Hội thảo kiến trúc Việt Nam 50 năm đất nước thống nhất

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Mới đây, tại TP HCM đã diễn ra Hội thảo “Kiến trúc Việt Nam 50 năm đất nước thống nhất”. Cả nước có 916 đô thị, tỉ lệ đô thị hóa 44,3%
Một góc TP HCM. (Ảnh: H.Dung)
Một góc TP HCM. (Ảnh: H.Dung)

Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, GS.TS. KTS Nguyễn Quốc Thông cho biết, tính đến nay, cả nước có 916 đô thị, tỉ lệ đô thị hóa 44,3%, trong khi năm 1990 chỉ có 500 đô thị, tỉ lệ đô thị xấp xỉ 22%. Tại các đô thị, một số quy hoạch tiêu biểu được đánh giá thành công. Tại TP HCM là Quy hoạch chung TP HCM, Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, Trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm (Sasaki Asokiates 2003); ở Hà Nội là Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội, Khu đô thị Vinhomes Riverside, Quy hoạch chi tiết tuyến Nhật Tân - Nội Bài…

GS Thông cho biết, kiến trúc hiện nay gồm một số xu hướng: Kiến trúc hiện đại quốc tế, kiến trúc nhiệt đới, kiến trúc hiện đại dân tộc, kiến trúc hiện đại bản địa và kiến trúc xanh. Trong đó, xu hướng kiến trúc hiện đại bản địa và kiến trúc xanh là kiến trúc của tương lai. Kiến trúc xanh là xu hướng kiến trúc ít gây hại đến môi trường đã hình thành và phát triển trên thế giới từ cuối những năm 1980. Đến thập niên 2000, kiến trúc xanh bắt đầu du nhập vào Việt Nam.

Việt Nam hiện có khoảng 650 công trình xanh, trong đó miền Bắc chiếm 45%, miền Trung chiếm 5%, còn lại 50% số công trình xanh thuộc các tỉnh phía Nam, trong đó Bình Dương có 92 dự án và TP HCM dẫn đầu cả nước với 107 dự án. "Kiến trúc xanh trở thành định hướng chính trong thiết kế công trình dân dụng và công cộng hiện nay", KTS. Nguyễn Song Hoàn Nguyên (Trường ĐH Kiến trúc TP HCM) nói.

KTS. Trần Khánh Trung (Phó Chủ tịch Hội KTS TP HCM) đánh giá, 50 năm qua, TP có nhiều thay đổi về mặt kiến trúc. Từ một TP chỉ có lác đác vài tòa nhà cao tầng 50 năm trước, thì nay đã có hơn 1.500 tòa nhà cao từ vài chục đến vài trăm mét.

KTS Phạm Văn Phước (Hội KTS TP HCM, Viện Quy hoạch xây dựng TP HCM) nói cụ thể hơn về hành trình 50 năm quy hoạch và phát triển TP HCM 1975 - 2025. Từ một TP mang trong mình những vết thương chiến tranh, đối mặt với vô vàn khó khăn của thời kỳ bao cấp sau chiến tranh, TP đã vươn mình mạnh mẽ, trở thành một đại đô thị năng động, hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới.

"Hành trình 50 năm này không chỉ là câu chuyện về sự thay đổi diện mạo đô thị với những tòa nhà cao tầng, những cây cầu hiện đại, hay những khu công nghiệp sầm uất; mà còn là câu chuyện về tư duy quy hoạch và những nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc định hình không gian phát triển, kiến tạo môi trường sống, làm việc và đầu tư", KTS Phước nói.

Bốn giai đoạn trong lĩnh vực quy hoạch tại TP HCM

Theo KTS Phước, quy hoạch TP HCM được chia làm 4 giai đoạn. Giai đoạn 1975 - 1985 là vượt khó và đặt nền móng. Giai đoạn 1986 - 2000 là đổi mới, mở cửa, hội nhập và đột phá. Năm 1988, chủ trương lập Quy hoạch tổng thể mặt bằng cải tạo xây dựng TP được thông qua. Tháng 1/1993, đồ án Quy hoạch chung xây dựng TP HCM đến năm 2010 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là đồ án quy hoạch chung chính thức đầu tiên sau ngày thống nhất đất nước, xác định mục tiêu xây dựng TP HCM thành trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật lớn của cả nước.

Giai đoạn 2001 - 2020 là nâng tầm đô thị và đối mặt thách thức. Giai đoạn này tiếp tục chứng kiến những thành tựu quan trọng của TP: Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng 2.600ha gắn liền với đại lộ Nguyễn Văn Linh dài 17,8km, rộng 120m (1996 - 2007); đại lộ Võ Văn Kiệt và hầm Thủ Thiêm (1997 - 2009) dài 21,9km là đường huyết mạch nối Đông - Tây TP; Xa lộ Hà Nội (2018); cầu Sài Gòn 2 (2013); đường Nguyễn Hữu Cảnh (2002); đô thị Thủ Thiêm (từ 2012 đến nay) là trung tâm mở rộng của trung tâm hiện hữu kết nối qua cây cầu và 1 hầm qua sông Sài Gòn…

Giai đoạn 2020 - 2025 là giai đoạn hướng đến TP toàn cầu, bền vững và thích ứng. Theo KTS Phước, quy mô dân số dự kiến đến 2060 của TP là 16 - 20 triệu người. Ông điểm qua những thành tựu bước đầu của giai đoạn này: Ban hành kịp thời các văn bản pháp lý để triển khai Nghị quyết 98; hoàn thiện và đưa vào sử dụng Metro số 1; hàng loạt dự án có ý nghĩa chiến lược được khởi công như dự án Vành đai 3, cao tốc TP HCM - Mộc Bài, dự án Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương). Ngoài ra, còn các dự án trọng điểm khác như dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, rạch Xuyên Tâm, sân bay Tân Sơn Nhất, Nhà ga T3, cầu đi bộ qua sông Sài Gòn…

Bên cạnh đó, KTS Phước cũng chỉ ra một số hạn chế cần khắc phục là quy hoạch đi sau hoặc không theo kịp thực tiễn phát triển, thiếu tính đồng bộ và liên kết; một số quy hoạch được duyệt nhưng thiếu kế hoạch và nguồn lực đầu tư đi kèm dẫn tới quy hoạch "treo", thiếu tầm nhìn dài hạn, tính khả thi chưa cao; chất lượng một số đồ án quy hoạch còn hạn chế…