Hồng Hạnh là con gái của đôi song ca lừng danh thập niên 1950 - Nguyễn Hữu Thiết và Ngọc Cẩm. Từ năm 16 tuổi, Hồng Hạnh bắt đầu đi hát và trở thành một trong ca sĩ hàng đầu của dòng nhạc nhẹ, chiếm lĩnh nhiều sân khấu ca nhạc TP HCM thập niên 80-90.
Đặc biệt, nữ ca sĩ từng được cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đi tìm suốt nhiều tháng ngày ở các tụ điểm để kế thừa ca sĩ Khánh Ly. Sau đó, ca sĩ Hồng Hạnh được cố nhạc sĩ ưu ái làm album “Này em có nhớ”.
Thời điểm nữ ca sĩ gắn bó với Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP HCM, Hồng Hạnh được đi lưu diễn các nước Đông Nam Á và châu Á. Trong một lần lưu diễn ở Nhật, nữ ca sĩ bén duyên với người chồng xứ sở Phù Tang. Sau đó, cô có khoảng thời gian sống và biểu diễn nghệ thuật tại xứ sở hoa anh đào.
Tuy nhiên, theo Hồng Hạnh, để đưa âm nhạc Việt Nam vươn ra thế giới, phải làm từng bước một. Lấy ví dụ từ chính bản thân, Hồng Hạnh chia sẻ thời điểm nữ ca sĩ ra mắt album “Diễm xưa phiên bản tiếng Nhật là “Utsukushii Mukashi thì đã có nhiều người Việt sang Nhật hoạt động nhưng không được hiệu quả”.
“Trước khi tôi biết đến nhạc Nhật, tôi từng nghe chị Khánh Ly hát nguyên album có bài “Diễm xưa”, “Ướt mi” bằng tiếng Nhật và chị Khánh Ly là người đem một số bài qua Nhật. Khi tìm trên YouTube thì tôi thấy người Nhật đã hòa tấu những bài nhạc Việt Nam, nhất là nhạc Trịnh Công Sơn.
Vì lúc sinh thời, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn quen biết rất nhiều người Nhật, trong đó có cô viết lời bài hát “Diễm xưa” sang tiếng Nhật là “Utsukushii Mukashi”. Tôi rất thích bài đó nên tôi lấy bài “Diễm xưa” và ghi trên bìa tên “Utsukushii Mukashi” để tặng các đối tác Nhật Bản” - cô kể.
|
Theo ca sĩ Hồng Hạnh, để đưa âm nhạc Việt Nam vươn ra thế giới, phải làm từng bước một. Ảnh: NSX |
Nhưng đến khi Hồng Hạnh được mời sang Nhật để biểu diễn vào ngày 14/2/2014, cô mới được một người Nhật nhận xét về lỗi lớn mà cô vô tình mắc phải.
“Có một người đàn ông Nhật nói với tôi rằng các bạn có một lỗi rất lớn, là khi họ nghe bài “Diễm xưa” cứ ngỡ là mỹ từ mà không biết đó là tên một cô gái. Có nghĩa khi mình hát một ca khúc thì phải cắt nghĩa cho khán giả biết về nguồn gốc bài hát. Chạm đến trái tim khán giả Nhật Bản cũng là cả một nghệ thuật”.
Theo cô, để hoạt động nghệ thuật ở nước ngoài cần có sự hỗ trợ từ nhiều người, bao gồm nhạc sĩ sáng tác giai điệu phù hợp với thị trường. Ngoài ra, để “xuất khẩu” âm nhạc sang Nhật cũng rất khó vì chi phí ở đất nước mặt trời mọc rất đắt đỏ, thậm chí phải thu âm ngay tại nơi này để phù hợp với tần số ở nước sở tại.
“Có nhiều người khuyên tôi nếu muốn nhắm đến thị trường Nhật Bản thì nên sang đây lúc nhỏ. Tương tự nền âm nhạc ở Hàn Quốc, muốn trở thành thần tượng thì phải đào tạo từ lúc nhỏ” - Hồng Hạnh bày tỏ.
Cũng theo nữ ca sĩ, muốn “xuất khẩu” âm nhạc thì cần phải có chiến lược chứ không chỉ dựa vào một vài tài năng hay chỉ qua vài chuyến lưu diễn. “Thậm chí bây giờ có mời Đông Nhi hay Hồ Ngọc Hà cũng chỉ qua đó hát rồi về” - cô thẳng thắn.