Hội đàm và ký kết Bản ghi nhớ hợp tác pháp luật và tư pháp Việt Nam - Xlovakia

(PLO) - Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến công tác tại Cộng hòa Séc, Đoàn cán bộ tư pháp liên ngành của Việt Nam do Bộ trưởng Hà Hùng Cường dẫn đầu đã tới Thủ đô Bratislava của Cộng hòa Xlovakia, bắt đầu chuyến công tác 2 ngày tại đất nước này theo lời mời của Bộ trưởng Tư pháp Cộng hòa Xlovakia – Ngài Tomáš Borec. 
Bộ trưởng Tư pháp hai nước ký Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp giữa hai Bộ
Bộ trưởng Tư pháp hai nước ký Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp giữa hai Bộ
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ hữu nghị, đoàn kết truyền thống và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Xlovakia không ngừng được củng cố và phát triển. Mục đích chuyến thăm của Bộ trưởng Hà Hùng Cường là nhằm nối lại và làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác về pháp luật với Xlovakia - một trong những đối tác quan trọng của Việt Nam tại Trung Đông Âu nhằm góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, đoàn kết hữu nghị anh em giữa hai nước. 
Về mặt pháp luật, hai nước cùng có nguồn gốc pháp luật thành văn, cùng đã có thời kỳ chịu ảnh hưởng nhiều từ hệ thống pháp luật Xô Viết trước đây, đều đã và đang trải qua giai đoạn chuyển đổi và đối mặt với nhiều thách thức về cải cách pháp luật, tư pháp… 
Buổi sáng ngày đầu tiên  của chuyến thăm và làm việc 2 ngày tại Cộng hòa Xlovakia, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã có cuộc hội đàm với Bộ trưởng Tư pháp Xlovakia Tomáš Borec  cùng các cán bộ chủ chốt của Bộ Tư pháp nước này. Tham dự cuộc hội đàm có Đại sứ nước CHXHCN Việt Nam tại Xlovakia - bà Hồ Đắc Minh Nguyệt. 
Tại buổi hội đàm, hai bên dành thời gian chia sẻ kinh nghiệm về vấn đề sửa đổi Hiến pháp, các vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ của hai Bộ Tư pháp như hoàn thiện hệ thống pháp luật dân sự, hình sự, hôn nhân và gia đình; vấn đề tổ chức Tòa án và định hướng cải cách Tòa án, việc thành lập Hội đồng Tư pháp quốc gia; các vấn đề liên quan tới chức năng khác về quản lý nhà nước của hai Bộ Tư pháp như xây dựng pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật, hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp; đào tạo pháp luật, đào tạo nghề tư pháp,  quản lý nhà nước trong lĩnh vực hành nghề tư pháp như công chứng, luật sư, thừa phát lại…  
Bộ trưởng Tư pháp Xlovakia chia sẻ và phía Việt Nam đặc biệt quan tâm những kinh nghiệm mà Xlovakia và các nước trong Liên minh Châu Âu đã áp dụng rất thành công như việc áp dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của hệ thống tư pháp từ Trung ương đến địa phương (tống đạt giấy tờ, chuyển giao hồ sơ trong quá trình tố tụng, công bố các bản án, quyết định của Tòa án...), ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ công dân, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, đồng thời đặt nền tảng phát triển Chính phủ điện tử… 
Hai Bộ trưởng cũng thống nhất chủ trương rà soát và hiện đại hóa Hiệp định Tương trợ tư pháp (TTTP), cân nhắc việc ký kết mới các Hiệp định TTTP về dân sự, thương mại, hình sự; về dẫn độ, chuyển giao người bị kết án... để thay thế văn kiện hợp tác về TTTP đã ký giữa hai Nhà nước từ năm 1982; nhất trí tích cực cùng nhau hợp tác trên những diễn đàn khu vực và đa phương mà hai nước cùng quan tâm. 
Hai bên thống nhất rằng trong thời gian tới, ngoài việc dành ưu tiên cho quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, hai Nhà nước và hai Chính phủ cần tiếp tục tăng cường hơn nữa hợp tác về pháp luật và tư pháp -  nền tảng và động lực cho việc phát triển quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước; nhấn mạnh chuyến thăm và làm việc tại Xlovakia  lần này của  Bộ trưởng Hà Hùng Cường sẽ đóng góp tích cực, thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước, nhất là trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp.
Nhằm chính thức hóa quan hệ hợp tác pháp luật và tư pháp hai nước Việt Nam và Xlovakia, chiều cùng ngày, ngay sau buổi Hội đàm, Bộ trưởng Tư pháp hai nước đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp giữa hai Bộ. Văn kiện này là cơ sở để hai Bộ triển khai các hoạt động hợp tác và hỗ trợ nhau trên một số lĩnh vực mà hai Bộ có thế mạnh và cùng quan tâm, trong đó có trao đổi kinh nghiệm về công tác cải cách pháp luật, cải cách tư pháp; xây dựng, ban hành và tổ chức thi hành pháp luật. 

Đọc thêm