Học tập suốt đời để phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân

(PLVN) - Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định, hệ thống tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục và đào tạo, phương pháp, phong cách giáo dục hiện đại mà đậm đà giá trị truyền thống của Người thực sự là nền tảng, “kim chỉ nam” định hướng, dẫn dắt tiến trình xây dựng và phát triển nền giáo dục Việt Nam, nền văn hóa Việt Nam, đất nước và con người Việt Nam...
Bác Hồ thăm một lớp học trong phong trào chống nạn mù chữ năm 1945. (Ảnh tư liệu)

Một nền giáo dục vì con người, thấm đẫm giá trị nhân văn

Vừa qua, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học “Bác Hồ với giáo dục, giáo dục với Bác Hồ”.

Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, sinh viên đã cùng thảo luận, trao đổi về nhiều nội dung liên quan đến tư tưởng Hồ Chí Minh về nền giáo dục Việt Nam

Bày tỏ niềm xúc động và sự trân trọng đối với ý nghĩa của Hội thảo, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định: Tư tưởng giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là “kim chỉ nam” cho sự nghiệp “trồng người” trong quá khứ mà còn là nền tảng vững chắc và nguồn cảm hứng bất tận cho đổi mới giáo dục hiện nay.

Trong hành trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt giáo dục vào vị trí trung tâm của sự phát triển. Quan điểm “giáo dục vì con người, vì sự phát triển toàn diện của con người” thể hiện tầm nhìn chiến lược vượt thời đại. Việc học tập suốt đời, đề cao người học, khơi dậy khát vọng và năng lực tự thân… là những giá trị mà giáo dục hôm nay cần kế thừa và phát huy.

GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định: “Con người trong tư tưởng Hồ Chí Minh là trung tâm và là vốn quý nhất của sự nghiệp cách mạng. Chính vì vậy, Bác không chỉ đề ra những quan điểm sâu sắc, mang tính chiến lược về giáo dục mà còn bằng hành động cụ thể truyền cảm hứng và khích lệ biết bao thế hệ học trò, nhà giáo, nhà quản lý giáo dục. Bức thư Bác gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam độc lập tháng 9/1945 là một minh chứng điển hình cho tầm nhìn và chiều sâu nhân văn đó”.

GS. Phùng Hữu Phú, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn khẳng định, Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà tư tưởng vĩ đại về giáo dục. Theo Bác Hồ, nền giáo dục của một nước Việt Nam độc lập, trước hết là nền giáo dục phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, gắn bó mật thiết và phục vụ hiệu quả thực tiễn cách mạng - một nền giáo dục kiến tạo. Giáo dục Việt Nam trong tư tưởng Hồ Chí Minh là nền giáo dục lấy phát triển con người toàn diện làm trung tâm - một nền giáo dục thấm đẫm chủ nghĩa nhân văn…

Những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục như một dân tộc dốt là một dân tộc yếu, học không bao giờ cùng, học để làm người, để phụng sự… được các nhà khoa học khẳng định vẫn là “kim chỉ nam” dẫn dắt nền giáo dục.

Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhận định, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện tư tưởng quan trọng về nhân tính, thể hiện cái nhìn rất nhân bản về con người: “Hiền dữ đâu phải là tính sẵn. Phần nhiều do giáo dục mà nên”. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định, ngành Giáo dục đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong 80 năm qua. Đó cũng chính là thể hiện sinh động sự kế thừa và phát huy tư tưởng giáo dục của Hồ Chí Minh. Các cấp ủy, chính quyền và ngành Giáo dục đã từng bước cụ thể hóa việc đưa tư tưởng Hồ Chí Minh vào nội dung, chương trình giảng dạy, thi, kiểm tra, đánh giá, giáo dục chính trị, lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục thể chất cho học sinh, sinh viên.

Ông khẳng định Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện tinh thần “thân giáo”, tức lấy bản thân mình làm tấm gương để cảm hóa, để giáo dục, để tập hợp và thuyết phục những người đồng chí, học trò và người dân. Sự mẫu mực trong nhân cách cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, trong tình cảm bao la rộng khắp và sâu nặng của Hồ Chí Minh đã lan tỏa sâu lắng và góp phần tạo ra những giá trị cho dân tộc, cho thời đại, cho chính Đảng và cho con người Việt Nam.

Tự học để ứng phó với các thách thức của thời đại

Tư tưởng giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa kế thừa chắt lọc từ tinh hoa truyền thống văn hóa giáo dục của dân tộc, vừa thâu thái những tư tưởng giáo dục tiên tiến của nhân loại. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh vai trò của tự học, học tập thường xuyên, học tập suốt đời, học mọi nơi, mọi lúc, học của mọi người là phương cách để phát triển con người, để con người luôn thích ứng, đáp ứng các yêu cầu của công việc và yêu cầu của thời đại.

Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: ĐHQGHN).

GS. Phạm Hồng Quang, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Khoa học Giáo dục, Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên cho rằng, trong quá trình xây dựng chương trình giáo dục, cơ sở giáo dục cần thấm nhuần tư tưởng của Bác Hồ “việc học lấy tự học làm cốt”, đồng thời cũng là tư tưởng tiên tiến của nhân loại thể hiện trong 4 trụ cột của giáo dục: “Học để biết, học để làm, học để tồn tại, học để chung sống”. Do đó, GS. Phạm Hồng Quang cho rằng, cần xây dựng chương trình giáo dục nền tảng học vấn rộng, phương pháp giáo dục tăng thực hành, học và làm trong thực tế; thay đổi tư duy và cách quản lý giáo dục, thay đổi cách kiểm tra đánh giá…

Nhiều tham luận tại Hội thảo đã đi sâu phân tích tinh thần tự học và học tập suốt đời, gắn với nghiên cứu và quán triệt triển khai chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm trong bài viết “Học tập suốt đời”. Các tham luận này đã khẳng định, bài viết “Học tập suốt đời” của Tổng Bí thư Tô Lâm đã kế thừa và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Tổng Bí thư về học tập suốt đời. Bởi học tập suốt đời theo Tổng Bí thư là “quy luật sống”, là “chìa khóa quan trọng để nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực”, là “con đường duy nhất, hướng đi tất yếu của mọi quốc gia để phát triển thịnh vượng và bền vững”. Từ phân tích đó, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Giang Bạch Đăng Khoa đề xuất một số giải pháp như: Phải nâng cao ý thức công dân về học tập suốt đời; hoàn thiện hệ thống giáo dục mở; đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài; phát triển hạ tầng công nghệ số, tạo cơ hội học tập ở mọi lúc, mọi nơi…

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, để thực hiện được tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh và các chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, ngành Giáo dục sẽ tăng cường giáo dục rèn luyện năng lực tự học, kỹ năng học tập không ngừng, học tập số, ứng dụng số, nâng cao năng lực số, năng lực đổi mới sáng tạo cho người học, tạo ra lớp người mới biết ứng phó và thích ứng với các thách thức của thời đại, của trí tuệ nhân tạo và bùng nổ tri thức.

Trong bối cảnh mới, Đảng và Nhà nước xác định giáo dục đào tạo cùng với khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu, đã và đang có nhiều chính sách quan trọng, đột phá, Bộ trưởng nhấn mạnh, ngành Giáo dục sẽ tiếp tục thấm nhuần sâu sắc và vận dụng hiệu quả tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục; tư tưởng, triết lý, tinh thần giáo dục, tinh thần học tập và tự học, học tập suốt đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đó là, tiếp tục nghiên cứu, làm sáng rõ thêm di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục; Làm theo, thực hiện và phát huy tư tưởng giáo dục Hồ Chí Minh trong việc xây dựng xã hội học tập và việc học tập suốt đời, thúc đẩy tinh thần tự học; Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, nhất là giáo dục đạo đức, lối sống, lý tưởng cách mạng, xây dựng thế hệ công dân mới phát triển toàn diện cả đức - trí - thể - mỹ; Tiếp tục chăm lo, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, xem đây là nhân tố quyết định sự thành công của công cuộc đổi mới.

Trong bài viết với tiêu đề “Học tập suốt đời”, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Chúng ta đang sống trong thời đại mà tri thức, kiến thức, hiểu biết sẽ giúp con người phát huy cao độ tiềm năng để tận dụng tốt các cơ hội, ứng phó hiệu quả với những thách thức để phát triển bền vững; cũng là thời đại mà khối lượng kiến thức của nhân loại tăng lên hằng ngày theo cấp số nhân. Chỉ khi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, nhà nhà, người người thực hiện hiệu quả học tập suốt đời, xây dựng được đội ngũ cán bộ dám làm, dám nói, dám chịu trách nhiệm, dám hy sinh, chúng ta mới vững vàng tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển, giàu mạnh dưới sự lãnh đạo của Đảng”...

Đọc thêm