Di sản thế giới gắn liền với hơi thở cuộc sống
Hơn 1.000 năm trước, vào thế kỷ XI - năm 1010, đất Thăng Long xưa - Hà Nội nay được Vua Lý Thái Tổ chọn làm Kinh đô của nước Đại Việt và đặt tên là Thăng Long với mong muốn Kinh đô ngày càng phồn thịnh như linh vật rồng thiêng bay lên.
Trong suốt hơn 10 thế kỷ, từ thời Lý (thế kỷ XI - thế kỷ XII) đến thời Nguyễn (thế kỷ XIX - thế kỷ XX), các triều đại phong kiến Việt Nam đã liên tục kế thừa, xây dựng và phát triển với vai trò, vị trí là trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế của cả nước.
Đoàn đại biểu tham quan Hoàng Thành Thăng Long |
Với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc biệt của di tích, Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội đã được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt năm 2009, được UNESCO ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa thế giới, đúng dịp tổ chức Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội (1010-2010).
Di sản Hoàng thành đáp ứng được ba tiêu chí, gồm: chiều dài lịch sử văn hóa suốt 13 thế kỷ; tính liên tục của di sản với tư cách là một trung tâm quyền lực; các tầng di tích, di vật đa dạng, phong phú, sinh động. Vào thời điểm được công nhận là Di sản Văn hóa thế giới, khu di tích Hoàng thành Thăng Long vẫn còn khá xa lạ với người dân, do chưa mở cửa đón khách tham quan.
Sau khi Hoàng thành Thăng Long được công nhận là Di sản Văn hóa thế giới, TP Hà Nội đã phối hợp các cơ quan thực hiện nghiêm túc những cam kết của Chính phủ với UNESCO, thực hiện nghiên cứu khoa học, bảo tồn sự an toàn của di sản, các giải pháp phát huy giá trị...
Những cuộc khai quật giúp các nhà khoa học không chỉ khẳng định đây là trung tâm quyền lực quan trọng nhất của Ðại Việt qua nhiều thế kỷ, mà còn khẳng định nền kiến trúc, mỹ thuật Việt Nam độc đáo, giàu bản sắc, có tính liên tục qua các thời kỳ.
Từ năm 2013, Hoàng thành Thăng Long thực hiện mở cửa đón khách. Ðến nay, mỗi năm di tích thu hút hàng trăm nghìn lượt khách du lịch.
Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội thực hiện nhiều biện pháp tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu di sản, nhất là các chương trình giáo dục di sản, gắn với Tết Nguyên đán, Tết Trung thu, Tết Ðoan ngọ, ngày Di sản Văn hóa… Gần đây, đơn vị này đưa vào khai thác tua du lịch Giải mã Hoàng thành Thăng Long vào buổi tối.
Sau 12 năm được công nhận là Di sản Văn hóa thế giới, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đã phục dựng một số di sản văn hóa phi vật thể như: Lễ trồng, hạ cây nêu, lễ thả cá chép trong Tết Táo quân, Lễ tiến tịch… Ðồng thời, tổ chức các hoạt động giới thiệu các giá trị văn hóa phi vật thể truyền thống đến công chúng. Song, những hoạt động này còn nhỏ lẻ.
Nhiều nhà khoa học cho rằng, nếu phục dựng tốt hơn nữa, các di sản văn hóa phi vật thể sẽ trở thành những hoạt động hấp dẫn khách du lịch.
Nhiều hiện vật quý phát lộ trong quá trình khai quật tại Hoàng thành Thăng Long |
Câu chuyện của sự trường tồn
Nhìn lại 20 năm khảo cổ học kinh đô Thăng Long (2002-2022) và 10 năm Khảo cổ học khu vực Không gian chính điện Kính thiên (2011-2022), PGS.TS Tống Trung Tín - Hội Khảo cổ học Việt Nam nhấn mạnh, các cuộc khai quật khảo cổ học ở khu vực kinh đô Thăng Long và khu vực Trung tâm Hoàng thành Thăng Long đã phát lộ một hệ thống di tích và di vật lịch sử đồ sộ minh chứng tiêu biểu, xác thực cho lịch sử - văn hóa Thăng Long, lịch sử- văn hóa Việt Nam phát triển liên tục qua hơn 1000 năm lịch sử.
Ông Christian Manhart - Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam cũng cho rằng, Hoàng thành Thăng Long minh chứng cho hơn 10 thế kỷ giao lưu và ảnh hưởng văn hóa khắp châu Á. Ngày nay, các tầng văn hóa khảo cổ phản ánh những bước phát triển nối tiếp nhau của các triều đại đã trị vì. Hiếm có di sản nào trên thế giới thể hiện tính liên tục lâu dài như Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long.
Từ năm 2011 đến nay, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với Viện Khảo cổ học tiến hành khai quật nghiên cứu tại khu vực trung tâm của khu di sản, với tổng diện tích 8.440m².
Những cuộc khai quật đã thu được kết quả to lớn trong việc tìm hiểu các giá trị của di sản thế giới Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long, thu được nhiều tư liệu mới mang tính xác thực cao, góp phần nghiên cứu, khôi phục chính điện Kính Thiên. Đây là nơi Hoàng đế cử hành các đại điển lễ của triều đình như lễ đăng cơ, thiết triều, nghị bàn quốc gia đại sự, điện thí, tuyên cáo thắng trận, tiếp đón sứ thần... Do đó, điện Kính Thiên là biểu trưng cao nhất của cho quyền lực quốc gia Đại Việt xuyên suốt 4 thế kỷ (XV - XVIII).
Theo đó, việc khai quật Khu di tích Hoàng thành Thăng Long là cuộc khai quật lớn trong lịch sử ngành khảo cổ học Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Trải qua bao biến thiên của lịch sử, dấu tích kinh thành Thăng Long còn hiển hiện qua hệ thống di tích, di vật được tìm thấy tại Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long ngày nay.
Một trong những phát hiện lớn nhất qua các cuộc khảo cổ là các nhà khoa học đã dần hình dung được tổ chức cung điện, hình thái kiến trúc thời Lý - triều đại đầu tiên định đô tại Thăng Long. Song song với khai quật khảo cổ, làm rõ thêm về Hoàng thành Thăng Long qua các triều đại, TP Hà Nội đã thực hiện hợp tác với các nước: Nhật Bản, Pháp… trong nghiên cứu về di sản này.
Đơn cử, đến nay, di tích của đoạn La Thành còn được dân gian gọi là “đường đê La Thành” nói lên chức năng kết hợp thành - đê - đường của vòng thành này. Vòng thành giữa thời Lý, Trần gọi là Long thành, Phượng thành hay Long Phượng thành, thời Lê gọi là Hoàng thành là vòng thành quan trọng bảo vệ nơi làm việc của nhiều cơ quan trung ương, của quan chức cao cấp, nơi thưởng ngoạn của hoàng gia, quý tộc... Vòng thành này có thành và hào, cũng xây dựng trên cơ sở tận dụng điều kiện tự nhiên, sông hồ và gò đất cao.
Vì vậy hai vòng thành ngoài và giữa, được thiết kế và xây dựng không cần theo hình dáng cân xứng, đăng đối mà theo một quan niệm phong thuỷ cởi mở, lấy sự tiện lợi, vững chắc, tận dụng tối đa điều kiện tự nhiên làm yêu cầu hàng đầu. Các kinh thành Việt Nam trước đó như thành Cổ Loa (Hà Nội), thành Hoa Lư (Ninh Bình) cũng biểu thị đặc điểm có tính truyền thống này.
Chỉ có Cấm thành xây dựng tương đối vuông vắn, nhưng qui mô chỉ vừa đủ bảo vệ bộ máy đầu não của vương triều cùng sự an toàn của nhà vua và hoàng gia, xung quanh không có thành cao hào sâu mà chỉ có tường thành được bảo vệ và canh giữ nghiêm ngặt. Trục trung tâm của Cấm thành và qui hoạch chung của Hoàng thành vẫn tuân thủ nguyên tắc phong thuỷ lấy hướng Nam làm hướng chính, các công trình tiêu biểu đều hướng về phía Nam.
Một viên gạch có chữ “Hưng Hoá thiền tự” của một ngôi chùa Hưng Hoá nào đó chưa xác định được vị trí. Đặc biệt dấu ấn nghệ thuật Phật giáo qua hình lá đề, hoa sen tìm thấy trong các di tích kiến trúc cung điện thời Lý, Trần trên khắp khu di tích. Trong hình lá đề thường chạm hình rồng, phượng, tháp Phật. Hình hoa sen, cánh sen là kiểu trang trí khá phổ biến trên đầu ngói ống, đá chân tảng kê cột nhà...
Trải qua bao biến thiên, Thăng Long - Hà Nội vẫn lưu giữ trong mình những di tích lịch sử, giá trị văn hóa quý giá, độc đáo, trong đó Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long là di sản tiêu biểu, minh chứng cho lịch sử hào hùng và sự trường tồn của Thăng Long - Hà Nội.
Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long đã trở thành điểm đến trên bản đồ du lịch |
Di sản vô giá trong lòng đất đã phát lộ và trở thành tài sản quý báu của nhân loại. Nhìn lại hành trình di sản của Hoàng thành Thăng Long chúng ta càng biết ơn những thế hệ đi trước đã dày công vun đắp nền văn hiến, để lại cho hậu thế một di sản nhân loại quý báu và thiêng liêng.
Theo ông Christian Manhart, việc ghi tên Khu trung tâm của Hoàng thành vào danh sách Di sản thế giới của UNESCO là một vinh dự, tạo ra những cam kết và trách nhiệm mới cho tất cả mọi người.
Việc hoàn thành kế hoạch quản lý toàn diện vào năm 2013 đã đánh dấu một cột mốc quan trọng. Đây là một công cụ đắc lực cho các cơ quan quản lý Nhà nước. Nhằm tăng cường cơ chế hợp tác giữa các bên liên quan; lồng ghép quản lý và bảo tồn; cải thiện việc diễn giải về khu di sản và các chương trình giáo dục.
Đồng thời, tiếp tục đầu tư vào nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân viên. Di sản có giá trị rất lớn nhưng di sản phải trở thành nguồn lực cho sự phát triển. Làm sao để vừa giữ gìn được di sản và vừa làm cho di sản đó trở nên sống động lung linh và phát huy giá trị hơn nữa. Và di sản Hoàng thành Thăng Long, sau 12 năm đã tự “kể” những câu chuyện của mình, trở thành một điểm đến đầy tự hào của không chỉ người Hà Nội…
Bảo tồn các giá trị nổi bật toàn cầu các Di sản thế giới
Công ước Di sản Thế giới ra đời năm 1972 do các nước trên thế giới ngày càng ý thức được rằng trách nhiệm bảo tồn một số khu di sản thiên nhiên hay văn hóa có giá trị nổi toàn cầu không chỉ thuộc về từng quốc gia mà là của toàn thể cộng đồng quốc tế.Tính đến nay, đã có 1154 di sản được ghi vào Danh sách Di sản thế giới. Công ước có tổng số 194 quốc gia thành viên bao gồm 27 quốc gia chưa có di sản nào được ghi danh.
Một khu di sản, sau khi đã được ghi vào Danh sách Di sản thế giới, sẽ trở thành thành viên của cộng đồng toàn cầu của Công ước này. Công ước Di sản thế giới là một trong những công cụ pháp lý được tuân thủ rộng rãi nhất.
Bên cạnh phần văn bản chính của Công ước trình bày các quy định pháp lý của cơ chế Di sản thế giới và các quy tắc quan trọng nhất của nó, hướng dẫn hoạt động (phiên bản sửa đổi gần đây nhất là năm 2021) cũng cung cấp hướng dẫn kỹ thuật và chi tiết để hỗ trợ việc thực thi công ước.
Năm 2022, kỷ niệm 50 năm ra đời, Công ước đang phải đối mặt với nhiều thách thức nảy sinh từ sự thay đổi trong lối sống, trong quan niệm về di sản và ý nghĩa của nó trong bối cảnh chung của chương trình nghị sự phát triển bền vững.