Chấm dứt hoạt động sản xuất của URC nếu vi phạm
Những ngày qua, "nghi án" trà xanh C2, nước tăng lực Rồng Đỏ của Công ty URC Việt Nam nhiễm độc chì vượt ngưỡng cho phép đang khiến dư luận hết sức quan tâm.
Trao đổi với PV Chất lượng Việt Nam, ông Vương Ngọc Tuấn, Phó Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) cũng không giấu nổi sự bất bình chia sẻ: “Một khi nguyên liệu đã nhiễm chì vượt mức thì công ty phải có biện pháp ngăn chặn, không cho đưa vào sản xuất. Nếu công ty vẫn tiếp tục sử dụng những nguyên liệu như vậy thì phải cấm…”.
Ông Tuấn cũng nhấn mạnh: “Không chỉ riêng công ty URC mà bản thân các cơ quan quản lý liên quan cũng cần kiểm soát các nguyên liệu này, nếu tái diễn vi phạm phải có biện pháp mạnh tay xử lý, chấm dứt hoạt động sản xuất của họ”.
Từ kết quả kiểm nghiệm hàm lượng chì trong mẫu nguyên liệu của C2, Rồng Đỏ vượt ngưỡng cho phép, đại diện Vinastas kiến nghị: Các cơ quan quản lý Nhà nước cần phải thanh tra khẩn trương các sản phẩm của URC, xem xét “với các nguyên liệu đầu vào nhiễm độc chì vượt mức như vậy, các sản phẩm khi đưa ra thị trường có đạt tiêu chuẩn cấp phép hay không”.
Ông Tuấn nói: “Nếu doanh nghiệp cố tình đưa nguyên liệu vượt ngưỡng cho phép vào sử dụng như thế, chúng ta cần kiểm tra thêm dây chuyền và hoạt động sản xuất của họ cùng với sản phẩm cuối cùng ra sao”. Bởi “Một khi nguồn nguyên liệu đầu vào có độc tố vượt ngưỡng cho phép, trong quá trình sản xuất, muốn C2 đạt chuẩn thì URC phải có những biện pháp xử lý đặc biệt để loại trừ độc tố. Để làm được điều đó, họ phải chứng minh bằng sản phẩm và các công nghệ dây chuyền hiện đại” – ông Tuấn lưu ý.
Theo ông Tuấn, “sự cố” này cũng là lời cảnh báo cho các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, các công ty phải kiểm tra kỹ lưỡng chất lượng sản phẩm từ các nguyên liệu đầu vào.
Nếu sản phẩm nhiễm độc, công ty phải bồi thường cho người dùng
Về phía người tiêu dùng, Phó Tổng thư ký Vinastas cho rằng: Người tiêu dùng có quyền lo lắng về sản phẩm C2 và Rồng Đỏ của URC.
“Nếu thực sự sản phẩm lưu thông ngoài thị trường cũng nhiễm độc chì thì đây là thông tin rất xấu cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải thu hồi tất cả sản phẩm và cả cơ quan quản lý cũng phải có biện pháp quản lý mạnh để xử lý” – ông Tuấn bày tỏ.
Thêm vào đó, ông Tuấn cũng nhấn mạnh thêm: Nếu sản phẩm được kiểm định đợt này cho kết quả vượt ngưỡng cho phép, các cơ quan chức năng cần xác định số lượng C2, Rồng Đỏ bán ra thị trường từ trước tới nay là bao nhiêu. Không những thế, doanh nghiệp cũng cần phải có trách nhiệm về lượng sản phẩm đã bán cho người tiêu dùng.
“Việc bồi thường, thể hiện trách nhiệm đối với người dùng là rất khó vì không biết những ai đã uống, đã sử dụng sản phẩm nhiễm độc nhưng bằng một cách tương đối, doanh nghiệp vẫn có thể xác định số lượng sản phẩm bán ra và sự độc hại đem đến cho người dùng.
Ít nhất giá trị của sản phẩm không xứng đáng với số tiền mà người tiêu dùng bỏ ra. Anh phải bù đắp lại, trả người ta. Chưa kể anh phải chịu trách nhiệm về sự độc hại với người mua” – ông Tuấn kết luận.
Trước đó, như Chất lượng Việt Nam đã đưa tin, phiếu kiểm nghiệm do Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia (NIFC, Bộ Y tế) thực hiện, PGS.TS Lê Thị Hồng Hảo ký ngày 21/4/2016, nguyên liệu citric acid của Công ty TNHH URC Việt Nam có hàm lượng chì vượt ngưỡng cho phép khiến người tiêu dùng vô cùng hoang mang.
Cụ thể, kết quả kiểm nghiệm cho thấy: Hàm lượng chì là 0,84mg/l. Trong khi đó, hàm lượng chì cho phép là không quá 0,05mg/l trong thành phẩm và 0,5mg/l trong nguyên liệu.
Cục Vệ sinh An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cũng đã vào cuộc thanh tra toàn diện các sản phẩm của URC.
Bộ Y tế đã lấy mẫu kiểm nghiệm, đồng thời ra quyết định thành lập đoàn công tác, kiểm tra việc thực hiện an toàn thực phẩm của công ty URC.
Quá trình làm việc, khảo sát tại Công ty URC Việt Nam là 15 ngày tại cả hai khu vực phía bắc và phía nam, do ông Nguyễn Văn Nhiên, Phó Chánh Thanh tra Bộ Y tế làm Trưởng đoàn.