Hai người này bị cáo buộc “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Vụ án đã xảy ra gần ba năm, nhiều lần trả hồ sơ, qua hai phiên xét xử vẫn chưa có phán quyết cuối cùng. Và trong lần xử mới nhất, HĐXX đã hai lần phải tuyên bố nghị án kéo dài nhiều ngày.
Vụ án đã lập một “kỷ lục” nho nhỏ khi chỉ có hai bị cáo và bị cáo buộc một tội danh, nhưng điều tra truy tố xét xử kéo dài gần ba năm, một phiên toà trải qua tới gần 20 ngày. Trong một văn bản Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Công an tỉnh Sóc Trăng phát hành, cho biết vụ án được “báo cáo xin ý kiến liên ngành cơ quan tư pháp Trung ương”. Tuy nhiên thực hư việc này thế nào, khi hồ sơ đến nay không thấy có chứng cứ nào chứng minh liên ngành cơ quan tư pháp Trung ương có chỉ đạo? Chỉ thấy rõ ràng là với thông tin này, các bị cáo và có thể các cơ quan tố tụng tỉnh khác như HĐXX, đã phải chịu áp lực?
Phiên xử mới đây, trong phần tranh luận, luật sư (LS) Nguyễn Văn Đức (Đoàn LS TP Cần Thơ) đã trích Công văn 74/ANĐT ngày 12/2/2019 của Đại tá Dương Việt Hùng, Phó Thủ trưởng Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Sóc Trăng đề nghị bà Khưu Thị Diệu Huyền (Giám định viên Sở Nội vụ) nhanh chóng có kết luận thiệt hại phi vật chất để “làm báo cáo xin ý kiến liên ngành cơ quan tư pháp Trung ương để nhanh chóng giải quyết vụ án…”. Tuy nhiên, trong hồ sơ vụ án không tìm thấy công văn xin ý kiến của Sóc Trăng, hay trả lời của liên ngành tư pháp Trung ương. LS Đức đặt vấn đề hồ sơ bị thất lạc, bị sai lệch, hay đây chỉ là một thông tin “đòn gió” nhằm gây áp lực cho người tham gia tố tụng cho bị cáo, cho HĐXX.
Tại phiên toà, trả lời LS Đức vấn đề này, đại diện VKS cho rằng việc Cơ quan ANĐT có công văn với nội dung nêu trên là nhằm “đôn đốc” Giám định viên nhanh chóng có kết quả giám định. Tuy nhiên VKS cũng khẳng định “việc có xin ý kiến liên ngành tư pháp Trung ương như Cơ quan ANĐT nêu hay không, VKS không biết và không được báo cáo”.
Vậy theo luật, việc Cơ quan ANĐT Sóc Trăng “xin ý kiến liên ngành tư pháp Trung ương” có hợp pháp, có đúng quy định tố tụng hình sự hay không? Khi nào tình huống nào các cơ quan tố tụng có thể họp liên ngành hoặc xin ý kiến cơ quan cấp trên? LS Đào Kim Lân (Đoàn LS TP HCM) nói: “Việc họp liên ngành hoặc xin ý kiến liên ngành cấp trên không được quy định trong Bộ luật Tố tụng Hình sự, không phù hợp với nguyên tắc xét xử độc lập. Tuy nhiên, phải nói rằng cũng có những ngoại lệ, có những vụ án phức tạp, nhiều vấn đề cần làm rõ, ảnh hưởng dư luận lớn hoặc có yếu tố an ninh chính trị thì có thể họp liên ngành hoặc xin ý kiến cấp trên”.
“Thế nhưng trong vụ án “phân bón rởm” ở Sóc Trăng, điều lạ lùng tôi chưa từng nghe, chưa từng thấy là sao lại có việc CQĐT đi xin ý kiến liên ngành Trung ương. Trong quá trình điều tra, CQĐT khi thấy có vấn đề xảy ra và vượt quá tầm chuyên môn thì có thể làm báo cáo xin chỉ đạo cấp trên cùng ngành, hoặc thực hiện giám định”.
“CQĐT chỉ có thể xin ý kiến của cấp trên cùng ngành của họ, không thể xin ý kiến cấp trên của ngành khác. Tôi chưa từng thấy có chuyện CQĐT công an tỉnh đi xin ý kiến liên ngành Trung ương. Chỉ có HĐXX mới có quyền yêu cầu các cơ quan cấp trên ngành khác giải thích các vấn đề chuyên môn. Và quyền xin ý kiến cũng là của HĐXX chứ không phải là chủ toạ hay thẩm phán”.
Ông Thanh cho rằng dù ông bị oan, nhưng cơ quan công tố Sóc Trăng đang “cố tìm mọi cách” buộc tội |
LS Đặng Đức Trí (Đoàn LS TP HCM) giải thích thêm: “Họp liên ngành dù không được quy định trong Bộ luật Tố tụng Hình sự nhưng vẫn thường xảy ra. Họp liên ngành trước khi khởi tố, giai đoạn truy tố, hay xét xử là chuyện của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, hợp liên ngành phải có biên bản. Họp liên ngành là các ngành ngồi lại với nhau, cùng đưa ra quan điểm, chứng cứ và tranh luận với nhau để đi đến kết luận cần chứng minh, truy tố, xét xử theo hướng ra sao. Còn chuyện Cơ quan ANĐT Sóc Trăng nói họ “xin ý kiến liên ngành Trung ương” là rất lạ”.
Một ngày trước khi toà tuyên án, trao đổi với PLVN, bị cáo Phương bày tỏ: “Thực tế có hay không chuyện xin ý kiến liên ngành tư pháp Trung ương, tôi không rõ. Ban đầu tôi có bị áp lực vì cứ nghĩ không hiểu sao CQĐT lại “nâng tầm” câu chuyện, mang vụ việc ra Trung ương hỏi? Nhưng sau khi suy nghĩ, từ đó tới nay tôi thậm chí lại rất mong CQĐT Sóc Trăng xin ý kiến Trung ương, để các cơ quan Trung ương biết được sự việc, công tâm xem xét, giải nỗi oan khuất cho tôi. Ba năm nay tôi và gia đình đã quá mệt mỏi vì phải chịu đựng nỗi oan khuất này”.
Vẫn lời ông Phương: “Tôi đã có gần 20 năm công tác trong ngành quản lý thị trường, chưa một lần mắc sai phạm, chưa từng bị kỷ luật điều tiếng gì. Tôi và đoàn kiểm tra quyết định gỡ niêm phong số phân bón vì kết quả kiểm nghiệm cho thấy các mẫu phân bón đó đạt tiêu chuẩn. Không chứng minh được đó là phân bón giả nên phải tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, đúng theo tinh thần Nghị quyết 35 của Chính phủ ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký. Sai sót trong quy trình của tôi và đoàn kiểm tra nếu có, thì chỉ là sai sót hành chính chứ không phải tội phạm. Tôi không có động cơ mục đích vụ lợi cá nhân gì trong vụ án này. Tôi vô tội”.
Bút phê của Giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng vi phạm tố tụng?
Trong Báo cáo số 13/BC-PA92 ngày 29/12/2106 của Đại tá Dương Việt Hùng, Phó Thủ trưởng cơ quan ANĐT, về việc xin ý kiến Giám đốc giao thẩm quyền xử lý tin báo và xử lý vụ án vì cơ quan ANĐT không có thẩm quyền; có bút phê của Giám đốc Công an tỉnh Lê Minh Quang “giao PA92 (Cơ quan ANĐT - NV) thụ lý điều tra”. Theo một luật sư, bút phê này là hoàn toàn không hợp lệ, hợp pháp. LS cho biết, theo quy định tố tụng, lẽ ra Giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng phải ra Quyết định phân công thụ lý, điều tra vụ án bằng văn bản có chữ ký, con dấu; chứ không được “bút phê” như vậy.