Những tình huống pháp lý cụ thể
Nhiều vấn đề, tình huống pháp luật trong đời sống thực tế đã được các đội thi tái hiện sinh động, hấp dẫn qua các tiểu phẩm sân khấu. Những thông điệp tuyên truyền, những vấn đề pháp lý qua lời ca, câu hát dễ đi vào lòng người. Qua đó giúp người dân dễ hiểu, dễ tiếp thu góp phần đưa pháp luật đến gần với đời sống, giúp người dân hiểu và xử lý các tình huống hàng ngày phù hợp với các quy định của pháp luật.
Với tiểu phẩm “Chúng tôi xin chừa”, đội thi của huyện Năm Căn đã đề cập tới thực trạng phóng xe vượt ẩu gây tai nạn giao thông sau những cuộc nhậu say xỉn.
Trong khi đó, thực trạng phá rừng ở địa phương và các quy định của pháp luật về xử lý hành vi vi phạm nêu trên đã được đội thi của huyện U Minh tái hiện sinh động và mang giá trị nhân văn cao. Tình huống đã cảnh tỉnh bà con nhân dân đừng vì cái lợi trước mắt mà nghĩ tới cái hại. Đội thi đã khéo léo dẫn các quy định và hình phạt của pháp luật cùng với truyền thống vẻ vang của U Minh qua các giai đoạn lịch sử để tuyên truyền, kêu gọi mọi người giữ màu xanh rừng tràm.
Câu nói, “ông cha đã hy sinh biết bao xương máu để giành lại từng tấc đất, tấc rừng từ tay kẻ thù xâm lược, làm nên một U Minh bất khuất kiên cường. Rừng tràm vẫn ngát xanh với chiến tích phi thường. Dẫu có hàng trăm vết đạn nhưng vẫn bát ngát đưa hương” hay “Chặt phá rừng tràm là hủy diệt màu xanh có khác chi kẻ thù ngày trước” đã chạm tới trái tim nhiều người, khiến bà con phải suy ngẫm về cách ứng xử của mình với môi trường tự nhiên.
Ở vị trí ven biển, huyện Trần Văn Thời có nhiều người dân bám biển mưu sinh. Lợi dụng điều đó, nhiều đối tượng “cò” đã giới thiệu ngư phủ đi biển để dẫn dụ họ mắc nợ hàng chục triệu đồng. Nếu không có tiền trả, ngư phủ sẽ bị giữ làm con tin để người nhà mang tiền đến “chuộc”. Thực trạng này cũng được đội thi của huyện Trần Văn Thời truyền tải thành công tại Hội thi.
Dân hiểu luật để tự cứu mình
Vấn đề cho vay nặng lãi hiện nay đang diễn biến phức tạp có tổ chức và có nhiều biến tướng và “phủ sóng” trên nhiều địa bàn. Các đối tượng còn tập hợp thành các nhóm giang hồ để đòi nợ và đòi nợ thuê. Việc người dân “sập bẫy” trở thành nạn nhân “tín dụng đen” đã được tái hiện trong trường hợp của một người phụ nữ vay 50 triệu, sau bị mắc nợ tới hơn 1 tỷ đồng. Rồi sau đó là ký tên sang đất, chuyển nhà.
Nạn “tín dụng đen” đã trở thành sợi dây thòng lọng siết chết nhiều gia đình, không chỉ tan nhà nát cửa mà còn sống trong nỗi sợ hãi bị trả thù. Rồi nhiều trường hợp, do thiếu hiểu biết pháp luật mà người dân vô tình tiếp tay cho kẻ phạm tội. Đội thi huyện Đầm Dơi đã lấy vấn đề chứa chấp đồ gian và các quy định pháp luật liên quan để giúp người dân phòng tránh.
Theo đánh giá của Ban tổ chức, các tác phẩm dự thi đều khá ngắn gọn, súc tích, mang đậm phong cách đời thường, không cầu kỳ kiểu cách nhưng đã mang đến những giá trị đích thực, hiệu quả. Tiểu phẩm của các đơn vị đã góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật cho các tầng lớp nhân dân, tác động đến suy nghĩ, ý thức chấp hành pháp luật của nhiều người.
Hội thi là một hình thức trực quan sinh động, thiết thực
Ông Trần Hồng Quân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, Hội thi “Tìm hiểu pháp luật” là một hình thức trực quan sinh động, thiết thực, giúp cho các thí sinh tham gia có điều kiện nghiên cứu sâu một số nội dung pháp luật, gắn với thực tiễn thi hành luật, góp phần tôn vinh nét đẹp văn hóa cộng đồng, đề cao các giá trị nhân văn và phản ánh hành vi tiêu cực xã hội.
Thông qua Hội thi, truyền tải cơ bản nội dung Hiến pháp năm 2013, Luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và các quy định của pháp luật có liên quan đến cán bộ và nhân dân. Qua đó giúp các thí sinh có điều kiện giao lưu học hỏi với nhau, trau dồi kiến thức pháp luật và kỹ năng ứng xử, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đúc kết kinh nghiệm chuyên môn và cảnh báo những sai sót, những việc cần tránh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.