Hoàn thiện khung khổ pháp lý để khơi thông nguồn lực đất đai

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hội thảo khoa học quốc gia “Tiếp tục đổi mới chính sách đất đai theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng” do Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam phối hợp Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật tổ chức hôm qua (15/3) đã ghi nhận nhiều đề xuất của các chuyên gia, nhà khoa học nhằm tiếp tục đổi mới chính sách đất đai, tháo gỡ những “điểm nghẽn” để thị trường đất đai thực sự trở thành nguồn lực cho tăng trưởng và phát triển.
Quang cảnh hội thảo
Quang cảnh hội thảo

Công tác quản lý nhà nước về đất đai còn nhiều bất cập

Phát biểu khai mạc, PGS.TS Phạm Minh Tuấn, Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật khẳng định, những năm qua, nguồn lực đất đai đã được quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội; việc phân cấp, phân quyền quản lý và sử dụng đất được coi trọng, bước đầu khắc phục tình trạng lãng phí tài nguyên đất... Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước về đất đai còn nhiều bất cập, chưa có sự thống nhất cao từ Trung ương tới địa phương; chưa thực sự công khai, minh bạch và dựa trên cơ chế thị trường; việc tích tụ, tập trung ruộng đất chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Ngoài ra, tình trạng tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và vi phạm pháp luật về đất đai còn diễn biến phức tạp, chậm được giải quyết, gây bức xúc xã hội; thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất phát triển chưa thực sự ổn định, thiếu minh bạch, chưa bền vững…

Cùng quan điểm, PGS.TS Bùi Nhật Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, bên cạnh kết quả tích cực đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội, Luật Đất đai năm 2013 đã bộc lộ nhiều bất cập. Nguồn lực về đất đai vẫn chưa được khai thác và phát huy đầy đủ để trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Quá trình thực thi chính sách, pháp luật về đất đai đã bộc lộ nhiều “kẽ hở”, tạo môi trường, điều kiện cho “nhóm lợi ích” tiêu cực trục lợi, tham nhũng…

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra các nhiệm vụ rất cụ thể trong lĩnh vực đất đai, trong đó có xây dựng chiến lược, hoàn thiện hệ thống thể chế quản lý, sử dụng có hiệu quả tài nguyên, trọng tâm là đất đai; hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về đất đai, nâng cao chất lượng công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, hiện đại hóa lĩnh vực địa chính, dịch vụ công về đất đai; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, bền vững, hiệu quả, tiết kiệm trong sử dụng đất... Những chủ trương, chính sách trên là cơ sở để các cơ quan, các cấp có thẩm quyền nhanh chóng triển khai, áp dụng vào thực tiễn giúp nước ta khai thác được giá trị tài nguyên đất một cách bền vững.

Cho rằng tiềm lực đất đai hiện nay vẫn chưa được khai thác và phát huy đầy đủ để trở thành nguồn nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, PGS.TS Vũ Hồng Sơn, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, cần đổi mới mạnh mẽ, căn bản công tác quản lý và sử dụng đất, nhất là chính sách, pháp luật về đất đai, theo hướng không chỉ nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc hiện tại mà còn tạo nền tảng để đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Kiểm soát có hiệu quả quyền lực nhà nước trong lĩnh vực đất đai

Theo GS.TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam cần khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai thông qua vốn hóa đất đai. Vì vậy, cần đưa ra các chính sách tài chính đất đai phù hợp, trên nguyên tắc không lãng phí nguồn vốn đất đai; quản lý tốt đất đai thuộc tài sản công, khuyến khích việc sử dụng đất đai thuộc tài sản tư, từ đó tạo các cơ chế phù hợp để tăng nguồn thu từ đất.

PGS.TS Trần Quốc Toản, chuyên gia cao cấp, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh, yêu cầu đặt ra trong giai đoạn mới là nguồn lực đất đai phải được sử dụng có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững đất nước. Bên cạnh đó, hoàn thiện đồng bộ thể chế, thiết chế để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai; kiểm soát có hiệu quả quyền lực nhà nước trong lĩnh vực đất đai. Đảm bảo cho pháp luật, cơ chế, chính sách về đất đai được thực hiện đúng, nghiêm minh; đảm bảo cho các quyền, trách nhiệm và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người sử dụng đất được tôn trọng và bảo vệ.

Các đại biểu đều thống nhất cho rằng, cần bám sát những yêu cầu được đề ra trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, thực tiễn của Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế để đề xuất các quan điểm và giải pháp nhằm tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai đồng bộ với thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; khơi dậy tiềm năng, phát huy cao nhất nguồn lực đất đai; khắc phục tình trạng sử dụng đất đai lãng phí, tham nhũng, khiếu kiện và đầu cơ đất đai. Đồng thời giải quyết căn bản những tồn tại, vướng mắc trong quản lý và sử dụng đất do lịch sử để lại và do yêu cầu mới của thực tiễn; giải quyết tốt mối hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội trong quản lý, sử dụng đất…

Đọc thêm