Hơn 500 hộ dân ở miền núi Quảng Nam bị cô lập vì sạt lở, nước lũ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hàng trăm hộ dân ở 2 xã vùng cao của tỉnh Quảng Nam đang bị cô lập, giao thông bị chia cắt do sạt lở, nước lũ bủa vây.
Con đường độc đạo từ trung tâm xã Trà Bui vào các thôn 3, 4, 5, 6 bị chia cắt hoàn toàn.
Con đường độc đạo từ trung tâm xã Trà Bui vào các thôn 3, 4, 5, 6 bị chia cắt hoàn toàn.

Ngày 17/11, ông Lê Cường, Chủ tịch UBND xã Trà Bui, huyện Bắc Trà My cho biết, mưa lớn diễn biến phức tạp khiến tuyến đường độc đạo ĐH8 dẫn vào trung tâm xã bị sạt lở nghiêm trọng, giao thông bị ách tắc hoàn toàn.

Theo đó, trên tuyến ĐH8 có đến 10 điểm sạt lở với khối lượng đất đá rất lớn. Hiện có hơn 500 hộ dân của thôn 3, 4, 5, 6 của xã Trà Bui đã bị cô lập hoàn toàn, nhiều nơi mất điện do đường bị sạt lở nghiêm trọng. Lực lượng chức năng đang huy động phương tiện cơ giới khắc phục thông tuyến, nhưng vẫn chưa thể tiếp cận được khu vực bị cô lập.

Sạt lở nghiêm trọng đường đoạn qua thôn 3 xã Trà Bui.

Sạt lở nghiêm trọng đường đoạn qua thôn 3 xã Trà Bui.

Theo ông Cường, tuyến ĐH8 là con đường độc đạo dẫn vào xã nên khi bị sạt lở, xe cộ không thể lưu thông, mà chỉ có thể đi bộ hoặc dùng thuyền di chuyển trên lòng hồ thủy điện sông Tranh 2 để tiếp cận khu vực cô lập. Tuy nhiên, cấp trên không đồng ý sử dụng thuyền vì lo ngại nguy hiểm khi nước lũ tràn về.

Tại nóc Sơ Rơ xuất hiện nhiều điểm sạt lở, đáng lo ngại là tại đây có 147 hộ dân nằm trong khu vực bị cô lập hoàn toàn.

“Hiện chưa tiếp cận được hiện trường nên chính quyền địa phương đã huy động các lực lượng theo phương châm “bốn tại chỗ” để hỗ trợ người dân. Thông tin liên lạc vẫn thông suốt, chưa có thiệt hại về người và tài sản nhưng để đảm bảo an toàn, chúng tôi đang tính toán đề xuất cấp trên tạo điều kiện cho lưu thông từ 1 đến 2 chiếc thuyền để cung cấp thức ăn cho bà con hàng ngày và chở người dân đi khám chữa bệnh. Khi nào tuyến đường khắc phục xong thì dừng lưu thông bằng thuyền”, ông Cường nói.

Lực lượng chức năng nỗ lực thông tuyến những đoạn bị sạt lở núi, chia cắt.

Lực lượng chức năng nỗ lực thông tuyến những đoạn bị sạt lở núi, chia cắt.

Tính đến tối 16/11, toàn huyện Bắc Trà My có hơn 20 điểm sạt lở, đã xuất hiện tình trạng sạt lở núi, gây ách tắc giao thông nhiều điểm trên tuyến Đông Trường Sơn, quốc lộ 24C và đường liên thôn, liên xã của Bắc Trà My.

Mưa lớn cũng đã làm hơn 1.000m3 đất, đá đổ xuống đường, gây ách tắc giao thông cục bộ, bồi lấp 1,5ha ruộng, sập 1 cầu, 2 mố cầu hư hỏng nặng (tại Trà Sơn và Trà Nú), sạt lở 1 công trình kè taluy đang thi công và trôi 1 xe máy tại Trà Đông.

Huyện Bắc Trà My đã triển khai nhanh các phương án sơ tán 1.100 hộ với 3.790 khẩu ở khu vực nguy cơ rất cao và nguy cơ cao về sạt lở đất, rà soát tại 22 vị trí có khả năng nước dâng cao gây ngập.

Trong khi đó, tại mưa lớn kéo dài nhiều ngày qua khiến tuyến đường ĐH1 đi xã Trà Dơn, Trà Leng (huyện Nam Trà My) xuất hiện nhiều điểm sạt lở.

Người dân xã Trà Leng liều mình đi qua suối để về nhà.

Người dân xã Trà Leng liều mình đi qua suối để về nhà.

Đáng lo ngại, có khoảng 30 hộ dân tại làng Ông Lục (thôn 1, xã Trà Leng) đang bị cô lập do cầu bê tông qua 2 dòng suối ở 2 đầu làng đang thi công dang dở, trong khi đơn vị thi công chưa có phương án lưu thông và đảm bảo an toàn cho người dân đi lại vào mùa mưa lũ.

Để ra vào làng Ông Lục, nhiều người dân phải liều mình đi trên những khúc gỗ cũ để băng qua dòng nước lũ, hoặc nhảy trên các tảng đá lớn, rất nguy hiểm.

Tuyến ĐH1 đoạn qua suối ông Giàu bị đứt gãy do lũ.

Tuyến ĐH1 đoạn qua suối ông Giàu bị đứt gãy do lũ.

Ông Phan Quốc Cường, Chủ tịch UBND xã Trà Leng cho biết, lượng nước đổ về nhiều đã gây xói lở tuyến đường công vụ đi qua 2 con suối. Lãnh đạo huyện đã đến hiện trường nắm tình hình, đồng thời chỉ đạo đơn vị thi công khẩn trương làm cầu tạm cho người dân qua lại và có phương án đảm bảo an toàn cho người dân.

Xã Trà Leng là nơi xảy ra thảm họa sạt lở núi đã xảy ra tại làng Ông Đề vào cuối tháng 10/2020 khiến hàng chục người chết và mất tích.

Đọc thêm