Họp báo Bộ LĐ-TB&XH: "Nóng” vấn đề bảo hiểm xã hội

(PLVN) -Thời gian gần đây, tình trạng người lao động (NLĐ) ồ ạt rút BHXH một lần đã thu hút sự chú ý của dư luận bởi đây tuy là giải pháp tình thế, song lại để lại hệ lụy lâu dài cho bản thân NLĐ. Vấn đề này đã rất được quan tâm tại cuộc họp báo thông tin kết quả thực hiện công tác lao động, người có công và xã hội 9 tháng đầu năm 2023 ngày 17/10 của Bộ LĐ-TB&XH

Hai phương án hưởng BHXH một lần

Tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Duy Cường – Phó Vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, theo thống kê từ năm 2016-2022 có gần 5 triệu người hưởng BHXH một lần, trong đó 70% có thời gian tham gia bảo hiểm ngắn (dưới 5 năm), 99% ở trong độ tuổi từ 20-40 (độ tuổi lao động). Theo ông Cường điều này cho thấy việc NLĐ rút BHXH một lần tuy là giải pháp tình thế, song lại để lại hệ lụy lâu dài cho bản thân NLĐ vì họ sẽ rất thiệt thòi khi rời khỏi hệ thống an sinh này.

Nghị quyết số 28-NQ/TW đặt ra yêu cầu: “Có quy định phù hợp để giảm tình trạng hưởng BHXH một lần theo hướng tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia BHXH để hưởng chế độ hưu trí, giảm quyền lợi nếu hưởng BHXH một lần”.

Ông Nguyễn Duy Cường – Phó Vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ LĐ-TB&XH trả lời câu hỏi của phóng viên tại cuộc họp báo thông tin kết quả thực hiện công tác lao động, người có công và xã hội 9 tháng đầu năm 2023 ngày 17/10 của Bộ LĐ-TB&XH. Ảnh: Nguyễn Văn

Thông tin từ Bộ LĐ-TB&XH trong cuộc họp báo cho biết, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã có nhiều sửa đổi bổ sung theo hướng gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn khuyến khích NLĐ bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu sau này thay vì nhận BHXH một lần.

Theo ông Nguyễn Duy Cường, về quy định hưởng BHXH một lần, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đề xuất 02 phương án, mỗi phương án đều có ưu và nhược riêng, tuy nhiên mục tiêu cốt yếu hướng tới là giảm tình trạng hưởng BHXH một lần, giúp NLĐ thụ hưởng tối đa các quyền lợi dài hạn khi họ đến tuổi hưu.

Trả lời câu hỏi của phóng viên tại cuộc họp báo về vấn đề Sở LĐTBXH TP.HCM trước tình trạng chây ỳ, trốn đóng BHXH của doanh nghiệp, đã đề xuất để cho phép NLĐ tự đóng BHXH của mình (8% dựa trên tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc) thay vì để doanh nghiệp làm, ông Nguyễn Duy Cường –nêu quan điểm đề xuất này cần được xem xét, đánh giá cặn kẽ vì hiện nay cơ quan BHXH quản đầu mối doanh nghiệp để thu bảo hiểm, nếu cho phép NLĐ tự đóng BHXH của mình thì số đầu mối này sẽ tăng lên rất nhiều (17,6 triệu NLĐ đang tham gia đóng BHXH) gây khó cho công tác quản lý, điều hành.

Thời gian đóng BHXH tối thiểu giảm từ 20 xuống 15 năm

Một trong những nội dung sửa đổi của dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) cũng rất được quan tâm tại buổi họp báo là quy định giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm nhằm gia tăng số người được hưởng lương hưu.

Lãnh đạo Vụ BHXH, nguyên lý của BHXH và thông lệ quốc tế cho thấy, NLĐ để được hưởng lương hưu thì phải đáp ứng đồng thời hai điều kiện là đủ tuổi nghỉ hưu và đủ thời gian đóng BHXH tối thiểu. Riêng điều kiện về thời gian đóng BHXH tối thiểu, theo quy định của Luật BHXH hiện hành là phải đủ 20 năm đóng BHXH. Quy định như hiện hành đã và đang gây khó khăn, giảm cơ hội được hưởng lương hưu của một số đối tượng do không đóng đủ BHXH đủ 20 năm.

Do vậy, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã sửa đổi theo hướng quy định NLĐ khi đủ tuổi nghỉ hưu mà có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm trở lên thì được hưởng lương hưu hàng tháng. Quy định này nhằm tạo cơ hội cho một số nhóm đối tượng bắt đầu tham gia BHXH muộn (45-47 tuổi mới bắt đầu tham gia) hoặc tham gia không liên tục, hoặc làm công việc đặc thù có thời gian làm nghề ngắn dẫn đến khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng BHXH, có cơ hội được hưởng lương hưu hàng tháng và được bảo đảm BHYT. Quy định này cũng góp phần giảm số người hưởng BHXH một lần do đủ điều kiện hưởng lương hưu, theo ông Cường.

Theo thông tin từ Vụ BHXH, Bộ LĐ-TB&XH, thống kê cho thấy năm 2022 tổng số người tham gia BHXH là 17,6 triệu người, trong đó số lao động nữ là 9,098 triệu người, chiếm 51,94% tổng số người tham gia BHXH. Lao động nữ trong độ tuổi từ 15 – 40 tuổi chiếm 85% tổng số lao động nữ tham gia BHXH.

Trong lần sửa đổi này, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện. Dự thảo quy định NLĐ khi tham gia BHXH tự nguyện (bao gồm cả lao động nữ và nam) khi sinh con nếu đáp ứng đủ điều kiện thì được hưởng chế độ trợ cấp thai sản do ngân sách Nhà nước đảm bảo. Việc bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện không những làm tăng tính hấp dẫn của chính sách BHXH tự nguyện, thu hút người dân (đặc biệt là nhóm lao động trẻ tuổi) tham gia BHXH tự nguyện, mà còn đảm bảm vấn đề bình đẳng giới trong quá trình xây dựng pháp luật về BHXH.

Cũng liên quan đến vấn đề này, cùng ngày, Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã tổ chức Hội nghị phản biện xã hội Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) dưới góc độ bình đẳng giới (BĐG). Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam bà Hà Thị Nga nhấn mạnh, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) có nhiều quy định sửa đổi, bổ sung nhằm cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu của Nghị quyết 28-NQ/TW, đây chính là cơ hội để thúc đẩy BĐG trong lĩnh vực an sinh xã hội.

Theo các đại biểu, vấn đề BĐG được thể hiện trong nhiều điều, khoản trong dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), nhưng vẫn còn những nội dung cần xem xét đảm bảo BĐG để dự thảo hoàn thiện hơn. Theo ông Đặng Như Lợi nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Quốc hội, về trợ cấp hưu trí xã hội, tuổi nghỉ hưu của nam và nữ (bắt buộc và tự nguyện) khác nhau 3 – 5 năm, vì sao trợ cấp hưu trí xã hội lại quy định tuổi bằng nhau (75 tuổi trở lên). Về điều kiện hưởng chế độ thai sản, vì sao đối với lao động nam tham gia BHXH có vợ sinh con không quy định thời gian đóng BHXH trong khi lao động nữ lại quy định thời gian đóng...

Đọc thêm