Kiến trúc thời bao cấp là một di sản
Trong giai đoạn 1954 - 1986 hay còn gọi là thời bao cấp, Hà Nội đã xây dựng rất nhiều công trình như các khu tập thể Kim Liên, Trung Tự, Thành Công, Giảng Võ..., các nhà máy dệt, cơ khí, thuốc lá, xà phòng, cao su, bê tông, diêm, gỗ... và đặc biệt là các công trình công cộng như: Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Đại học Bách khoa, Đại học Thủy lợi, Sân vận động Hàng Đẫy, Cung Văn hóa thiếu nhi Hà Nội, Bưu điện Hà Nội, Cung Văn hóa Lao động... Đó là di sản kiến trúc thời bao cấp, chứa đựng những giá trị văn hóa, lịch sử, ký ức của đất nước.
“Một trong những di sản kiến trúc XHCN chính là các khu tập thể (KTT). Đó cũng chính là không gian mơ ước cho một cuộc sống ổn định và hiện đại của người Hà Nội thời kỳ đó”, PGS. TS Nguyễn Văn Huy chia sẻ.
Có lẽ, thật không khó hình dung tâm trạng phơi phới ước mơ của mọi người khi được phân nhà “Từ bao mái nhà, đèn hoa sáng ngời, bầu trời thêm vào muôn vì sao sáng/Tôi ngắm bao gia đình lửa ấm tình yêu, nghe máu trong tim hòa niềm vui” (“Những ánh sao đêm”, Phan Huỳnh Điểu năm 1962). Tuy nhiên, từ ước mơ đến hiện thực có một khoảng cách mà chính sách không giải quyết được triệt để. “Ở trong các KTT, người ta xây dựng các căn hộ lớn, đầy đủ công trình tiện nghi nhưng vấn đề phân phối rất phức tạp”, PGS Nguyễn Văn Huy nhớ lại. Nhu cầu nhà ở lớn nhưng số lượng căn hộ ở các KTT thì có hạn nên “chỉ cán bộ nhà nước mới được ưu ái cấp cho căn hộ hoặc phòng ở KTT, hầu hết cán bộ trẻ mới làm việc thì sống như kiểu tầm gửi, “cơm niêu nước lọ”, nhiều người làm ở cơ quan xong thì tối đến kê bàn làm giường, sáng hôm sau lại trả lại nguyên trạng cho văn phòng”, GS. TS Nguyễn Văn Chính (ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội) chia sẻ ký ức khó phai về thời bao cấp. Ký ức về các KTT từng được sống lại trong cuộc trưng bày năm 2006. Ông nhớ lại “Hàng nghìn lượt người đã tới dự. Cuộc sống thời bao cấp của những người sống ở các KTT có nhiều câu chuyện xúc động, buồn cười và nhiều nghịch cảnh. Tuy nhiên, cũng phải nói là với nhiều người, ít nhất họ cũng được sống trong một ngôi nhà xây. Có còn hơn không là tâm lý thời đó”.
Phải tới năm 1987, Nhà nước mới chính thức đưa ra tiêu chuẩn thiết kế xây dựng nhà ở, trong đó “căn hộ phải được thiết kế độc lập, khép kín với đầy đủ các bộ phận: phòng khách và các bộ phận phụ trợ”. Những bài học từ ước mơ và khát vọng KTS Trương Tùng nói riêng hay thế hệ kiến trúc sư thời bao cấp nói chung trở thành một phần trong di sản kiến trúc.
“Ngoài tinh thần sáng tạo trong nghịch cảnh, bền bỉ và tâm huyết với ước mơ còn là sự ảnh hưởng lâu dài của kiến trúc thời bao cấp đến kiến trúc Việt Nam hiện đại, đặc biệt là các giá trị về tính bền vững, thực dụng và tinh thần cộng đồng. Những ước mơ và khát vọng của thế hệ kiến trúc sư thời ấy cũng đã tạo nền tảng quan trọng cho sự phát triển của kiến trúc Việt Nam hiện đại và là nguồn cảm hứng cho thế hệ kiến trúc sư trẻ tiếp tục sáng tạo”, PGS. TS Nguyễn Văn Huy đúc rút.
TS. KTS Trần Thanh Bình cho rằng, đây là câu chuyện thời sự, sự chuyển đổi của cơ cấu công nghiệp của một thành phố, đằng sau đó là cuộc chiến đấu cân nhắc giữa cái được và mất. Đáng tiếc, nếu mất đi những di sản kiến trúc thời bao cấp, chúng ta sẽ mất ký ức của một đô thị có nhiều vỉa tầng văn hóa đặc biệt như Hà Nội. Lịch sử đô thị Hà Nội có tầng tầng, lớp lớp các công trình kiến trúc được chia thành nhiều giai đoạn. Nếu như các công trình kiến trúc Pháp là minh chứng cho bước đầu du nhập văn minh phương Tây thì những công trình mang phong cách kiến trúc Đông Dương lại là sự kết hợp độc đáo giữa văn hóa phương Đông và phương Tây. Những công trình kiến trúc thời kì 1954 - 1986 đã thể hiện một tiếng nói mới, có sự kế thừa, học hỏi và sáng tạo, mang bản sắc kiến trúc Việt Nam, góp phần kiến tạo xã hội trong tâm thế một dân tộc được làm chủ vận mệnh của mình. Kiến trúc của một thành phố ẩn chứa trong lòng nó nhiều giá trị không dễ nhận biết. Kiến trúc thời bao cấp ở Hà Nội, vì vậy, không thuần túy là những khu tập thể, nhà máy, trường học và những cơ sở hạ tầng thiết yếu khác mà là một cách tạo dựng các giá trị mới của một quốc gia độc lập.
Và cần được ứng xử như một phần ký ức, lịch sử
“Hào hùng và bi tráng” là vậy nhưng trong câu hỏi “Kiến trúc nào đại diện cho bản sắc Hà Nội”? (một khảo sát xã hội do KTS Vũ Hiệp thực hiện), kiến trúc thời bao cấp chỉ chiếm 9%. (Kiến trúc truyền thống chiếm 56%, kiến trúc Pháp chiếm 18% và kiến trúc đương đại chiếm 17%). Để lý giải cho tỷ lệ hạn chế về di sản kiến trúc thời bao cấp, KTS Vũ Hiệp đã thực hiện một cuộc tổng hợp ý kiến của các chuyên gia. “Kiến trúc giai đoạn 1954 - 1986 được xây dựng trong giai đoạn đất nước khó khăn nên quy mô, sự phong phú về hình khối, cũng như chất lượng vật liệu không bằng các giai đoạn khác. Kiến trúc giai đoạn này cũng ít được quảng bá đến công chúng. Khảo sát các sách lịch sử kiến trúc trong 10 năm trở lại đây, chúng tôi nhận thấy sự thống trị của các cuốn sách về kiến trúc thuộc địa Pháp và sự vắng bóng của kiến trúc giai đoạn 1954 - 1986”, KTS Vũ Hiệp cho biết.
![]() |
Khu tập thể Hà Nội năm 1989. (Ảnh David Alan Harvey - Nguồn: Macnum) |
Nhìn lại kiến trúc thời bao cấp trong bối cảnh 5 năm Hà Nội gia nhập Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO có thể thấy kiến trúc thời kỳ này cần được đánh giá khách quan hơn. Hà Nội là thành phố lớn duy nhất ở Đông Nam Á có một hệ thống di sản kiến trúc XHCN rõ nét, đầy đủ: công trình công nghiệp, công cộng, nhà ở. Những công trình đóng vai trò quan trọng trong việc phản ánh quá khứ, văn hóa và bản sắc của thành phố, cung cấp cái nhìn sâu sắc về quá trình phát triển của thành phố theo thời gian. Đây cũng là một nguồn lực đặc biệt của Hà Nội để xây dựng thương hiệu đô thị: Thành phố Vì hòa bình, Thành phố sáng tạo. Bề dày nghìn năm tuổi của Hà Nội khiến người ngoài dễ liên tưởng thành phố này với những cụm từ “cổ kính”, “truyền thống”, “trầm lắng”,... Nhưng trên thực tế, như nhiều nơi khác, Hà Nội là một thành phố năng động, không ngừng đổi thay và không ngừng tiếp nhận những thứ mới mẻ. Trong một không gian đã được định hình, dấu ấn từng thời kỳ lịch sử có ở hầu khắp các khu vực, ngõ phố, thậm chí đậm đặc, chồng chồng, lớp lớp để tạo ra một bề dày văn hóa đặc biệt cho Hà Nội. Theo dòng chảy thời gian, có phải rồi tất cả sẽ đều được ghi nhận, tất cả sẽ không bị xóa nhòa?”.
Có thật thế chăng? Những nhận định như vậy đủ làm day dứt lòng người. “Rất nhiều thứ để người ta có thể nhớ về cái thời đó, nhưng có một thứ hình như đã bị lãng quên. Đó là di sản kiến trúc. Chưa thấy ai nhận diện nó và xem xét xem nên ứng xử với nó như thế nào cho phải lẽ”, bà Nguyễn Thị Trâm, một thành viên của Trung tâm Di sản các nhà khoa học và là người trải nghiệm trọn vẹn thời kỳ bao cấp ở Hà Nội bày tỏ.
“Vấn đề hôm nay đưa ra quan trọng ở chỗ chúng ta coi tất cả các công trình đó không thể bỏ qua và phải nhận được những ưu tiên nào đó”, KTS Lê Thành Vinh, nguyên Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích (Bộ Xây dựng) nhận xét. “Nhưng bảo tồn đến đâu thì chúng ta phải nhìn lại tổng hòa của một quá trình dài và nhớ rằng đất nước vẫn còn những công trình cần bảo tồn khác nữa, như các kiến trúc truyền thống, thời Pháp thuộc”. Là một chuyên gia từng thực hiện nhiều dự án về bảo tồn, phát huy giá trị các khu di tích như Thánh địa Mỹ Sơn, khu phố cổ Hội An, Cố đô Huế, Đền Hùng, Yên Tử, Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội, Làng cổ Đường Lâm, Chùa Phật Tích, Chùa Bút Tháp, Đình Chu Quyến…, ông chia sẻ góc nhìn: “Trước hết có một vấn đề rất lớn, đó là mâu thuẫn giữa sự thống nhất bảo tồn và phát triển. Luôn luôn là giằng xé, luôn luôn là một cuộc tranh luận bất tận. Nhưng xã hội lúc nào cũng phải như thế, trong sự phát triển vẫn phải giữ lại cái gì đó, thay thế cái gì đó và làm mới cái gì đó”.
Kiến trúc trong thành phố không thuần túy là những thực thể công trình mà còn là nơi nuôi nấng, lưu giữ các mối quan hệ xã hội và cả ước mơ của những người sống ở đó. Một phần lịch sử được gói ghém trong những công trình đó. Thế mà giờ đây, những công trình kiến trúc, chứng nhân lịch sử một thời đang phải đối mặt với thách thức muôn hình vạn trạng, trong đó có cả sự lãng quên. Vì vậy, ông cho rằng việc ứng xử như thế nào với di sản này sẽ là một chính sách quản lý song hành với nghiên cứu và thảo luận của xã hội.
Cùng đồng quan điểm về vấn đề này, PGS. TS Nguyễn Văn Huy cho rằng: “Thời bao cấp là một thời kỳ hào hùng và bi tráng. Nếu chúng ta muốn phá bỏ thì dễ mà giữ rất khó và rất cần giữ. Hà Nội là một thành phố hiếm hoi có dày đặc di sản thời bao cấp, nó quan trọng với Hà Nội khi chuyển từ thành phố tiêu thụ thành thành phố sản xuất, thể hiện tinh thần tự chủ. Thời gian qua đã có những hoạt động văn hóa diễn ra tại các di sản như Nhà máy xe lửa Gia Lâm, nhiều loại hình nghệ thuật được trình diễn ở đó, đây là một tín hiệu tốt để chúng ta suy nghĩ về cách thức bảo tồn các di sản công nghiệp”.