"Hối lộ tình dục" cũng sẽ bị xử

(PLO) - "Theo các chuyên gia quốc tế, cả những dịch vụ tình dục cũng cần được xem là lợi ích về mặt vật chất để hối lộ quan chức. Những vấn đề này phải luật pháp hóa để có thêm cơ sở xử lý, phù hợp với chuyển biến về tình hình tội phạm." 
Hình minh họa
Hình minh họa
Trao đổi với PLVN, ông Nguyễn Doãn Khánh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương mong muốn lần sửa đổi Bộ luật Hình sự năm 1999 sắp tới sẽ có nhiều đột phá, nhất là trong việc hoàn thiện các quy định về tội hối lộ.
Sẽ xử cả tội hối lộ tình dục
Ông có thể chia sẻ một số khó khăn trong xử lý tội phạm tham nhũng, hối lộ hiện nay?
- Một báo cáo nghiên cứu đã nêu rằng chúng ta chưa hoàn thiện về mặt thể chế, chính sách pháp luật, đặc biệt là quy định hình sự để xử lý hành vi phạm tội. Thứ hai là nhận thức của xã hội, của đội ngũ cán bộ công chức nên chưa đưa được cả hệ thống chính trị, toàn bộ xã hội vào cuộc với cuộc đấu tranh này. 
Thứ ba là đối tượng phạm tội tham nhũng thường là những người có chức vụ, quyền hạn, thậm chí là có trình độ, có lợi thế về cương vị, quan hệ công tác, về kinh tế nên họ che giấu hành vi rất tinh vi nên khó phát hiện, khi phát hiện thì họ tìm nhiều cách tác động để làm giảm tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi. 
Phần nữa là vận dụng chính sách xử lý của các cán bộ trong các cơ quan tư pháp khi điều tra, truy tố, xét xử chưa được nghiêm túc như cho án treo với tỷ lệ cao, xử lý mới tập trung vào nhóm đối tượng công chức có vị trí, cương vị thấp ở cơ sở, chưa dám đi thẳng, đi sâu, phát hiện xử lý những đối tượng cao hơn; tinh thần, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc tự kiểm tra, phát hiện cũng còn hạn chế, cần hoàn thiện.
Những đột phá trong lần sửa đổi Bộ luật Hình sự tới đây liên quan đến tội phạm tham nhũng, hối lộ là gì, thưa ông?
- Kinh nghiệm quốc tế cho thấy phải mở rộng đối tượng đưa - nhận hối lộ ra cả đối với công chức nước ngoài. Ví dụ vừa rồi vụ án đưa nhận hối lộ ở ngành đường sắt Việt Nam, đối tượng nhận hối lộ thì ở Việt Nam nhưng người đưa hối lộ lại ở nước ngoài. Rồi tham nhũng trong lĩnh vực tư nhân cũng phải xử lý. Nếu không chống tham nhũng ở lĩnh vực tư sẽ tạo khoảng trống để vi phạm pháp luật.
Một điểm nữa là trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân. Hiện nay, cá thể hóa trách nhiệm đối với cá nhân, trong nhiều trường hợp đã dẫn tới bỏ lọt tội phạm. Chẳng hạn đối với các doanh nghiệp, giám đốc có thể thuê thực hiện hành vi đem tiền đi hối lộ để đem lại lợi ích cho tập thể doanh nghiệp nhưng nếu chỉ xử lý người trực tiếp thực hiện hành vi, còn người hậu thuẫn, có quyết định tập thể hẳn hoi về việc này lại không xác định trách nhiệm thì sẽ lọt tội phạm.
Vấn đề thứ ba là mở rộng khái niệm đưa hối lộ. Không chỉ có hành vi đưa và nhận hối lộ bằng vật chất mà thực tế còn có nhiều lợi ích khác được đưa ra sử dụng không thua kém, đó là lợi ích tinh thần. Theo các chuyên gia quốc tế, cả những dịch vụ tình dục cũng cần được xem là lợi ích về mặt vật chất để hối lộ quan chức. Những vấn đề này phải luật pháp hóa để có thêm cơ sở xử lý, phù hợp với chuyển biến về tình hình tội phạm.
Như ông vừa nói các chuyên gia quốc tế khuyến cáo, trong các hình thức hối lộ có cả hình thức hối lộ tình dục, thế giới phát lộ rất nhiều. Qua giám sát của Ban Nội chính Trung ương, hối lộ tình dục có ở Việt Nam chưa? Liệu khi đưa vào Bộ luật Hình sự có chăng chỉ là quy định chung chung không?
- Chắc chắn là có ở Việt Nam vì đã có những truyện ngắn viết về vấn đề này mà đề tài văn học phản ánh thực trạng xã hội. Khái niệm chung thì sẽ đưa ra được bởi của hối lộ ở đây không chỉ bao hàm vật chất mà cả những lợi ích về tinh thần và sau này khi hướng dẫn thi hành luật sẽ quy định rõ là bao gồm những hành vi nào, của hối lộ được giải thích theo nghĩa nào. Theo tôi, sẽ không có tính suy diễn bởi những hành vi được xác định đưa vào luật là những hành vi cụ thể, có tên chứ không phải nói chung.
Dự kiến sẽ “xử” là đối tượng nước ngoài thì có e dè không khi chúng ta cũng cần tạo điều kiện mở cửa cho doanh nghiệp nước ngoài?
- Tới đây cần phải bổ sung bởi trên thực tế việc cung - cầu trong hối lộ, bao gồm đưa và nhận hối lộ không chỉ có các đối tượng trong nước mà có cả đối tượng nước ngoài trong điều kiện hội nhập ngày càng sâu rộng hiện nay thì việc liên doanh, tham gia, tiếp nhận nguồn lực cho đến tổ chức triển khai các dự án có yếu tố nước ngoài ngày càng lớn. Đây là lĩnh vực, là nơi trở thành mảnh đất màu mỡ để phát sinh, phát triển tội phạm này nên cần có quy định pháp lý để đấu tranh.
Các nước đòi hỏi chúng ta có sự công khai, minh bạch rất cao, quan điểm chống tham nhũng là quan điểm chung, phổ biến trên toàn cầu và đây không phải là quốc nạn riêng của Việt Nam mà nạn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển chung của nhân loại nên cần có sự hợp tác chặt chẽ.
Có quan điểm cho rằng nên “nhẹ tay” hơn đối với những người đưa hối lộ, cá nhân ông nghĩ sao?
- Hối lộ có hai mặt cung và cầu, không có người đưa hối lộ thì không có người nhận hối lộ. Xét về tính chất, mức độ nguy hiểm, tác hại là như nhau nên nếu đủ các yếu tố cấu thành tội phạm thì phải xử lý. Tuy nhiên, để khuyến khích tố giác tội phạm thì chúng ta có thể cá thể hóa ở chính sách về mặt xử lý. Nói về đưa hối lộ, trường hợp bình thường mà miễn trách nhiệm hình sự thì bỏ lọt tội phạm. Nếu những người đưa hối lộ mà sau này lập công, chủ động trình báo, khai báo, cung cấp thông tin xử lý đối tượng nhận hối lộ thì chúng ta phải có chính sách ân giảm về mặt thời gian, hình thức thực hiện hình phạt. Quá trình vận dụng mới có đường lối xử lý, còn về mặt luật pháp thì khi xử lý phải rõ ràng.
Ông Nguyễn Doãn Khánh
Ông Nguyễn Doãn Khánh 
“Đánh vào” kinh tế là hình phạt quan trọng 
Vừa qua, đề xuất phạt tiền thay phạt tù đối với tội phạm tham nhũng cũng tạo ra sự tranh cãi quyết liệt khi sửa Bộ luật Hình sự. Quan điểm của ông thế nào về việc nộp tiền giảm án?
- Đây là một trong những vấn đề đặt ra nếu chúng ta mở rộng đối tượng phạm tội tham nhũng, bao gồm cả trách nhiệm pháp nhân. Trước đây, chúng ta thường coi hình phạt về vật chất, về tiền là hình phạt bổ sung nhưng đối với tội phạm tham nhũng thì ngoài hình phạt chính là phạt tù hoặc các biện pháp tù có điều kiện thì kinh tế trở thành hình phạt quan trọng để khắc phục những thiệt hại do tội phạm tham nhũng gây ra. Đối tượng được áp dụng sẽ là đối tượng tham nhũng trong lĩnh vực tư, tham nhũng trong các pháp nhân là doanh nghiệp... Tôi nghĩ là như thế. 
Giữa vấn đề luật pháp xác định mức độ nguy hiểm của hành vi để quy định thành tội với đường lối xử lý là hai vấn đề có tính độc lập tương đối với nhau, tức là vấn đề xác định tính nguy hiểm của hành vi phạm tội để đưa vào Bộ luật Hình sự quy định là tội phải dứt khoát rõ ràng. Nhưng căn cứ vào mức độ hối cải, mức độ thành khẩn và sự đóng góp của bản thân người phạm tội để giúp cho việc điều tra, truy tố, xét xử nhanh hơn, nghiêm minh hơn, triệt để hơn thì chúng ta có chính sách phân giải về mặt thời gian, hình thức cho việc quyết định hình phạt. Trong quá trình vận dung pháp luật cụ thể sẽ có đường lối xử lý, còn trên khía cạnh luật pháp thì khi quy định tội phạm dứt khoát phải rõ ràng.
Trước nhiều luồng ý kiến tranh cãi, theo ông nên chốt lại như thế nào về việc phạt tiền thay tù đối với tội phạm tham nhũng?
- Một trong những hạn chế trong công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng là hạn chế về thu hồi tài sản do phạm tội mà có. Đây chắc chắn sẽ là vấn đề đặt ra đối với xử lý tội phạm tham nhũng, đặc biệt nếu chúng ta mở rộng xử lý hình sự đối với pháp nhân. Trước đây, chúng ta vẫn coi những hình phạt về vật chất, về tiền là hình phạt bổ sung thì với tội phạm tham nhũng, ngoài những hình phạt chính là phạt tù, phạt tù có điều kiện thì “đánh vào” kinh tế là hình phạt quan trọng để khắc phục thiệt hại do tội phạm tham nhũng gây ra. 
Vậy cần phân loại ra sao để xác định những đối tượng phạm tội tham nhũng được đóng tiền để thay thế hình phạt tù?
- Đối với tội phạm tham nhũng mà hình phạt chủ yếu là tiền thì đối tượng cơ bản được hưởng chính sách này sẽ là đối tượng tham nhũng trong lĩnh vực tư và tham nhũng trong các pháp nhân doanh nghiệp. Đây là những hoạt động thuần túy về mặt kinh tế mà không ảnh hưởng nhiều, trực tiếp đến việc đảm bảo tính lành mạnh của hoạt động hành chính hay đội ngũ cán bộ, công chức. Thế giới cũng đã áp dụng nhiều. Chúng ta cũng có điểm hơi khác là tổng hợp hình phạt tù không được quá 30 năm, còn các nước có thể cộng lên đến 200 – 300 năm, có quy đổi sang phạt tiền nên mức phạt càng cao thì giá trị phạt tiền mà người phạm tội phải nộp lại cho ngân sách càng lớn, kể cả thu hồi và hình phạt.
Theo ông, hình sự hóa hành vi làm giàu bất chính được thay bằng tội vi phạm nghĩa vụ kê khai có hợp lý không?
- Đây là vấn đề chưa thảo luận nhiều. Đối với tội phạm tham nhũng, chúng ta thường đặt vấn đề yếu tố về hậu quả trở thành yếu tố bắt buộc (cấu thành vật chất). Theo đó, phải chứng minh được người phạm tội thực hiện hành vi trục lợi bằng việc lấy tài sản công bỏ vào túi nhưng theo luật pháp các nước có quan điểm suy diễn về tội phạm, nghĩa là tài sản bất minh thì không cần chứng minh anh có hành vi lấy nó ở đâu, từ nguồn nào mà đều xử lý. Đây là vấn đề tới đây cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện. Cơ chế hiện nay mới xử lý hành vi kê khai không đúng, kê khai không đủ, chưa có quy định cụ thể để xử lý tài sản kê khai có nguồn gốc không hợp pháp. 
Trân trọng cảm ơn ông!

Đọc thêm