Kiến trúc vừa hiện đại, vừa cổ kính
Hà Nội mang nét khác biệt với các thành phố hiện đại trên thế giới. Vẻ đẹp của Hà Nội vừa hiện đại, vừa cổ kính hiện hữu qua các công trình mang kiến trúc lịch sử, văn hóa lâu đời như: Chùa Một Cột, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hồ Gươm, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, Nhà hát Lớn, Cầu Long Biên…
Giữa lòng Hà Nội còn lãng mạn, cổ kính với các khu phố cổ còn rất nguyên vẹn với đặc trưng “phố xưa nhà cổ, mái ngói thâm nâu” đã trải qua rất nhiều thập kỷ. Mặc dù trong không gian những ngôi nhà mái ngói còn lại hiện nay của Hà Nội, những nếp nhà xưa gần như không còn nguyên vẹn, thậm chí bị chia năm, xẻ bảy bởi nhiều hộ gia đình nhỏ sống chung hoặc được cơi nới, sửa chữa để phục vụ nhu cầu sinh hoạt, kinh doanh, nhưng những mái ngói thâm nâu theo thời gian vẫn tồn tại hơn như một đặc điểm, là biểu tượng kiến trúc đặc trưng một thời cho không gian sống của người Hà Nội.
Các công trình kiến trúc Pháp cổ mang lại cho Hà Nội một vẻ đẹp trang nghiêm nhưng rất đỗi tráng lệ, lãng mạn, cổ kính, sang trọng mà thanh lịch, góp phần làm nên nét độc đáo riêng biệt của Thủ đô. Vẻ đẹp của những toà nhà mang đậm dấu ấn kiến trúc Pháp giữa lòng Thủ đô Hà Nội đã khiến nhiều du khách ấn tượng, thích thú. Thời gian có thể làm phai mờ đôi chút những nét hoa văn trang trí tinh tế trên mỗi khung cửa hay trên những mái nhà cổ kính nhưng không thể xóa đi nét độc đáo, tráng lệ của trời Âu giữa một thành phố “nghìn năm văn hiến”. Có thể kể tới: Phủ Chủ tịch, Nhà thờ Cửa Bắc,Tòa nhà Bộ ngoại giao, Bốt Hàng Đậu, Nhà hát lớn Hà Nội, Nhà tù Hỏa Lò, Nhà thờ Lớn, Khách sạn Sofitel Metropole Hà Nội, Nhà khách Chính phủ, Trường Trung học phổ thông Chu Văn An, Văn phòng Trung ương Đảng.
Những công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu của Hà Nội trước đây vẫn được bảo tồn khá nguyên vẹn đến tận ngày nay. Nó khiến cho không ít du khách khi đến thăm Hà Nội, bỗng bắt gặp những góc phố quen như ở Thủ đô Paris hoa lệ của nước Pháp.
![]() |
Phố Hàng Đường. (Ảnh tư liệu) |
Ngoài ra, Hà Nội còn sở hữu các công trình kiến trúc như biệt thự cổ, nhà cổ, khu phố Pháp… Thống kê từ Sở Xây dựng Hà Nội cho thấy trên địa bàn Thủ đô có hơn 1.260 biệt thự cũ chủ yếu được xây dựng từ trước năm 1954, dưới thời Pháp thuộc; đặc biệt là các biệt thự được xây dựng theo phong cách Đông Dương do các kiến trúc sư Việt Nam thiết kế, thể hiện tính sáng tạo của người Việt. Đây là mảng công trình quan trọng tạo ra quỹ di sản kiến trúc đồ sộ và có giá trị ở Hà Nội.
Trong xu thế toàn cầu, việc khai thác sức mạnh nội tại từ văn hóa và di sản sẽ đem lại lợi thế cạnh tranh to lớn. Trước đây, văn hóa được mặc định coi là hoạt động “tiêu tiền”, nhằm tuyên truyền, cổ động, thì ngày nay, với sự phát triển của công nghiệp văn hóa, văn hóa đem lại nguồn thu và sức mạnh quốc gia.
Bên cạnh khai thác các di sản văn hóa, nhiều năm qua, những công trình kiến trúc có giá trị cũng được bảo tồn và khai thác, trong đó có những công trình trở thành điểm đến nổi bật. Điển hình là việc tôn tạo và phát triển khu vực vòm cầu đường sắt trên phố Phùng Hưng thành không gian văn hóa; tôn tạo ngôi nhà số 22 phố Hàng Buồm trước kia là Hội quán Quảng Đông thành Trung tâm văn hóa nghệ thuật. Ngôi biệt thự kiến trúc Pháp tại số 49 phố Trần Hưng Đạo đã trở thành không gian sáng tạo mới cho Thủ đô, là nơi tổ chức nhiều hoạt động trưng bày, triển lãm và biểu diễn nghệ thuật, thu hút đông người dân và du khách.
Gửi gắm tình yêu Hà Nội qua những lễ hội thiết kế sáng tạo
Hàng loạt di sản kiến trúc nổi tiếng: Cung Thiếu nhi Hà Nội, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (Viện bảo tàng của Trường Viễn Đông Bác cổ xưa kia), Nhà hát Lớn, Đại học Quốc gia Hà Nội (Đại học Đông Dương dưới thời Pháp thuộc), Bắc Bộ Phủ… được tôn vinh thông qua nhiều hoạt động sáng tạo trong tuyến trải nghiệm Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024. Vẻ đẹp của kiến trúc Pháp, vẻ đẹp của kiến trúc thời đại “mưa Á, gió Âu”, khi kiến trúc phương Tây giao hòa với kiến trúc phương Đông. Và ở đó, còn ẩn giấu những câu chuyện lịch sử mà có lẽ thế hệ trẻ chưa biết đến, như những vết đạn còn in trên hàng rào sắt Phủ Thống sứ Bắc Kỳ hay Bắc Bộ Phủ (nay là Nhà khách Chính phủ) qua gần 80 năm với bao biến thiên về kinh tế, văn hóa xã hội.
![]() |
Tháp nước Hàng Đậu tạo sự bất ngờ tại Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội. (Ảnh: BTC) |
Kiến trúc sư Nguyễn Hồng Quang, Trưởng nhóm Kiến trúc của Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội năm 2024 cho biết, “Giao lộ sáng tạo” được thí điểm hình thành dọc theo 7 công trình di sản lịch sử tiêu biểu của Hà Nội, quy tụ gần 500 nghệ sĩ sáng tạo với hơn 100 hoạt động thuộc 12 lĩnh vực công nghiệp văn hóa. “Giao lộ sáng tạo” không chỉ thí điểm một tuyến trải nghiệm cho thành phố trong tương lai, mà còn là nơi thể hiện tiềm năng sáng tạo của thành phố”, kiến trúc sư Nguyễn Hồng Quang cho biết.
Còn tại Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội năm 2023 với chủ đề “Thiết kế sáng tạo - Đánh thức di sản công nghiệp”, giúp biến đổi các nhà máy, kho xưởng đang “say ngủ” thành tổ hợp kiến trúc sáng tạo mang tính thẩm mỹ và giá trị giáo dục cao. “Để phát triển công nghiệp văn hóa Hà Nội, phải có một chiến lược tổng thể, được xây dựng bởi sự phối hợp của các sở, ngành liên quan. Đối với các di sản công nghiệp, như Nhà máy xe lửa Gia Lâm, Tháp nước Hàng Đậu, cũng nên tư duy theo cách như vậy”, kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhấn mạnh.
![]() |
Nhà hát Lớn đã trở thành một di sản văn hóa của Thủ đô. (Ảnh: Ivivu) |
Việc gợi mở những ý tưởng sáng tạo tại các di sản kiến trúc của Hà Nội mang đến những tiềm năng, cơ hội lớn để khai thác, phát triển, từ đó thành phố có thể định hướng trong việc phát huy giá trị của những di sản này bền vững và hiệu quả. Các lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội đã thu hút hàng triệu người dân, du khách tới tham quan, thưởng lãm.
Có thể thấy, hoạt động thiết kế hiện diện sống động trong mọi ngõ ngách của thành phố nghìn năm văn hiến, thể hiện ở “nhiều lớp lịch sử” kiến trúc đô thị và hệ thống di sản văn hóa đa dạng, phong phú, góp phần tạo nên sự gắn kết hài hòa trong đời sống giữa tự nhiên với con người. Từ những công trình kiến trúc lâu đời, nổi tiếng đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới như Hoàng thành Thăng Long hay các công trình kiến trúc đa dạng thể hiện tài hoa, sức sáng tạo trong thiết kế của nhiều thế hệ nhà thiết kế mang phong cách kiến trúc Pháp, như: Nhà hát Lớn Hà Nội, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam... đến các công trình kiến trúc đương đại tiêu biểu, như cầu Nhật Tân với 5 tháp trụ được chiếu sáng tượng trưng cho 5 cửa ô của Hà Nội..., tất cả đã cho thấy sự đa dạng và cuốn hút trong nghệ thuật thiết kế của TP Hà Nội.
Việc tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO có tác động rất tích cực đến sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô trên cơ sở khai thác, phát huy hiệu quả thương hiệu “Thành phố sáng tạo” để tạo ra những sản phẩm và dịch vụ văn hóa giàu sức hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
![]() |
Bảo tàng Lịch sử quốc gia với kiến trúc tuyệt đẹp. (Ảnh: BTLSQG) |
Bà Vân Anh - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết, các Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội thường niên là hoạt động tiếp tục định vị thương hiệu “Hà Nội - Thành phố Sáng tạo” trong Mạng lưới các thành phố Sáng tạo của UNESCO, phát huy công nghiệp văn hóa, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của cộng đồng sáng tạo, cùng gửi gắm tình yêu, niềm tự hào về Hà Nội hôm nay và khát khao cho Hà Nội ngày mai.
Tất cả sẽ tạo nên sự cộng hưởng và nguồn cảm hứng sáng tạo trong các tầng lớp Nhân dân Thủ đô, với một khát vọng được góp phần xây dựng Thủ đô và đất nước bước vào kỉ nguyên mới - kỉ nguyên vươn mình của dân tộc.