Tham dự và chủ trì Hội thảo có đồng chí Đỗ Đức Hiển - Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính. Về phía UNODC có ông Francesco Checchi, Cố vấn khu vực về phòng, chống tham nhũng, UNODC khu vực Đông Nam Á, Thái Bình Dương và bà Nguyễn Nguyệt Minh, Chánh Văn phòng UNODC Việt Nam.
Tịch thu tiền, tài sản liên quan đến vi phạm pháp luật là một thủ tục pháp lý phát sinh từ hoạt động tố tụng, xử lý hành vi vi phạm của nhà nước, thông thường là hoạt động tố tụng hình sự với đặc thù là việc tịch thu chỉ được tiến hành sau khi có bản án kết tội đã có hiệu lực pháp luật. Đây là cơ chế tịch thu tiền, tài sản truyền thống trong pháp luật của các nước trên thế giới.
Tuy nhiên, thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm ở các nước cho thấy, đối với hoạt động tội phạm kinh tế, chức vụ, tham nhũng, mua bán người, buôn bán vũ khí,… thì lợi ích vật chất là mục tiêu chính của người phạm tội. Để đạt được mục tiêu đó, người thực hiện hành vi vi phạm thường tìm các thủ đoạn tinh vi để tẩu tán, che giấu nguồn gốc tiền, tài sản liên quan đến hành vi phạm tội thông qua hoạt động rửa tiền bằng các giao dịch tài chính, chuyển dịch tài sản,… Các thủ đoạn này gây khó khăn cho việc phát hiện tội phạm cũng như cho quá trình xác minh, điều tra nguồn gốc tài sản của các cơ quan tiến hành tố tụng và trong nhiều trường hợp, tiền, tài sản liên quan đến tội phạm được tẩu tán, nguỵ trang thành công, tội phạm thì không bị xử lý. Đây là một thách thức lớn đối với các cơ quan tư pháp.
Để giải quyết vấn đề nêu trên, bảo đảm hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm rửa tiền và các tội phạm nguồn, Khuyến nghị số 4 của Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF) yêu cầu các quốc gia thành viên xem xét áp dụng các biện pháp cho phép các tài sản hoặc công cụ có liên quan tới tội phạm bị tịch thu mà không cần phải có bản án hình sự hoặc yêu cầu người phạm tội phải chứng minh nguồn gốc hợp pháp của tài sản. Bên cạnh đó, Công ước phòng, chống tham nhũng khuyến nghị các quốc gia “xem xét tiến hành các biện pháp cần thiết cho phép tịch thu tài sản mà chưa có bản án hình sự trong trường hợp không thể truy tố người vi phạm vì họ chết, lẩn trốn, vắng mặt hoặc trong trường hợp khác thích hợp”.
Đối với Việt Nam, với mục tiêu phòng, chống tội phạm có hiệu quả, đồng thời thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực này, về thu hồi tài sản, bảo đảm thực thi cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, khắc phục những vướng mắc, bất cập về pháp luật và thực tiễn công tác thu hồi tài sản, ngày 30 tháng 4 năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 474/QĐ-TTg về Kế hoạch hành động giải quyết những rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố giai đoạn 2019-2020, trong đó giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan (Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ, Viện kiểm sát nhân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao) thực hiện nhiệm vụ “Nghiên cứu đề xuất xây dựng quy định biện pháp tịch thu tài sản không thông qua thủ tục kết tội, buộc đối tượng tình nghi phải chứng minh nguồn gốc hợp pháp của tài sản và đề xuất sửa đổi quy định có liên quan trong Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Phòng, chống tham nhũng”. Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tiến hành nghiên cứu, đánh giá pháp luật hiện hành, tham khảo kinh nghiệm các nước để đề xuất khả năng xây dựng biện pháp tịch thu tài sản không qua thủ tục kết tội cũng như sửa đổi, bổ sung hoàn thiện pháp luật có liên quan.
Tại Hội thảo, các đại biểu đến từ các cơ quan trung ương như Ban nội chính trung ương, Văn phòng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài chính, các cơ sở đào tạo luật trên địa bàn Hà Nội và một số địa phương đã nghe các chuyên gia trình bày về các nội dung như yêu cầu của quốc tế và kinh nghiệm một số nước về tịch thu tài sản không qua thủ tục kết tội; pháp luật hiện hành về tịch thu tài sản, nghĩa vụ chứng minh và thực tiễn công tác thu hồi tài sản tại Việt Nam; một số đề xuất, kiến nghị về khả năng nghiên cứu, xây dựng các cơ chế thu hồi tài sản không qua thủ tục kết tội trong thời gian tới.
Các đại biểu cũng đã nêu nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận cùng các chuyên gia về các nội dung của dự thảo Báo cáo, đánh giá cao nội dung dự thảo đã được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước, đồng thời đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc, hoàn thiện thêm về một số nội dung như: làm rõ tác động của cơ chế tịch thu tài sản không qua thủ tục kết tội đối với quyền của cá nhân về tài sản, nguyên tắc suy đoán vô tội; những rào cản, khó khăn, thánh thức đối với Việt Nam khi xây dựng cơ chế này. Các đại biểu cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ thêm lộ trình, phạm vi nghiên cứu tiếp theo... Những ý kiến thu nhận được từ Hội thảo sẽ làm cơ sở để Bộ Tư pháp tiếp tục hoàn thiện dự thảo Báo cáo để trình Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới./.