Hoạt động của Thừa phát lại: Sức lan tỏa đã ra ngoài phạm vi thí điểm

(PLO) - Chiều qua (12/8), Ban Chỉ đạo thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại Trung ương đã tổ chức họp Phiên thứ 4. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường - Trưởng ban Chỉ đạo, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu, Phó Chánh án TANDTC, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Nguyễn Sơn tham dự hội nghị.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường - Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại Trung ương chủ trì phiên họp
Sẽ đề nghị Quốc hội cho triển khai chính thức
Theo báo cáo thống kê của Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS), đến nay, việc thí điểm chế định Thừa phát lại (TPL) đã được thực hiện tại 13 địa phương trong cả nước với 53 Văn phòng TPL được thành lập. Tại TP.HCM có 11 Văn phòng, trong đó 8 Văn phòng đã được thành lập và hoạt động từ trước theo Nghị quyết số 24/2008/QH12 của Quốc hội; 12 địa phương mở rộng thí điểm có 42 Văn phòng. 
Tính đến ngày 31/7/2015, các văn phòng TPL đã tống đạt được 819.044 văn bản, lập 39.027 vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án (THA) 781 việc, trực tiếp THA 322 vụ việc, đạt tổng doanh thu gần 120 tỷ đồng. Trong các mảng công việc, hoạt động tống đạt vẫn chiếm tỷ trọng lớn, kế đến là lập vi bằng; hoạt động xác minh điều kiện THA và trực tiếp tổ chức THA chiếm tỷ trọng nhỏ…
Đánh giá chung về việc triển khai thực hiện thí điểm chế định TPL theo Nghị quyết 36 của Quốc hội, Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Hoàng Sỹ Thành nhấn mạnh, việc thực hiện chế định TPL là một hướng đi đúng về cải cách tư pháp, phù hợp với thực tiễn đời sống kinh tế, xã hội và hoạt động tư pháp nước ta cũng như xu thế hội nhập quốc tế. 
Mặc dù thời gian ngắn, việc thí điểm mới chỉ triển khai ở 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với những điều kiện kinh tế, xã hội khác nhau nhưng tính thuyết phục về hiệu quả của hoạt động TPL đã lan tỏa ra ngoài phạm vi các tỉnh, thành phố thực hiện thí điểm.
Định hướng thực hiện chế định TPL sau khi hết thời gian thí điểm, Tổng cục trưởng Hoàng Sỹ Thành cho biết, tại Dự thảo Báo cáo tổng kết của Chính phủ, Thường trực Ban Chỉ đạo đề xuất: chế định này là cần thiết và đề nghị Quốc hội cho triển khai chính thức; đồng thời, sớm nghiên cứu xây dựng Luật TPL, tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện hiệu quả chế định này.
Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng
Làm rõ thêm bức tranh về TPL, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn cho biết, hầu hết Tòa án ở nơi thí điểm đã ký hợp đồng tống đạt với Văn phòng TPL, bước đầu triển khai tương đối tốt. TANDTC cũng thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo các tòa án địa phương và kết quả đạt được khá khả quan. 
Tuy nhiên, cũng theo Phó Chánh án Nguyễn Sơn, khó là hiện nay một số nơi thư ký TPL nhận thức về tống đạt chưa đầy đủ, đôi khi không nắm hết tầm quan trọng của tống đạt, dẫn đến tống đạt không đạt yêu cầu. Những trường hợp tống đạt không đúng, Tòa phải hoãn, gây tốn kém công sức, tiền của, bức xúc cho đương sự. “Cần tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng sao cho thư ký thực hiện tống đạt đúng quy định của các luật tố tụng. Bên cạnh đó cũng cần hướng dẫn rõ lập biên bản tống đạt như thế nào, ai chứng kiến”.
Đánh giá việc thực hiện thí điểm chế định TPL là chủ trương lớn, đúng đắn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, phù hợp xu thế phát triển, đại diện VKSNDTC cho rằng “nhân rộng chế định này là cần thiết”. Tuy nhiên qua giám sát 6 Văn phòng, đại diện VKSNDTC cũng lo ngại đội ngũ thư ký một số nơi chưa được đào tạo bài bản, thu nhập của một số văn phòng thiếu ổn định, chưa chủ động trong phối hợp với các cơ quan liên quan và quảng bá hình ảnh. 
“Cũng có yếu tố tâm lý là đang thí điểm nên chưa dồn hết tâm sức vào công việc”, đại diện này nói và cho rằng cần nhanh chóng ban hành Luật TPL để tạo cơ sở pháp lý cho TPL hoạt động.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính nhấn mạnh thêm: “Tất cả các địa phương thí điểm mà chúng tôi đến đều đánh giá cao chế định này dù còn những tồn tại (vì lý do thí điểm mà dẫn đến) như địa vị của TPL còn thấp, khiến một số người dân còn chưa thực sự tin tưởng, một số cơ quan còn e ngại”. Nguyên Thứ trưởng Nguyễn Đức Chính và nhiều thành viên Ban Chỉ đạo đều đồng tình cao với đề xuất cần triển khai chính thức chế định TPL sau thời gian thí điểm vừa qua.
Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường yêu cầu Ban Chỉ đạo đôn đốc các bộ, ngành, địa phương gửi kết quả tổng kết thí điểm, Tổng cục THADS tiếp thu đầy đủ ý kiến tại phiên họp để hoàn thiện báo cáo tổng kết. Bộ trưởng cũng lưu ý, phải cập nhật số liệu mới (đến hết ngày 31/8) để báo cáo Chính phủ vì thời gian thí điểm không dài. 
Báo cáo cũng cần nhận diện rõ những nguyên nhân của tồn tại, hạn chế, từ đó có đề xuất, kiến nghị xác đáng. Trên cơ sở kết quả tổng kết, trong năm 2016 cố gắng xây dựng Luật TPL để trình Quốc hội cho ý kiến. 

Đọc thêm