Chấp nhận lỗ vốn để thanh thản
Vỉa hè gần con ngõ nhỏ số 75 Trần Xuân Soạn đã trở thành niềm vui, điểm phân phát “lòng tốt” của bác Nguyễn Thị Hồng Sen bao năm nay. Sinh ra tại Hưng Hà, Thái Bình nhưng từ khi người bạn đời mất, bác Sen đã phải bươn trải đủ nghề trên Hà Nội để sinh sống cùng hai con nhỏ. Với đôi quang gánh bán hàng rong, bác Sen từng đi khắp các ngõ ngách của khu vực phố cổ, rồi bán hàng thuê, làm nhân viên dọn dẹp quán, nhân viên giặt tay áo dài... Giờ đây, ở cái tuổi 65, bác chọn việc nhàn hơn một chút là bán trà xanh.
Tuy nhiên, đến với quán trà xanh của bác Sen, khách không chỉ uống nước chè, mà còn để cảm nhận tấm lòng nhân hậu của một người phụ nữ. Quán nước chỉ có một thùng xốp dùng để đựng cốc và làm mặt bàn, bên cạnh là lò than và chiếc siêu đất nghi ngút khói. Vài ba chiếc ghế vây quanh, nhưng người đến uống nước không lúc nào vắng. Bác Sen góp chuyện nói với khách, nhưng tay chân vẫn làm thoăn thoắt, khi thì bốc lá chè bán cho người đi đường, khi thì quét lá cây trên vỉa hè để tạo sự thoáng mát, nhiều khi bác còn rót nước mời miễn phí người qua đường “vì cảm thấy họ nóng bức, cần uống nước giải nhiệt” – bác Sen vui vẻ nói.
Quán nước chè về chiều càng đông khách, bóng bác Sen đổ dài trên lòng đường. Những khách quen uống xong đứng lên đi luôn, thỉnh thoảng có người để lại một nghìn đồng vào chiếc thùng xốp đựng cốc. Người mới vào uống thì trả bác ba nghìn đồng, nhưng nhất quyết bác Sen không bao giờ nhận. Ép lắm thì cũng chỉ lấy một nghìn, gọi là để “đủ tiền viên than tổ ong”.
Cạnh ấm chè xanh là hai thúng lá chè xanh đầy ăm ắp nhưng hôm nào cũng bán hết. “Cô ấy tốt lắm, em mua lá chè về tắm cho thằng cu, mua bao nhiêu cô ấy cũng bán. Có hôm bảo mua 5 lạng thôi, cô ấy bốc cho thành 8,9 lạng. Bảo là bán thế sao cô có lãi được, cô chỉ cười rồi bảo cầm lấy đi”, chị Bảo Thoa có nhà ở khu vực chợ Hôm kể.
“Tay phải bác làm nuôi dưỡng chị Đềm, tay trái bác làm từ thiện. Chỉ mong cuộc sống êm đềm, không sóng gió. Tiền bạc nay có mai không, quan trọng là tình người với nhau. Ai cũng bảo đây là đất làm ra tiền, mà sao toàn cho đi. Bác thì thấy nếu có tiền mà tâm không sạch sẽ áy náy vô cùng...”, bác Sen tâm sự.
Bác Sen luôn chân, luôn tay rót nước mời mọi người miễn phí. |
"Hạt bụi vàng" giữa chốn kinh kỳ
Người ta hay nói “ở hiền thì gặp lành”, nhưng giờ đầu hai thứ tóc, những nếp nhăn đã hằn rõ trên khuôn mặt khắc khổ, bác Sen vẫn chưa đêm nào thôi trăn trở. “Con trai lớn đã lấy vợ và có 2 cháu, nhưng số bà ấy không được nhờ con trai, nó ăn riêng, ở riêng lâu rồi. Còn một mình bà Sen ở với cô con gái hâm dở, suốt ngày lang thang đầu đường xó chợ, đi chán lại quay về nhà”, bác Hà Thị Họa, em dâu của bác Sen, cho biết.
Góp thêm câu chuyện về người em dâu tốt bụng, bác Hà Công Cừ, năm nay tròn 70 tuổi, là anh chồng của bác Sen, cho hay: “Thím Sen tốt lắm. Ngày trước mới lấy em tôi, bố mẹ tôi có cho vợ chồng chú thím 2 chỉ vàng để làm vốn sinh nhai. Ấy vậy mà thím Sen bán đi, rồi lấy tiền ấy mua thức ăn dần cho bố mẹ tôi. Anh em chúng tôi biết cứ cảm phục mãi”.
Người con gái đầu của bác Sen tên là Nguyễn Thị Đềm (SN 1976), gần 40 tuổi đầu nhưng vẫn chạy lông bông khắp nơi. Ai hỏi gì cũng chỉ biết cười, ăn uống lang chạ rồi chỉ chỗ cho mẹ đến trả tiền. “Nó bị người ta lừa dối tình cảm, bòn rút hết tiền bạc xong rồi bỏ rơi mới thành ra như vậy”, bác Sen ngậm ngùi.
Nuôi con bệnh tật, không có lương hưu, nhưng bác Sen vẫn rất niềm nở với người khác. Ai cần giúp đỡ, bác đều sẵn lòng. Ngồi uống cốc chè xanh và nghe câu chuyện của bác, cảm thấy cuộc đời của bác cũng như những cốc chè xanh vậy: giải nhiệt, giải khát cho người ta, nhưng chính bản mình lại chát chúa, ngai ngái như vị lá chè.
Giữa chốn đo thành xô bồ, ồn ã, tôi cảm thấy nhẹ nhõm và thanh thản khi được trò chuyện với bác Sen. Tôi chợt nghĩ, bác Sen cũng chính là hạt bụi vàng của Thủ đô. “Những hạt bụi vàng lấp lánh đâu đó ở mỗi góc phố Hà Nội hãy mượn gió mà bay lên cho đất kinh kỳ chói sáng những ánh vàng” như nhà văn Nguyễn Khải đã viết…