Hoãn xử phúc thẩm vụ 9 bệnh nhân chạy thận tử vong

(PLVN) - Sáng 13/5, TAND tỉnh Hòa Bình mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án “Vô ý làm chết người”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo kháng cáo của bị cáo Hoàng Công Lương, Trương Quý Dương, Hoàng Đình Khiếu, Trần Văn Thắng và Đỗ Anh Tuấn.
Bị cáo Hoàng Công Lương rời tòa sau khi HĐXX quyết định hoãn xử
Bị cáo Hoàng Công Lương rời tòa sau khi HĐXX quyết định hoãn xử

Trong phần thủ tục, Thư ký phiên tòa cho biết luật sư Hoàng Văn Hướng - bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương (nguyên bác sỹ Khoa Hồi sức – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình) không có mặt (có đơn xin hoãn phiên tòa). Bị cáo Hoàng Công Lương cũng đề nghị tòa xem xét tạm dừng làm việc do vắng người bào chữa. Do đó, VKSND tỉnh Hòa Bình đề nghị HĐXX hoãn phiên tòa. Sau ít phút hội ý, chủ tọa quyết định hoãn phiên xử phúc thẩm, chuyển sang ngày 12/6 tới.

Trao đổi với báo chí, bị cáo Hoàng Công Lương cho biết bản thân không đồng tình bản án 42 tháng tù về tội “Vô ý làm chết người” mà Tòa cấp sơ thẩm đã tuyên. 

Trước thông tin về việc chuyển từ kháng cáo kêu oan sang kháng cáo xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, bị cáo Lương nói: “Việc này tôi đã ủy quyền cho luật sư của mình và luật sư sẽ có quan điểm tại tòa”. 

Trả lời về việc đã từ chối các luật sư từng bào chữa tại phiên tòa sơ thẩm (có 1 luật sư mới tham gia ở giai đoạn phúc thẩm), bị cáo Lương cho biết: “Vì các luật sư đã thống nhất, trong giai đoạn này chỉ cần 1 đến 2 người là có thể giải quyết mọi việc”.

3 ngày trước khi phiên phúc thẩm này được mở, ngày 10/5, Bộ Y tế đã có công văn đến TAND và VKSND tỉnh Hòa Bình, đề nghị xét xử vụ án khách quan, công tâm, khoa học. 

Ngoài ra, đại diện gia đình các bị hại cũng gửi đơn đề nghị tòa phúc thẩm xem xét miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo Lương trong trường hợp cựu bác sĩ này bị tuyên có tội. 

Theo bản án sơ thẩm, Hoàng Công Lương là người thừa lệnh Trưởng khoa ký đề xuất sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2. Bị cáo biết rõ nội dung và thời gian sửa chữa hệ thống RO số 2. Với trình độ, nhận thức và vai trò, trách nhiệm được giao, Lương phải biết nước sử dụng trong lọc máu phải đảm bảo chất lượng, sau khi sửa chữa, bảo dưỡng tẩy rửa màng RO và các đường ống của hệ thống, phải có việc xét nghiệm xác định chất lượng nguồn nước và biết trách nhiệm đảm bảo chất lượng nước thuộc Trưởng khoa. 

Tuy nhiên, sáng 29/5/2017, khi mới chỉ nghe điều dưỡng viên nói về việc Trần Văn Sơn thông báo hệ thống nước RO số 2 đã sửa xong và có thể hoạt động bình thường, chưa có căn cứ xác định nguồn nước đảm bảo và thực tế chưa có bàn giao hệ thống RO số 2 để đưa vào sử dụng nhưng bị can đã chủ quan đưa ra y lệnh điều trị và ký xác nhận y lệnh điều trị của 2 bác sỹ khác đối với 18 bệnh nhân. Việc ra y lệnh và ký nhận y lệnh của bị can để tiến hành việc lọc máu cho 18 bệnh nhân khi chưa có căn cứ xác định chất lượng nguồn nước sau sửa chữa RO số 2 dẫn đến việc nguồn nước không đảm bảo chất lượng trực tiếp đi vào người bệnh gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khiến 9 người chết.

Với hành vi trên, Hoàng Công Lương bị TAND TP Hòa Bình tuyên phạt 42 tháng tù về tội “Vô ý làm chết người”. Cùng tội danh trên, Tòa cũng tuyên Bùi Mạnh Quốc (Giám đốc Công ty Trâm Anh) 54 tháng tù. 5 bị cáo còn lại bị tuyên từ 30 tháng đến 42 tháng tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Trong đó, Trương Quý Dương (nguyên Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình) bị tuyên 30 tháng tù. Sau phiên tòa sơ thẩm, 5 trên 6 bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, kêu oan.  

Đọc thêm