷ đồng của dân, sau gần 10 năm vẫn chưa hoàn thiện cơ sở hạ tầng khu đất dịch vụ

(PLVN) -  Năm 2011, UBND huyện Hoài Đức đã ra văn bản chỉ đạo UBND xã thu tiền của những hộ được hưởng chính sách trên để làm cơ sở hạ tầng đất dịch vụ, những sau gần 10 năm người dân vẫn chưa nhận được đất dịch vụ.  
Người dân ở xã An Khánh phản ánh sự việc với phóng viên
Người dân ở xã An Khánh phản ánh sự việc với phóng viên

Hiện nay có không ít hộ dân ở các thôn An Thọ, Phú Vinh, Yên Lũng (xã An Khánh) gửi đơn kêu cứu, họ đã giao toàn bộ đất nông nghiệp cho Nhà nước để thực hiện dự án khác, đổi lại được Nhà nước bồi thường, hỗ trợ đất dịch vụ được tính bằng 10% diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi để “kiếm kế sinh nhai”.  Theo đơn trình bày của một số người dân, năm 2000 – 2003 nhân dân chúng tôi nhận được những quyết định thu hồi đất nông nghiệp của UBND huyện Hoài Đức để chuyển sang mục đích khác và được đền bù với mức giá 12 triệu đồng/ sào (tương đương 360 m2), vì giá bồi thường quá rẻ nên người dân không đồng ý, UBND huyện tiếp tục bàn bạc với người dân nâng giá bồi thường lên 24 triệu đồng/ sao, một số người dân vẫn không đồng ý và UBND huyện tiếp tục nâng lên mức bồi thường là 45,7 triệu đồng/ sao.

Đại diện một người dân cho biết, khi đó các đoàn thể ban, ngành của xã, huyện đến từng hộ gia đình để vận động giao nộp đất nông nghiệp và hứa sẽ bồi thường thỏa đáng và giao 10% đất dịch vụ cho những hộ bị thu hồi đất. Tuy nhiên, sau khi thu hồi hết đất nông nghiệp của người dân xong từ lãnh đạo cấp xã cho đến huyện không hề quan tâm đến việc giao đất dịch vụ cho người dân, cho đến tháng 4/2011 cán bộ xã, huyện lại đến vận động người dân nộp tiền để lấy kinh phí làm cơ sở hạ tầng đất dịch vụ để sớm chia cho người dân.

 

"Toàn bộ người dân thuộc xã An Khánh bị thu hồi hết đất nông nghiệp nên không có việc làm nên khi thấy cán bộ xã, huyện nói đóng tiền sớm thì được nhận đất dịch vụ sớm, nhiều hộ gia đình đã phải đi vay lãi nặng để nộp tiền dịch vụ cho UBND xã từ gần 10 năm nay nhưng đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được đất dịch vụ", bà Nguyễn Thị Đạo cho biết.

Ngày 29/12/2011, UBND huyện Hoài Đức có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn giải quyết tồn tại vướng mắc trong công tác giao đất dịch vụ gửi UBND các xã, thị trấn; các phòng, ban, ngành liên quan; các đơn vị chủ đầu tư dự án. Theo đó, UBND huyện đưa ra mức tạm thu 810.000 đồng/m2 của các hộ dân được giao đất dịch vụ theo Nghị định 17/2006 của Chính phủ. Theo đó, phải thực hiện đồng bộ hệ thống hạ tầng trong khu đất dịch vụ và đấu nối, khớp nối hạ tầng xung quanh (bao gồm cả hạ tầng kỹ thuật: giao thông, thoát nước, vệ sinh môi trường, cấp điện, cấp nước sạch.

Người dân phải nộp số tiền không hề nhỏ để làm cơ sở hạ tầng, ấy vậy cho đến nay, theo xác minh của phóng viên tại một số vị trí được cho là sẽ giao đất dịch vụ cho người dân ở thôn An Thọ và một số vị trí khác thuộc xã An Khánh cơ sở hạ tầng vẫn chưa hoàn thiện, rác thải đổ chồng chất gây ô nhiễm môi trường, mặt bằng dự án chưa được san lấp nên có nhiều thùng vũng. 

Tại hiện trường của vị trí đất dịch vụ, nhiều người dân bức xúc, dân được bồi thường đất khi thu hồi với giá rẻ, xong được hỗ trợ suất đất dịch vụ lại phải đóng mức tiền rất cao để làm cơ sở hạ tầng (tức là người dân tự bỏ tiền để làm cơ sở hạ tầng), nhiều hộ phải đi vay lãi hơn 120 triệu đồng để nộp tiền làm cơ sở hạ tầng khiến cho cuộc sống của người dân nơi đây khó khăn nay lại khó khăn gấp bội, ruộng nương không còn, công việc cũng không.

Vậy mà hàng trăm tỷ người dân nộp, sau gần 10 năm nay nhưng cơ sở hạ tầng đất dịch vụ vẫn chưa san mặt bằng, đường, điện, nước, chưa thấy đâu. Dân chúng tôi không hiểu số tiền người dân nộp đi đâu, về đâu?

Theo tìm hiểu được biết, từ trước năm 2014, UBND huyện Hoài Đức giao cho UBND xã làm chủ đầu tư để xây dựng cơ sở hạ tầng vị trí khu đất dịch vụ. Sau năm 2014 UBND huyện đã thu hồi lại để UBND huyện làm chủ đầu tư, Ban quản lý dự án của huyện đại diện cho chủ đầu tư thực hiện.

Theo ông Nguyễn Viết Vượng, cán bộ địa chính xã An Khánh, UBND xã từ khi làm chủ đầu tư mới thực hiện được các bước: Lập quy hoạch, lập hồ sơ thiết kế hạ tầng, giải phóng mặt bằng, mời thầu và thực hiện thầu. Sau đó đến năm 2014 thì UBND huyện thu hồi lại để UBND huyện làm chủ đầu tư. Đối với thực trạng hiện nay thì UBND huyện vẫn chưa triển khai gì thêm, cơ sở hạ tầng chưa thực hiện theo quy định.

Quá trình làm việc với phóng viên, ông Vượng, cho biết Thôn An Thọ có 7 vị trí bốc thăm giao đất dịch vụ thì đã cho bốc 5 vị trí; thôn Phú Vinh có 2 vị trí bốc thăm; thôn Yên Lũng có 6 vị trí đã bốc thăm. Cơ sở hạ tầng chưa thực hiện đúng theo quy định, nhưng UBND huyện Hoài Đức vẫn chỉ đạo UBND xã cho người dân bốc thăm như vậy để có cơ sở báo cáo với thành phố Hà Nội.

Được biết, ngày 3/1 và ngày 2/4, UBND xã Anh Khánh đã có Tờ trình gửi UBND huyện Hoài Đức đề nghị phê duyệt kết quả bốc thăm vị trí ô đất dịch vụ cho các hộ gia đình, cá nhân được hưởng chính sách đất dịch vụ theo Nghị định 17/2006/NĐ-CP tại thôn Phú Vinh.

Có thể nhận thấy,  hàng loạt các vấn đề cần phải làm rõ, trong việc UBND huyện Hoài Đức chỉ đạo UBND xã cho bốc thăm đất dịch vụ khi chưa hoàn thiện cơ sở hạ tầng; cơ sở nào để thu mức tiền 810.000 đồng/m2; thu hàng trăm tỷ của người dân đã gần 10 năm để làm cơ sở hạ tầng đất dịch vụ, đến nay vẫn chưa thực hiện theo yêu cầu. Số tiền đó liệu có thất thoát? 

Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.

Đọc thêm