Huế “nói không” với hành vi phản văn hóa nơi công cộng

(PLVN) - Nhận thức của người dân về môi trường tại Thừa Thiên - Huế đang ngày càng thay đổi tích cực nhờ sự lan tỏa mạnh mẽ phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”. Ngoài ra, địa phương này còn có nhiều giải pháp để xử lý quyết liệt những hành vi phản văn hóa nơi công cộng như nạn xả rác thải, dán tờ rơi, “tè” bậy…
Những hình ảnh được truyền về Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh Thừa Thiên - Huế.
Những hình ảnh được truyền về Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh Thừa Thiên - Huế.

Phạt nguội xả rác, “tè” bậy

Gần đây, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ có thư ngỏ gửi nhân dân địa phương: “Nhặt một cọng rác, bạn đã làm Huế sạch hơn. Bạn cùng tôi hãy hành động để hun đúc khát vọng Huế, để Huế mãi là nguồn cảm hứng, niềm tự hào của tôi, của bạn và của mỗi người dù chưa một lần đến Huế”.

Sau 8 tháng thực hiện đề án “Ngày Chủ nhật xanh”, “Hãy hành động để Thừa Thiên - Huế thêm Xanh - Sạch – Sáng”, bên cạnh những kết quả đạt được trở thành điểm sáng để nhiều địa phương học hỏi thì vẫn còn những tồn tại cần giải quyết.

Đó là tình trạng rác thải trên đường phố, công viên không bỏ đúng nơi quy định. Tình trạng rải vàng mã ở nơi công cộng, rải xuống các dòng sông, kênh rạch, ao hồ vẫn còn phổ biến. Hành vi đổ trộm chất thải xây dựng làm ảnh hưởng cảnh quan, môi trường, an toàn giao thông, gây nhiều bức xúc trong nhân dân…

Cùng với công tác tuyên truyền, vận động làm thay đổi ý thức của người dân, tỉnh này đang có nhiều giải pháp để xử lý nghiêm những hành vi phản văn hóa nơi công cộng. Ngoài việc xử phạt vi phạm hành chính, hình ảnh vi phạm sẽ được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông, mạng xã hội, bảng thông tin tổ dân phố nơi xảy ra vi phạm, thông tin phản ánh được công khai lên cổng thông tin tương tác (tuongtac.thuathienhue.gov.vn) của TT ĐHGSĐTTM... để tuyên truyền , giáo dục nâng cao ý thức của cộng đồng.

Trên cơ sở đó, từ ngày 1/7/2019, cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đưa ra xử phạt một số hành vi phản văn hóa nơi công cộng. Cụ thể, phạt từ 15 triệu đến 20 triệu với hành vi treo, dựng, đặt, gắn biển hiệu lấn ra vỉa hè, lòng đường, ảnh hưởng đến giao thông công cộng. Xử phạt việc vứt, thải, bỏ đầu, mẩu và tàn thuốc lá không đúng nơi quy định (tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng - PV) (phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng).

Hành vi tiểu tiện, đại tiện không đúng nơi quy định (phạt từ 1 triệu đến 3 triệu đồng). Vứt, thải, bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định (phạt từ 3 triệu đến 5 triệu đồng). Mức tiền xử phạt vi phạm hành chính đối với các tổ chức sẽ gấp đôi mức tiền xử phạt vi phạm cùng hành vi của cá nhân.

Theo chỉ đạo của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, việc xử phạt không chỉ căn cứ vào phát hiện trực tiếp hành vi vi phạm mà còn được tiến hành xử phạt “nguội” qua các hình ảnh ghi lại tại hiện trường.

Lắp camera giám sát

 Việc xử phạt các hành vi trên thì phải cần đến “Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh”, nơi đây với 49 người đang làm việc nhưng lại được xem là “mắt thần” giám sát mọi hoạt động tại địa phương này.

Những người có hành vi phản văn hóa nơi công cộng sẽ bị người dân ghi nhận phản ảnh về Trung tâm hoặc do hệ thống ghi nhận hình ảnh của Trung tâm này quản lý lưu lại. Sau đó, Trung tâm sẽ chuyển những phản ánh trên cho cơ quan chức năng có liên quan giải quyết. Trường hợp người vi phạm vẫn chưa công nhận hành vi vi phạm, hồ sơ vụ việc sẽ được chuyển cho Phòng Cảnh sát môi trường của Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế và Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục xem xét xử lý.

Ông Nguyễn Xuân Sơn - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thừa Thiên - Huế cho hay, để thực hiện những việc trên theo số liệu mới nhất, hiện nay có 60 camera đang hoạt động, có 102 camera đang lắp đặt và có 340 camera cơ sở đang được kết nối, nó góp phần vào việc giám sát, xử lý các vụ việc về an ninh trật tự, vệ sinh môi trường. Trong quy hoạch, tại TP Huế sẽ có khoảng 1.000 - 1.200 camera để giám sát, điều hành. Những hành vi phản văn hóa nơi công cộng của người dân khó có thể qua được “mắt thần” này.

Còn ông Nguyễn Dương Anh (Giám đốc Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh Thừa Thiên - Huế) cho biết, mới đây Trung tâm vừa đoạt giải “Dự án Thành phố thông minh sáng tạo nhất Châu Á” khiến chúng tôi rất phấn khởi. Với hệ thống này người dân dễ dàng truy cập từ thiết bị di động được kết nối internet để gửi cũng như có thể theo dõi, nhận kết quả trả lời phản ánh, kiến nghị của mình.

Các thông tin tương tác của người dân đều được công khai trên môi trường mạng. “Đây là kênh tương tác đa chiều; qua đó, phát huy được mô hình tiếp nhận phản ánh tập trung, khắc phục được những hạn chế, thiếu hiệu quả trong việc xử lý phản ánh, kiến nghị của công dân theo mô hình cũ. Quan trọng nhất là đã cắt giảm được các bước quy trình hành chính, đánh giá kết quả xử lý công khai, minh bạch. Nó sẽ giúp người dân tăng niềm tin và sự chủ động của mình khi tương tác với cơ quan nhà nước”.

Từ 1/1/2019 đến 13/8/2019, trung tâm này đã nhận được gần 3000 phản ánh. Trong đó về lĩnh vực vệ sinh môi trường 560 phản án đã được xử lý. Ví dụ như, cuối tháng 6/2019, một người dân đã ghi lại clip 2 thanh niên đi xe máy và người ngồi sau liên tục rải tờ rơi quảng cáo xuống dọc đường gây phản cảm, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và môi trường. Clip này được phản ánh đến Trung tâm.

Ngay sau đó, UBND tỉnh đã yêu cầu cơ quan công an vào cuộc kiểm tra xử lý và hai đối tượng trên, mỗi người bị phạt 7,5 triệu đồng. Hoặc vào ngày 5/5/2019, ông Trần Xưng (53 tuổi, trú phường Kim Long) đã rải vàng mã xuống sông Hương. Ngay sau đó, Công an TP.Huế đã lập biên bản, phạt hành chính ông Xưng 3 triệu đồng về hành vi vứt, thải, bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng. Việc tiểu bậy, tỉnh này đã ghi nhận được một trường hợp vi phạm.

Cụ thể, trong chiều 3/7 tại quán nhậu Út Sáu (đường Trịnh Công Sơn) có thanh niên tiểu bậy được người dân chụp ảnh lại gửi lên Trung tâm nhưng đến nay Công an TP. Huế vẫn chưa xác định được danh tính người đàn ông trên.

Chính quyền và người dân đồng tình cao

Một thực tế là không phải người dân nào cũng có ý thức trong văn hóa nơi công cộng. Có những nơi sau khi được dọn rác, hôm sau rác lại xuất hiện; cứ như vậy người xả cứ xả, người dọn cứ dọn và cuộc chiến vì Huế “Xanh - Sạch - Sáng” sẽ khó thành hiện thực. Nếu Huế sạch, đẹp thì khách sẽ đến nhiều hơn, thu nhập của dân nơi đây sẽ tăng. Môi trường sạch thì sức khỏe của dân cũng được tốt.

Vì vậy, việc kiên quyết xử phạt những hành vi phản văn hóa nơi công cộng được người dân nơi đây đồng tình cao. Trước đây, người dân rất ngại phản ánh các vấn đề gặp phải trong cuộc sống vì không biết phải gửi đến ai, bằng cách nào, thì nay người dân Huế chỉ cần gửi hình ảnh hoặc clip đến Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh, mọi việc sẽ được xử lý một cách nhanh chóng.

Ông Nguyễn Văn Bình (64 tuổi, ngụ phường Tây Lộc) chia sẻ, từ khi có kênh tương tác này, người dân có thể dễ dàng phản ánh, kiến nghị những bức xúc hằng ngày đến với cơ quan quản lý nhà nước. Cái hay của phản ánh hiện trường là mỗi người dân đều có thể theo dõi kết quả xử lý sau các phản ánh, kiến nghị của mình một cách công khai minh bạch.

Ông Bình nói thêm: “Việc tuyên truyền, kêu gọi chưa đủ, điều quan trọng vẫn là sử dụng “chiếc roi” của pháp luật. Tỉnh mới thực hiện xử phạt nặng chưa đầy 2 tháng nhưng ý thức người dân đã được tăng lên, việc xả rác thải, tiểu tiện bừa bãi nơi cộng cộng đã giảm xuống đáng kể vì họ sợ bị phạt cũng như bị đưa mặt lên các phương tiện thông tin đại chúng. Tôi ủng hộ và hy vọng địa phương thực hiện thành công”.

Còn theo ông Nguyễn Việt Hùng (Chi cục trưởng Chi cục BVMT - Sở Tài nguyên và Môi trường), mục đích chính của việc phạt nguội nhằm tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục ý thức chấp hành pháp luật về vệ sinh môi trường nơi công cộng; để từ đó, mọi tổ chức, cá nhân thay đổi hành vi, nhận thức để thực hiện đúng. Việc xử phạt cũng phải làm nghiêm nhằm đảm bảo công bằng giữa các đối tượng, tạo tính răn đe trong cộng đồng xã hội.

Đọc thêm