Nghề truyền thống gia đình
Hủ tiếu là món ăn truyền thống của người Hoa du nhập vào Nam Bộ từ thế kỷ 17 và được người dân Mỹ Tho cải biến theo khẩu vị địa phương. Những năm thập niên 1960, Mỹ Tho bắt đầu có nhiều quán hủ tiếu nổi tiếng như: Nam Sơn, Hưng Ký, Phát Ký, Oai Ký, Quần Ký... Ngày nay, phần lớn các chủ quán này đã “lui về ở ẩn” do cao tuổi nhưng vẫn lưu truyền hương vị ngọt ngào, đặc trưng của hủ tiếu lại cho con cháu.
|
Lượng khách đông đúc tại quán hủ tiếu Tuyết Ngân. Ảnh: Anh Như |
Hủ tiếu Mỹ Tho có sợi bánh trắng trong, cọng nhỏ được làm từ gạo, khi trụng vào nước sôi có độ khô dai, mềm nhưng không bở. Nước hủ tiếu nấu bằng xương ống heo, ít mực khô nướng, tôm khô, củ cải trắng, nước lèo trong vắt màu vàng nhạt, ngọt lịm. Món ăn cùng được ví như là một “thiên đường” của sự lựa chọn.
Có người thích hủ tiếu hải sản, có khi lại là hủ tiếu xương hoặc cơ bản nhất là hủ tiếu thịt kèm tim, gan, lòng, trứng cút… Rau ăn kèm đa dạng từ hẹ, xà lách, giá sống…cùng với một ít hành phi và tiêu, chanh, ớt tùy khẩu vị. Chúng ta sẽ có một tô hủ tiếu thơm ngon theo đúng điệu.
Vào tháng 12/2008, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận bảo hộ độc quyền cho thương hiệu “Hủ tiếu Mỹ Tho”. Tháng 6/2009, đặc sản hủ tiếu Mỹ Tho có thương hiệu trên 50 năm, tiếp tục được cấp giấy chứng nhận “Thương hiệu Việt” và “Giải vàng thương hiệu thực phẩm chất lượng an toàn Việt Nam năm 2009”.
Đến tháng 7/2013, làng nghề hủ tiếu Mỹ Tho được nhận giải thưởng “Cúp Vàng dấu hiệu chứng nhận sản phẩm đạt chất lượng vàng của Thương hiệu Việt hội nhập WTO năm 2013” cho sản phẩm hủ tiếu. Cuối tháng 3/2014, Tổ chức Kỷ lục châu Á đã trao cúp và chứng nhận “Hủ tiếu Mỹ Tho là món ăn đạt giá trị ẩm thực châu Á năm 2013” cho UBND tỉnh Tiền Giang.
|
Quán hủ tiếu Cô Dung gần 20 năm tuổi. Ảnh: Kim Ngân |
Từ đó hủ tiếu Mỹ Tho trở thành món ăn đặc sản được công nhận vào top 100 món ẩm thực châu Á và top 10 món ăn đặc sản Việt Nam lần 2 năm 2024.
Đi khắp các con đường trên TP Mỹ Tho, đâu đâu ta cũng dễ dàng bắt gặp các quán hủ tiếu với lượng thực khách tấp nập. Nổi tiếng, hiện nay có khoảng 10 quán nấu hủ tiếu ngon mà lục tỉnh Nam kỳ ai ai cũng biết đến như: Hủ tiếu Sáu Sen (đường Trần Hưng Đạo), Tuyết Ngân (đường Ấp Bắc), Quần Ký (đường Ngô Quyền), 43 (đường Ấp Bắc), Tư Lùn (đường Nguyễn Trung Trực), Cô Dung (đường Hùng Vương)...
Nhiều quán hủ tiếu có tuổi đời vài mươi năm, trải qua nhiều thế hệ “cha truyền con nối”, trở thành nghề truyền thống của gia đình mà con cháu tự cảm thấy phải có trách nhiệm lưu truyền.
|
Quán hủ tiếu 43 với hơn 40 năm tuổi. Ảnh: Anh Như |
Là chủ quán hủ tiếu 43 nổi danh tại TP Mỹ Tho hơn 40 năm, anh Đoàn Đình Liêm cho biết: “Mặc dù công việc của tôi ở TP HCM đang phát triển rất tốt nhưng khoảng 2 năm trước mẹ tôi sức khỏe yếu dần. Vì muốn gìn giữ nghề truyền thống gia đình nên tôi đã cân đối công việc về phụ kinh doanh quán hủ tiếu này.”
Cô Phạm Thị Kim Dung, chủ quán hủ tiếu Cô Dung chia sẻ: “Cô bán hủ tiếu đến nay đã gần 20 năm, món chủ đạo được khách ưa thích nhất quán cô là hủ tiếu hải sản. Trước đây, quán ở đường Nguyễn Huệ (phường 7) nay dời về đường Hùng Vương (phường 7). Cô nay đã lớn tuổi, quán này cô dự định sẽ để lại cho con gái để tiếp tục nối nghiệp".
|
Gặp gỡ thực khách dùng hủ tiếu tại quán hủ tiếu Tuyết Ngân. Ảnh: Anh Như |
Gặp gỡ một thực khách tại quán hủ tiếu Tuyết Ngân, anh Nguyễn Thanh Dũng (ngụ Phường 9, TP Mỹ Tho hào hứng chia sẻ: “Tôi sinh ra và lớn lên tại TP Mỹ Tho. Hủ tiếu là món ăn phổ biến đối với hầu hết người dân tại đây. Trong rất nhiều quán hủ tiếu tôi ăn, tôi thấy quán hủ tiếu Tuyết Ngân là hợp khẩu vị với tôi nhất. Không chỉ vậy, quán này còn là địa chỉ quen thuộc của rất nhiều thực khách từ TPHCM và các tỉnh lân cận”.
Định hướng phát triển du lịch gắn với ẩm thực
TP Mỹ Tho là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Tiền Giang. “Mỹ Tho đại phố” với nhiều di tích lịch sử, văn hóa, tâm linh thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan, du lịch, nghỉ mát như: Cồn Thới Sơn, chùa Vĩnh Tràng, làng nghề bún, hủ tiếu Mỹ Phong, các khu du lịch sinh thái, vườn hoa, di tích chiến thắng lịch sử Rạch Gầm - Xoài Mút, di tích Chiến thắng Ấp Bắc…
|
Phơi bánh hủ tiếu tại cơ sở sản xuất bánh hủ tiếu Ba Thuận. Ảnh: Anh Như |
Trong đó, điểm du lịch cồn Thới Sơn với mô hình du lịch sinh thái vườn cây xanh bóng mát, tham quan vườn trái cây nặng trĩu quả, trải nghiệm làm kẹo dừa, nghe đờn ca tài tử, được ngồi xe ngựa chạy trên đường quê, bơi xuồng ba lá dưới kênh rạch len lỏi qua từng con rạch, mái nhà bình yên mang vẻ đẹp đậm chất miền tây sông nước.
Để tận dụng tối đa các tiềm năng vốn có về du lịch, Tiền Giang cần đổi mới sản phẩm phục vụ mang nét độc đáo riêng của địa phương. Bên cạnh đó, tỉnh chú trọng khai thác có hiệu quả những giá trị văn hóa ẩm thực, liên kết chuỗi giá trị du lịch ẩm thực tạo sự khác biệt giữa các tỉnh ĐBSCL để thu hút đông đảo du khách.
|
“Thu hoạch” hủ tiếu tại cơ sở sản xuất bánh hủ tiếu Ba Thuận. Ảnh: Anh Như |
Bên cạnh đặc sản hủ tiếu nổi tiếng lâu đời, TP Mỹ tho còn hướng về các món ăn có từ xưa: bánh xèo, bánh khọt, cá lóc nướng… và các món đặc sản tại địa phương. Có thể thấy, ngoài chương trình tour sông nước cũng cần kết nối với ẩm thực để ngày càng thu hút nhiều khách đến với Mỹ Tho nói riêng và Tiền Giang nói chung.
Ngoài ra, theo các nhà khoa học, nhà nghiên cứu về du lịch, ẩm thực, văn hóa, Mỹ Tho cũng có thể đem hoạt động sinh kế của người dân lên thành sản phẩm du lịch, đưa du khách xem đom đóm vào ban đêm tại du lịch cồn Thới Sơn.
|
Nhiều loại “topping” cho thực khách lựa chọn. Ảnh: Anh Như |
Trao đổi với PLVN, ông Đặng Hữu Lộc - Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin TP Mỹ Tho cho biết, sắp tới TP Mỹ Tho sẽ hình thành tuyến phố đi bộ dọc công viên Tết Mậu Thân và khoảng tháng 12/2024 sẽ tổ chức lễ hội hủ tiếu Mỹ Tho.
Không chỉ riêng du khách mà người dân địa phương cũng rất hào hứng về thông tin này. Bởi lễ hội hủ tiếu Mỹ Tho không những đem đến trải nghiệm thưởng thức hương vị riêng của bánh hủ tiếu Mỹ Tho so với các bánh hủ tiếu khác mà còn khẳng định ẩm thực nổi tiếng Châu Á, top 10 đặc sản Việt Nam.