Hoàn thiện quy định về cấp quyền khai thác khoáng sản

(PLVN) - Đây là một trong những chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp rà soát, hoàn thiện dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản (dự thảo Luật), diễn ra ngày 13/3.
Quang cảnh cuộc họp. (Nguồn ảnh: VGP)
Quang cảnh cuộc họp. (Nguồn ảnh: VGP)

Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho biết, dự thảo Luật thể chế hóa đầy đủ các quan điểm của Đảng, Nhà nước về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Các quy định của dự thảo Luật bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, đồng bộ với các pháp luật liên quan; rõ ràng, dễ hiểu và mang tính khả thi cao, thúc đẩy đầu tư, xã hội hóa đi đôi với tăng cường bảo vệ, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên địa chất, khoáng sản, gắn với yêu cầu phân công, phân cấp rõ ràng, minh bạch; cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, hiệu quả.

Dự thảo Luật cũng tạo hành lang pháp lý toàn diện trong việc bảo vệ tài nguyên địa chất, khoáng sản chưa khai thác; tăng cường công tác bảo vệ môi trường, an toàn lao động trong hoạt động khoáng sản; hài hòa lợi ích giữa Nhà nước với tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản và cộng đồng dân cư nơi có hoạt động khoáng sản. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương.

Các điểm mới của dự thảo Luật bao gồm: Quy định về điều tra cơ bản địa chất; các trường hợp đặc thù cho phép khai thác khoáng sản không phải có quy hoạch khoáng sản; khai thác nước khoáng, nước nóng thiên nhiên, khai thác khoáng sản lòng sông, lòng hồ, ở khu vực biển không phải lập đề án đóng cửa mỏ khoáng sản nhưng phải thực hiện phương án đóng cửa mỏ khoáng sản; công nhận kết quả thăm dò khoáng sản thay vì phê duyệt trữ lượng; tăng cường quản lý cát, sỏi lòng sông, lòng hồ, khu vực biển; cho phép tổ chức, cá nhân thế chấp, góp vốn quyền khai thác khoáng sản… Trong quá trình xây dựng Luật, Bộ TN&MT đã tiến hành rà soát và xây dựng báo cáo đồng bộ với 44 luật, bộ luật, nhất là Bộ luật Dân sự và các Luật: Đầu tư, Ngân sách nhà nước, Lâm nghiệp, Đất đai, Bảo vệ môi trường, Di sản văn hóa...

Tại cuộc họp, đại diện các Bộ, ngành đã thảo luận, làm rõ thêm một số vấn đề còn ý kiến khác nhau như phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật; quy định quản lý khai thác cát sông, cát biển; đầu mối quản lý quy hoạch, dữ liệu điều tra, thăm dò địa chất, khoáng sản; sử dụng ngân sách nhà nước để thăm dò khoáng sản chiến lược, quan trọng, có giá trị kinh tế và nhu cầu sử dụng lớn. Một số đại biểu cho ý kiến về nguồn kinh phí dành cho hoạt động điều tra, thăm dò địa chất, khoáng sản; tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo sản lượng khai thác hằng năm; phạm vi thẩm quyền của Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản…

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ TN&MT tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp, hoàn thiện dự thảo Luật. Theo đó, Bộ TN&MT làm rõ nội hàm hoạt động khoáng sản, bổ sung hoạt động chế biến, kinh doanh khoáng sản, phân định rõ trách nhiệm của các Bộ quản lý chuyên ngành như Xây dựng, Công Thương; phối hợp với Bộ Tài chính hoàn thiện quy định tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, bảo đảm khả thi, tham khảo giá cả thị trường thế giới.

Ngoài ra, dự thảo Luật cần quy định Bộ TN&MT là đầu mối quản lý nhà nước về quy hoạch, dữ liệu điều tra, thăm dò địa chất, khoáng sản; phối hợp chặt chẽ các Bộ quản lý chuyên ngành như Xây dựng, Công Thương để xây dựng, thẩm định, trình phê duyệt các quy hoạch về địa chất, khoáng sản; chịu trách nhiệm ban hành quy định tiêu chuẩn, trình tự thủ tục, hồ sơ, năng lực của đơn vị điều tra, thăm dò, đánh giá địa chất, khoáng sản; phê duyệt nhiệm vụ điều tra, thăm dò, đánh giá địa chất, khoáng sản.

Phó Thủ tướng cũng cho ý kiến cụ thể về hoạt động đấu thầu, đấu giá đối với những loại khoáng sản đặc biệt, quan trọng, có giá trị kinh tế cao do Chính phủ quy định; thẩm quyền, trách nhiệm của Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia đối với kết quả thăm dò khoáng sản và báo cáo thăm dò nâng cấp trữ lượng được thực hiện bằng nguồn ngân sách nhà nước…

Đọc thêm