Vấn đề hoãn thi hành án dân sự (THADS) theo yêu cầu của người có thẩm quyền kháng nghị được được quy định cụ thể tại khoản 2 Điều 48 Luật THADS sửa đổi, bổ sung năm 2014 (Luật THADS). Theo đó, thủ trưởng cơ quan THADS ra quyết định hoãn thi hành án khi nhận được yêu cầu hoãn thi hành án của người có thẩm quyền kháng nghị ít nhất 24 giờ trước thời điểm cưỡng chế thi hành án đã được ấn định trong quyết định cưỡng chế.
Trường hợp cơ quan thi hành án nhận được yêu cầu hoãn thi hành án của người có thẩm quyền kháng nghị ít hơn 24 giờ trước thời điểm cưỡng chế đã được ấn định trong quyết định cưỡng chế thi hành án thì Thủ trưởng cơ quan THADS có quyền quyết định hoãn thi hành án khi xét thấy cần thiết. Trường hợp vụ việc đã được thi hành một phần hoặc đã được thi hành xong thì cơ quan thi THADS phải có văn bản thông báo ngay cho người yêu cầu hoãn thi hành án.
Theo Điều 331, Điều 354 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 (Bộ luật TTDS năm 2015); Điều 373, Điều 400 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, người được quyền kháng nghị bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm gồm: Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao; Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương; Viện trưởng Viện kiểm sát Quân sự Trung ương; Chánh án Tòa án nhân dân Cấp cao; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Cấp cao.
Về số lần được yêu cầu hoãn: Người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm đối với bản án, quyết định của Toà án chỉ được yêu cầu hoãn thi hành án một lần để xem xét kháng nghị nhằm tránh hậu quả không thể khắc phục được (khoản 2 Điều 48 Luật THADS).
Về thời hạn hoãn: Thời hạn hoãn thi hành án theo yêu cầu của người có thẩm quyền kháng nghị bản án, quyết định không quá 03 tháng, kể từ ngày ra văn bản yêu cầu hoãn thi hành án; trong thời gian hoãn thi hành án thì người phải thi hành án không phải chịu lãi suất chậm thi hành án (khoản 2 Điều 48 Luật THADS).
Vấn đề hoãn theo yêu cầu của người có thẩm quyền kháng nghị cũng được quy định tại khoản 1 Điều 332 Bộ luật TTDS năm 2015: Người có thẩm quyền kháng nghị bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án có quyền yêu cầu hoãn thi hành bản án, quyết định để xem xét việc kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.
Việc hoãn thi hành bản án, quyết định được thực hiện theo quy định của pháp luật THADS. Việc hoãn thi hành án trong trường hợp này cũng được quy định tại Điều 261 Luật Tố tụng Hành chính năm 2015: “…Đối với quyết định về phần dân sự trong bản án, quyết định hành chính của Tòa án thì người có thẩm quyền kháng nghị có quyền yêu cầu cơ quan THADS hoãn thi hành án theo quy định của pháp luật về THADS”.
Có thể thấy khoản 2 Điều 48 Luật THADS đã quy định tương đối rõ ràng về trường hợp hoãn thi hành án theo yêu cầu của người có thẩm quyền kháng nghị bản án, quyết định theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm. Tuy nhiên, quy định này vẫn có điểm chưa thống nhất với quy định khác.
Tại khoản 2 Điều 103 Luật THADS quy định trường hợp người mua được tài sản bán đấu giá đã nộp đủ tiền mua tài sản bán đấu giá nhưng bản án, quyết định bị kháng nghị, sửa đổi hoặc bị hủy thì cơ quan THADS tiếp tục giao tài sản, kể cả thực hiện việc cưỡng chế thi hành án để giao tài sản cho người mua được tài sản bán đấu giá, trừ trường hợp kết quả bán đấu giá bị hủy theo quy định của pháp luật hoặc đương sự có thỏa thuận khác.
Thực tiễn có trường hợp người mua được tài sản bán đấu giá đã nộp đủ tiền, cơ quan thi hành án chuẩn bị thực hiện cưỡng chế thi hành án để giao tài sản cho người trúng đấu giá thì nhận được yêu cầu hoãn thi hành án của người có thẩm quyền kháng nghị. Trong trường hợp này, cơ quan THADS có được tiếp tục thực hiện cưỡng chế giao tài sản cho người trúng đấu giá không?
Nếu hoãn thi hành án thì ảnh hưởng đến quyền lợi của người mua được tài sản bán đấu giá, nếu không hoãn thi hành án thì vi phạm khoản 2 Điều 48 Luật THADS. Do vậy, đề nghị xem xét bổ sung thêm quy định tại khoản 2 Điều 48 Luật THADS trường hợp ngoại lệ theo quy định tại khoản 2 Điều 103 Luật THADS cho phù hợp, cụ thể: “Thủ trưởng cơ quan THADS ra quyết định hoãn thi hành án khi nhận được yêu cầu hoãn thi hành án của những người có thẩm quyền kháng nghị ít nhất 24 giờ trước thời điểm cưỡng chế thi hành án đã được ấn định trong quyết định cưỡng chế, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 103 Luật THADS”.
Trong thực tiễn tổ chức thi hành án, việc hoãn thi hành án có ý nghĩa vô cùng quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của các đương sự. Do vậy, việc tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các quy định về hoãn thi hành án là rất cần thiết.