Hoàn thiện cơ chế theo dõi tình hình thi hành pháp luật

(PLVN) - Sáng 15/12, Bộ Tư pháp phối hợp với Liên minh châu Âu (EU) và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức Hội thảo tham vấn Báo cáo đánh giá tình hình thi hành Nghị định số 59/2012/NĐ-CP (NĐ số 59) ngày 23/7/2012 và Nghị định số 32/2020/NĐ-CP (NĐ số 32) ngày 5/3/2020 về theo dõi tình hình thi hành pháp luật.
Toàn cảnh Hội thảo.
Toàn cảnh Hội thảo.

Đồng chủ trì Hội thảo là ông Đặng Thanh Sơn, Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp và bà Đào Thị Thu An, Quản lý Dự án Tăng cường pháp luật và Tư pháp tại Việt Nam (EU JULE). Tham dự Hội thảo có các chuyên gia khoa học, các chuyên gia phản biện độc lập, đại diện một số Bộ, ngành, Sở Tư pháp địa phương.

Theo Dự thảo Báo cáo, mục tiêu nghiên cứu là đánh giá tình hình thi hành NĐ số 59 (được sửa đổi, bổ sung bởi NĐ số 32), từ đó đề xuất hoàn thiện cơ chế theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Trong đó xác định việc xây dựng đạo luật về theo dõi thi hành pháp luật do Quốc hội ban hành để nâng cao hiệu lực hiệu quả công tác theo dõi thi hành pháp luật, đồng thời là cơ sở để thực hiện công tác phối theo dõi thi hành pháp luật giữa các cơ quan trong bộ máy nhà nước, giữa cơ quan trong bộ máy với các tổ chức chính trị, tổ chức xã hội, các tổ chức xã hội nghề nghiệp và công dân.

Báo cáo tập trung nghiên cứu kết quả triển khai, thực hiện NĐ số 59 (được sửa đổi, bổ sung bởi NĐ số 32) về theo dõi tình hình thi hành pháp luật; Tồn tại, hạn chế trong quá trình thi hành NĐ số 59 (được sửa đổi, bổ sung bởi NĐ số 32) về theo dõi tình hình thi hành pháp luật và nguyên nhân; Phương hướng, giải pháp và kiến nghị hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật.

Trong những năm qua, với trách nhiệm là cơ quan được giao giúp Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành tổ chức nghiên cứu xây dựng chính sách, chương trình, kế hoạch cho việc hoàn thiện thể chế về tổ chức thi hành và theo dõi thi hành pháp luật nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013; Nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ lập đề nghị xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của NĐ số 59, sửa đổi, bổ sung Thông tư số 10/2015/TT-BT các nội dung liên quan đến chế độ báo cáo trong công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật; xây dựng dự thảo khung theo dõi thi hành pháp luật và hệ thống thu thập dữ liệu để phục vụ công tác theo dõi, đánh giá chính xác, khách quan và khoa học về tình hình thi hành pháp luật…

Ông Đặng Thanh Sơn, Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp.

Ông Đặng Thanh Sơn, Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp.

Phát biểu khai mạc, ông Đặng Thanh Sơn cho biết NĐ số 59 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật là văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) điều chỉnh trực tiếp về hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc triển khai công tác này.

Trong 10 năm qua, Nghị định trên là cơ sở pháp lý bảo đảm thực hiện công tác quản lý nhà nước về theo dõi thi hành pháp luật, góp phần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong việc quản lý nhà nước và xã hội, khẳng định vị trí, vai trò của công tác này trong hoạt động của bộ máy nhà nước ở cả trung ương và địa phương. Từng bước củng cố, kiện toàn các cơ quan tổ chức thực hiện nhiệm vụ theo dõi tình hình thi hành pháp luật.

Tuy nhiên, NĐ số 59 mới chỉ tập trung điều chỉnh các vấn đề về theo dõi tình hình thi hành pháp luật, hệ thống văn bản QPPL quy định về công tác tổ chức thi hành pháp luật còn thiếu vắng, chưa có văn bản pháp lý cao ở tầm đạo luật để quy định các vấn đề cơ bản có tính nguyên tắc trong công tác tổ chức thi hành pháp luật. Đến nay, chưa có văn bản QPPL hay chế định chính thức nào điều chỉnh riêng về hoạt động tổ chức thi hành pháp luật. Công tác theo dõi quản lý, kiểm tra giám sát việc tổ chức thi hành pháp luật thực tế chưa được chú trọng, chưa có tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá hiệu quả thi hành pháp luật làm công cụ quản lý nhà nước.

Hội thảo nhằm tham vấn ý kiến của đại diện các bộ, ngành, địa phương, UNDP và các chuyên gia, các nhà khoa học… đối với công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Qua đó tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, xây dựng luật và thi hành pháp luật, đáp ứng nhu cầu hoàn thiện thể chế pháp luật về tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm cho pháp luật được thi hành nghiêm minh trong đời sống xã hội. Kết quả Hội thảo sẽ là căn cứ quan trọng để Bộ Tư pháp tiếp tục triển khai các hoạt động tổng kết thi hành NĐ số 59, NĐ số 32 về theo dõi tình hình thi hành pháp luật và làm cơ sở để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ lập đề nghị xây dựng Luật tổ chức thi hành pháp luật dự kiến trình Chính phủ năm 2023.

Bà Đào Thị Thu An, Quản lý Dự án Tăng cường pháp luật và Tư pháp tại Việt Nam (EU JULE).

Bà Đào Thị Thu An, Quản lý Dự án Tăng cường pháp luật và Tư pháp tại Việt Nam (EU JULE).

Bà Đào Thị Thu An, Quản lý Dự án Tăng cường pháp luật và Tư pháp tại Việt Nam (EU JULE) cho biết Hội thảo là hoạt động nằm trong khuôn khổ chương trình Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam. Bà An đề nghị các chuyên gia, các nhà phản biện, đại biểu tham dự Hội thảo có những ý kiến đóng góp tích cực cho nhóm chuyên gia nghiên cứu để có một báo cáo nghiên cứu tốt nhất.

Tại Hội thảo, các nhà phản biện, chuyên gia đều đánh giá cao Dự thảo Báo cáo: Dự thảo Báo cáo được thực hiện khá công phu, bám sát báo cáo của các Sở tư pháp địa phương; Dung lượng của báo cáo vừa phải; Nội dung báo cáo khá đầy đủ, toàn diện, chi tiết, đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế… Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, vấn đề quan trọng là bảo đảm kinh phí thực hiện; tăng cường công nghệ thông tin…

Đọc thêm