Vay tiền tỷ của ngân hàng
9 bị cáo bị đưa ra xét xử về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản gồm Đỗ Xuân Hai (SN 1962, ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội), Nguyễn Trọng Năm (SN 1965, chủ doanh nghiệp tư nhân Năm Hường), Đỗ Quang Bình (SN 1976, Giám đốc Công ty TNHH Nam Bình)… 3 bị cáo bị đưa ra xét xử về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” gồm Nguyễn Thanh Hiếu- nguyên Giám đốc VIB, Chi nhánh Nguyễn Huệ và 2 cấp dưới.
Theo cáo trạng, trong thời gian từ tháng 1/2011 đến tháng 4/2011, Đỗ Xuân Hai, Nguyễn Trọng Năm, Đỗ Quang Bình đã thực hiện hành vi lập khống chứng từ hàng hóa là ngô, sắn làm tài sản thế chấp bảo đảm khoản vay, chiếm đoạt tiền của VIB chi nhánh Nguyễn Huệ. Bùi Đắc Liệu và 5 người khác là chủ doanh nghiệp, giám đốc các công ty tư nhân có hành vi giúp sức Hai, Năm và Bình chiếm đoạt tiền của ngân hàng.
Năm 2003, Đỗ Xuân Hai cùng 2 người khác góp vốn, thành lập Công ty Đức Hiếu với ngành nghề kinh doanh là mua bán, chế biến nông sản. Hai là người đại diện pháp luật và là Giám đốc công ty. Từ năm 2008, Công ty Đức Hiếu đã có quan hệ tín dụng với VIB, Chi nhánh Nguyễn Huệ.
Tài liệu điều tra thể hiện, ngày 1/10/2010, Đỗ Xuân Hai ký hợp đồng tín dụng với Ngân hàng VIB, Chi nhánh Nguyễn Huệ do Nguyễn Thanh Hiếu làm giám đốc, vay 95 tỷ đồng, thế chấp bằng toàn bộ hàng hóa tồn kho luân chuyển của Công ty Đức Hiếu bao gồm các mặt hàng nông sản làm thức ăn chăn nuôi. Đến tháng 4/2011, do sắp hết thời hạn và đã nhận đủ 95 tỷ đồng theo hạn mức tín dụng, Hai làm đơn xin tăng hạn mức tín dụng và đề nghị ký hợp đồng tín dụng mới.
Được chấp nhận, ngày 5/5/2011, Hai và Hiếu đại diện cho doanh nghiệp và ngân hàng ký hạn mức tín dụng mới là 115 tỷ đồng (bao gồm toàn bộ dư nợ ngắn hạn hiện tại). Thời hạn vay theo từng khế ước (tối đa 6 tháng), thời hạn hiệu lực của hợp đồng hạn mức 12 tháng. Mục đích vay là bổ sung vốn lưu động kinh doanh các mặt hàng nông sản làm nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi. Tài sản bảo đảm là hàng hóa tồn kho, với giá trị hàng tồn kho bằng 167% dư nợ, tỷ lệ cho vay là 60% và cộng thêm 5 bất động sản. Kho hàng được bàn giao cho CTCP Dịch vụ Bảo vệ chuyên nghiệp 135 theo hợp đồng bảo vệ 3 bên gồm ngân hàng, doanh nghiệp và đơn vị bảo vệ.
Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản
Theo cáo trạng, thực chất, Hai đã chỉ đạo cấp dưới lập khống số liệu chứng từ hàng hóa thế chấp thể hiện trên biên bản kiểm kê kiêm định giá tài sản, biên bản giao nhận hàng hóa và lập khống chứng từ chứng minh việc mua hàng hóa gồm hợp đồng kinh tế, hóa đơn GTGT, phiếu nhập kho... để hoàn thiện hồ sơ vay vốn, hồ sơ giải ngân rút tiền của ngân hàng. Đến tháng 5/2012, Công ty Quản lý nợ và khai thác tài sản AMC của VIB cùng với đại diện Công ty Đức Hiếu tiến hành kiểm kê kho hàng xác định trong kho chỉ còn 3.036 tấn ngô, sắn, thiếu so với biên bản kiểm kê kiêm định giá tài sản trước đó là 24.004 tấn ngô.
Tại CQĐT, Đỗ Xuân Hai khai để thực hiện việc rút tiền của VIB, Chi nhánh Nguyễn Huệ với mục đích trả nợ và chi tiêu cá nhân, ông ta đã chỉ đạo và cùng Bùi Văn Hợp (em rể) lập khống chứng từ mua bán hàng hóa là ngô, sắn; Lập khống các biên bản giao nhận hàng hóa thế chấp để hoàn thiện hồ sơ vay tiền tại VIB, chi nhánh Nguyễn Huệ.
Thực tế, Công ty Đức Hiếu có kinh doanh mặt hàng ngô, sắn nhưng chỉ có lượng hàng nhỏ, mua lẻ từ các cá nhân. Thời điểm hàng hóa nhiều nhất chỉ khoảng 5.000 tấn. Việc thuê Công ty Bảo vệ 135 chỉ là hình thức để hoàn thiện thủ tục tín dụng. Công ty Bảo vệ 135 không thực hiện công tác bảo vệ, không theo dõi việc xuất, nhập hàng trong kho. Các biên bản giao nhận hàng hóa thế chấp 3 bên đều được lập khống để hoàn thiện hồ sơ tín dụng, hồ sơ giải ngân.
Sau khi được giải ngân vào các công ty của đồng phạm và tài khoản công ty mình, Hai đã sử dụng để trả nợ cũ cho VIB, trả nợ vay ngoài xã hội và chi tiêu cá nhân. Ngoài ra, Đỗ Xuân Hai còn khai sử dụng tiền vay ngân hàng cho bị can Nguyễn Thanh Hiếu, cựu Giám đốc VIB Chi nhánh Nguyễn Huệ vay 16,2 tỷ đồng. Đến nay, Hai xác nhận không còn khả năng thanh toán tiền gốc còn nợ. Cơ quan chức năng xác định Đỗ Xuân Hai và đồng phạm đã chiếm đoạt hơn 79,4 tỷ đồng.
Để xảy ra sự việc trên là do Hiếu và các thuộc cấp Ngân hàng VIB – Chi nhánh Nguyễn Huệ đã không thực hiện đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước, VIB trong việc thẩm định hàng hóa thế chấp, kiểm tra, định giá tài sản là hàng hóa tồn kho luân chuyển. Bên cạnh đó, những cán bộ cấp dưới của Hiếu còn lập khống các Biên bản kiểm kê kiêm định giá tài sản, Biên bản giao nhận hàng hóa thế chấp theo chỉ đạo của nguyên Giám đốc VIB – Chi nhánh Nguyễn Huệ.