Hơn 90% khoản nợ xấu tại ngân hàng có tài sản bảo đảm

(PLO) - Một trong những khó khăn, vướng mắc của quá trình giải quyết nợ xấu chính là việc xử lý các tài sản bảo đảm. Do hành lang pháp lý chưa thông thoáng nên các tổ chức tín dụng rất khó thực hiện xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ. 
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh chỉ đạo tại hội thảo. (Nguồn: Ngân hàng Nhà nước)
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh chỉ đạo tại hội thảo. (Nguồn: Ngân hàng Nhà nước)

Đó là nhận định của các chuyên gia kinh tế và đại biểu tại hội thảo “Quyền xử lý tài sản bảo đảm” do Ngân hàng Nhà nước tổ chức ngày 6/12 tại Hà Nội.

Vướng mắc trong xử lý tài sản đảm bảo

Tỷ lệ nợ xấu có bảo đảm bằng tài sản bảo đảm chiếm trên 90% tổng nợ xấu. Tuy nhiên, khâu xử lý tài sản bảo đảm của các tổ chức tín dụng gặp nhiều vướng mắc đã tác động đến tốc độ xử lý nợ xấu. Các đại biểu cho rằng, thực tế vẫn còn thiếu các quy định pháp luật, nhiều quy định về xử lý tài sản bảo đảm không phù hợp, không đồng bộ, mâu thuẫn. Thực tiễn áp dụng và thực thi các quy định pháp luật chưa đúng của cơ quan liên quan thi hành pháp luật gây khó khăn và ảnh hưởng lớn đến quá trình xử lý tài sản bảo đảm.

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh, ngoài các giải pháp bán nợ, cơ cấu lại khoản nợ gắn với cơ cấu lại doanh nghiệp… xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ là giải pháp quan trọng nhất để đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu vì hơn 90% khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm. Tuy nhiên, biện pháp xử lý tài sản bảo đảm (bán, phát mại) thu hồi nợ chưa được thực hiện hiệu quả chỉ đạt khoảng 13.910 tỷ đồng, cho thấy việc xử lý tài sản bảo đảm thu hồi nợ còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Dưới góc nhìn kinh tế, chuyên gia kinh tế, tiến sỹ Vũ Đình Ánh cho rằng, bản chất kinh tế của quyền xử lý tài sản bảo đảm tại ngân hàng thương mại là quyền đối với tài sản bảo đảm nhằm bù đắp thiệt hại do nợ xấu gây ra.

Cũng theo ông Ánh, những quy định pháp lý mang tính đặc thù về quyền và chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với đất đai nói riêng, bất động sản nói chung cũng như hệ thống quy định pháp lý liên quan đến nghĩa vụ hợp đồng, xử lý vi phạm hợp đồng còn hạn chế, chưa chặt chẽ, thiếu sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng có liên quan trong thực thi quyền xử lý tài sản bảo đảm hợp pháp của tổ chức tín dụng khiến việc xử lý tài sản bảo đảm của tổ chức tín dụng gặp không ít khó khăn.

Chia sẻ kinh nghiệm thực tế trong quá trình thu hồi nợ và xử lý các tài sản đảm bảo, bà Bùi Như Ý, Phó Tổng giám đốc VietinBank cũng thừa nhận rằng, vướng mắc xuất phát từ việc thực thi pháp luật. Ví dụ như, một số địa phương yêu cầu chủ đầu tư phải có văn bản giải chấp đối với quyền sử dụng đất thuộc dự án thì mới thực hiện đăng ký thế chấp đối với nhà ở hình thành trong tương lai cho khách hàng mua nhà ở của chủ đầu tư. 

Cũng theo Phó Tổng giám đốc VietinBank, việc nhận thế chấp nhà ở cũng có vướng mắc xuất phát từ quy định pháp luật chưa phù hợp như: Theo quy định của Luật Nhà ở thì chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở được thế chấp dự án hoặc nhà ở hình thành trong dự án tại tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam để vay vốn cho việc đầu tư dự án hoặc xây dựng nhà ở đó. Tuy nhiên, trên thực tế, chủ đầu tư có nhu cầu thế chấp quyền sử dụng đất trong dự án đầu tư nhà ở để vay vốn phục vụ nhu cầu đầu tư xây dựng dự án khác trong khi nhu cầu này là hợp lý.

“Những vướng mắc nêu trên gây nhiều khó khăn cho các tổ chức tín dụng trong quá trình nhận thế chấp và xử lý tài sản bảo đảm là nhà ở, làm tiến độ, thời gian xử lý tài sản bảo đảm bị kéo dài,” bà Ý nhấn mạnh.

Bất động sản được đem ra làm tài sản đảm bảo nhiều nhất. Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Bất động sản được đem ra làm tài sản đảm bảo nhiều nhất. Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Công tác thu hồi nợ khó khăn

Tại hội thảo, các ngân hàng thương mại cho rằng, do những quy định pháp luật chưa chặt chẽ nên nhiều “con nợ” của các ngân hàng thương mại bỗng chốc biến thành “chủ nợ”, nhất quyết không rời các tài sản bảo đảm khiến cho việc thi hành, cưỡng chế thu hồi nợ của nhiều ngân hàng gặp không ít khó khăn. 

Ông Thiệu Ánh Dương, Tổng giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên quản lý nợ và khai thác tài sản của Techcombank chia sẻ, công tác xử lý nợ xấu chưa đạt được hiệu quả mong muốn một phần do các tổ chức tín dụng vẫn đang gặp khá nhiều khó khăn trong công tác thu giữ tài sản đảm bảo.

Cụ thể, việc xử lý nợ bị chậm hoặc bị trì hoãn do thủ tục kiện tụng và thi hành án phức tạp, kéo dài. Vì vậy, nhiều khách hàng muốn trì hoãn việc trả nợ đã “vận dụng thủ tục” này để yêu cầu Ngân hàng phải giải quyết tranh chấp thông qua tòa án để trì hoãn việc xử lý tài sản bảo đảm của tổ chức tín dụng. 

Ông Dương dẫn chứng, tháng 10/2016, Techcombank đã tiến hành thu giữ một tài sản bảo đảm tại Hà Nội của khách hàng đã có nợ quá hạn hơn 2.000 ngày. Mặc dù ngân hàng đã làm đầy đủ các thủ tục nhưng khi tiến hành thực hiện thu giữ đã vấp phải sự chống đối quyết liệt từ chủ tài sản và không được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương.

Trường hợp gần đây nhất là của VPBank trong việc thu giữ tài sản bảo đảm tại số 5 Điện Biên Phủ - Hà Nội cũng là ví dụ điển hình cho việc khó khăn trong thu hồi nợ thông qua xử lý tài sản bảo đảm. Mặc dù Công ty ATS đã ký các biên bản bàn giao tài sản đã gán nợ cho VPBank theo quy định pháp luật và bất động sản tại số 5 Điện Biên Phủ đã được đăng ký sang tên cho VPBank vào ngày 24/8/2016 nhưng trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm vẫn gặp những trở ngại từ phía bên vay nợ.

Ông Nguyễn Thành Long, Phó Tổng giám đốc VPBank cho hay, quá trình xử lý tài sản bảo đảm của các ngân hàng thương mại thực sự gặp rất nhiều khó khăn bởi sự không hợp tác của khách hàng.

“Chúng tôi mất rất nhiều năm không thu được một đồng nợ lãi và gốc nào, ngay cả khi phải đưa ra tòa, có bản án của tòa, có biên bản bàn giao thì công ty vẫn vi phạm thỏa thuận, đi ngược phán quyết của tòa. Thậm chí sau đó có công văn của tòa cấp cao khẳng định không đủ cơ sở để xem xét lại vụ việc, trên cơ sở đó chúng tôi đã được Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội sang tên tài sản thì công ty vẫn tiếp tục kiện cáo và xuyên tạc sự việc," ông Long chia sẻ.

Từ những thực tế đang diễn ra, các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính và các ngân hàng thương mại cho rằng, việc xử lý hiệu quả tài sản bảo đảm đòi hỏi phải có hệ thống pháp luật được xây dựng một cách đồng bộ, minh bạch, tạo lập được khuôn khổ pháp lý cho các bên liên quan, đặc biệt là chủ nợ thực thi được quyền hợp pháp của mình theo thỏa thuận./.

Đọc thêm