Hưng Hà, Thái Bình: Cán bộ huyện “né” báo chí, đổ lỗi cho dân?

(PLO) - Tiếp vụ “Nông dân huyện Hưng Hà, Thái Bình tố chính quyền mật mờ ép giá đền bù”, như Báo PLVN đã thông tin, một số hộ nông dân ở xã Thái Phương đang kêu cứu vì bị thu hồi đất VAC “treo” đến sáu năm, trắng tay thất bát. 
Ao vườn của các hộ dân bỏ hoang sáu năm

    Khi PV đề nghị văn phòng cung cấp giấy hẹn, ông Chánh văn phòng huyện từ chối, nhưng cam đoan: “Tôi lấy danh dự Chánh văn phòng đảm bảo sáng thứ hai các PV về đây sẽ được trao đổi với chị Hải. Chẳng lẽ các anh không tin tôi”? Trước lúc ra về, ông Sỹ còn nhắc PV chiều thứ sáu gọi điện lại nhắc ông. Nói là thế, nhưng thực tế xảy ra lại khác.

    Như bài báo trước PLVN đã phản ánh, ba hộ dân gồm gia đình anh Nguyễn Thanh Bình (SN 1976), ông Nguyễn Thế Chi (SN 1967) và bà Nguyễn Thị Thiên (SN 1962, đều ngụ xã Thái Phương, huyện Hưng Hà, Thái Bình) gửi đơn đến XLPL kêu cứu về việc quy hoạch xây dựng trường học, trạm y tế xã “treo” sáu năm khiến họ phải bỏ hoang trang trại và quá trình thu hồi đất, đền bù nhiều mập mờ.

Để làm rõ đơn thư của người dân, XLPL đã liên hệ với UBND huyện Hưng Hà để làm rõ thông tin. Tuy nhiên, sau nhiều ngày hẹn làm việc, người chịu trách nhiệm trả lời về dự án vẫn không ra mặt tiếp PV.

Đổ lỗi dân “không hợp tác”

Ngày 14/4/2016, nhóm PV XLPL liên hệ làm việc với UBND huyện Hưng Hà về việc thu hồi đất của ba hộ dân nói trên. Đáng chú ý, thời điểm PV đến làm việc, văn phòng UBND huyện Hưng Hà khẳng định vẫn chưa nhận được lá đơn nào của ba hộ dân xã Thái Phương nói trên. UBND xã Thái Phương cũng chưa có bất kì báo cáo nào về ba trường hợp trên và hội đồng đền bù cũng không có báo cáo, kiến nghị nào. Lúc này PV đưa ra phiếu chuyển đơn năm 2014 của UBND tỉnh Thái Bình về UBND huyện, các cán bộ văn phòng huyện Hưng Hà mới trả lời qua loa: “À, cái này hình như đã có báo cáo rồi”.

Đại diện văn phòng UBND huyện sau đó xác nhận, có nghe thông tin về ý kiến của các hộ dân bị thu hồi đất thực hiện dự án trường học và trạm y tế tại xã Thái Phương, nhưng người chịu trách nhiệm trả lời phải là Trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường huyện. Vị này hiện đi vắng.

Do Trưởng phòng TNMT huyện đi vắng nên ông Nguyễn Thanh Phương, Phó chánh văn phòng huyện được mời đến làm việc. Ông Phương là người tham gia dự án đến thời điểm năm 2011, cho hay: “Theo thông tin tôi nắm trong quá trình triển khai dự án, các bên chưa thống nhất đơn giá đền bù. Người dân cho rằng mức đền bù thấp, sự việc kéo dài đến bây giờ”.

Ông Phương cung cấp tiếp, cuối năm 2011, huyện đã lập xong phương án đền bù nhưng các bên liên quan không tìm được tiếng nói chung. Đến cuối năm 2014, ban giải phóng mặt bằng tổ chức kiểm đếm lại, lên dự thảo phương án đền bù mới nhưng vẫn “dậm chân tại chỗ”. Cuối năm 2015, hội đồng đền bù thuê Trung tâm phát triển quỹ đất thuộc Sở TNMT tỉnh phối hợp với phòng TNMT lập phương án.

Về việc các hộ dân cho rằng không được cung cấp bảng giá đất đền bù của tỉnh để đối chiếu, ông Phương giải thích: Ngày nay công nghệ thông tin phát triển, các thông tin đều công khai rộng rãi trên mạng internet, cổng thông tin của huyện, tỉnh nên người dân có thể… tự tìm hiểu.

Ông Phương cũng cho rằng, vướng mắc đối với ba hộ dân ở xã Thái Phương một phần do các hộ này “không hợp tác”. Theo ông phân tích, khi huyện chuyển dự thảo phương án đền bù về, các hộ này đã gạch bỏ hết bảng dự thảo mà không nêu cụ thể nguyện vọng.

Nhưng đến nay dự án đã triển khai như thế nào, ông Phương lại “hướng dẫn” PV tìm Trưởng phòng TNMT. “Trong hồ sơ quy hoạch sẽ nêu rõ lí do chọn vị trí, biên bản các cuộc họp dân. Ban bồi thường GPMB xây dựng đơn giá, áp giá xong đều chuyển cho các hộ dân xem để họ có gì kiến nghị thì kiến nghị lên huyện xem xét, điều chỉnh. Nếu cần nắm rõ chi tiết, các anh có thể gặp chị Trần Thị Hải là Trưởng phòng TNMT”, ông Phương nói.

Chính ông Phương đã bốc máy gọi cho bà Hải và hẹn PV thứ Ba tuần sau (19/4)  đến huyện làm việc.

“Né” báo chí

Đúng lịch hẹn, sáng thứ ba (ngày 19/4), nhóm PV có mặt tại trụ sở UBND huyện Hưng Hà và được hướng dẫn sang phòng làm việc của bà Trần Thị Hải - Trưởng phòng TNMT. Nhưng cửa khóa, liên lạc qua điện thoại, bà Hải cho biết có lịch học đột xuất và sẽ cử cấp phó tiếp PV.

Một lúc sau, ông Trần Xuân Điển, Phó phòng TNMT mới đến. Ông Điển cho biết không hề được thông báo trước về buổi làm việc. Bản thân ông chỉ nắm một số thông tin chung: “Vừa nãy tôi đang tiếp dân thì được chị Hải gọi điện bảo lên tiếp Nhà báo. Nắm được thông tin nào tôi sẽ trao đổi tới đó”, ông Điển nói.

Theo vị Phó phòng TNMT, có 13 hộ nằm trong diện bị thu hồi đất xây dựng trường học, trạm y tế xã Thái Phương. Các hộ dân khác bị thu hồi đất ruộng, cơ bản đã đền bù xong, chỉ còn ba hộ trên vẫn chưa thống nhất được về mức giá đền bù.

Một người dân bên diện tích chuồng trại bỏ hoang vì quy hoạch treo

Về thông tin quy hoạch trường học, trạm y tế xã Thái Phương, ông Điển nói không được tiếp cận hồ sơ nên không nắm rõ. Nhưng ông được biết do sự việc phức tạp nên hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng huyện đã thuê Trung tâm phát triển quỹ đất của tỉnh lập phương án đền bù. Phương án đền bù do Phòng TNMT chủ trì thẩm định, phối hợp với Sở Công thương, Tài chính.

Ông Điển cho biết, theo quy định, khi giao đơn giá đền bù sẽ giao kèm đơn giá của tỉnh áp dụng để người dân đối chiếu, kiến nghị. Nhưng trong dự án trường tiểu học và trạm y tế xã Thái Phương, ông không rõ hội đồng đền bù có giao văn bản này hay không?

“Hồ sơ chị Hải đang giữ, nói để trả lời báo chí. Tôi chỉ nắm chung chung. Về đơn giá bồi thường cũng như công tác kiểm đếm, quan điểm chung là áp dụng các quy định theo hướng có lợi cho người bị thu hồi đất”, ông Điển nói. Ông cũng giải thích: “Nếu có nhiều lần kiểm đếm, theo quy định áp dụng kết quả lần kiểm đếm sau cùng nhưng phải kế thừa những kết quả trước. Ví dụ những công trình xây thêm phải được xem xét kê khai thêm, hoặc cây trồng sau thời gian dài đường kính lớn lên cũng phải tính toán bổ sung. Tất nhiên là xem xét dựa trên quy định pháp luật”.

Về việc mức giá đền bù đối với ba hộ dân ở xã Thái Phương bị tụt giảm một cách khó hiểu sau các lần kiểm đếm, ông Điển cho biết có thể xảy ra trường hợp trên bởi lí do sau: Kiểm đếm không đúng, hoặc lập phương án đền bù chưa được nhưng vẫn đưa vào hồ sơ đã hoàn thành. Tức cả hai “lỗi” đều thuộc về cơ quan chức năng.

Trong quá trình làm việc với PV, nhiều câu hỏi ông Điển không trả lời được, chỉ lặp đi lặp lại câu nói: “Chỉ có cấp trưởng mới nắm rõ”.

Ông Điển cũng nhiều lần gọi điện cho Trưởng phòng xin ý kiến mở hồ sơ giải đáp thắc mắc của PV nhưng không liên lạc được.

Sự im lặng khó hiểu

Nhóm PV quay lại khối văn phòng, gặp ông Trần Quang Sỹ - Chánh văn phòng UBND huyện Hưng Hà để đề nghị văn phòng sắp xếp làm việc với người nắm rõ về dự án để có thể trả lời. Ông Sỹ gọi điện thoại nói chuyện trực tiếp với bà Hải Trưởng phòng TNMT. Sau đó, ông Sỹ “chốt” lịch hẹn PV là sáng thứ hai tuần sau (tức ngày 25/4).

Khi PV đề nghị văn phòng cung cấp giấy hẹn, ông Chánh văn phòng huyện từ chối, nhưng cam đoan: “Tôi lấy danh dự Chánh văn phòng đảm bảo sáng thứ hai các PV về đây sẽ được trao đổi với chị Hải. Chẳng lẽ các anh không tin tôi”? Trước lúc ra về, ông Sỹ còn nhắc PV chiều thứ sáu gọi điện lại nhắc ông.

“Cơ bản do chính quyền mình mà thôi, từ thôn xã ngay từ đầu triển khai chưa tốt, kiểm kê chưa chính xác. Tháng 6 là thông đường theo kế hoạch, chậm tiến độ mỗi ngày là nhà nước mất mấy tỉ đấy. Hiện còn vướng mỗi ở đoạn qua xã Thái Phương”, ông Sỹ thông tin thêm.

Chiều thứ sáu 22/4, PV gọi điện cho ông Sỹ xác nhận lại lịch hẹn trước đó. Ông Sỹ trả lời đang bận họp, lát nữa sẽ gọi lại. Sau đó, ông Sỹ không gọi mà nhắn tin số điện thoại bà Hải Trưởng phòng TNMT đề nghị PV tự hẹn lịch. Trước đó, PV đã liên hệ bà Hải nhưng bà này từ chối, đề nghị liên hệ qua văn phòng. Điện thoại lại, cả hai vị này đều không nghe máy từ PV.

Sự im lặng né tránh, đùn đẩy của các cán bộ huyện Hưng Hà càng khiến người dân thêm thắc mắc. Nếu một dự án được triển khai minh bạch với quy trình thu hồi đất và đền bù rõ ràng, tại sao những người có trách nhiệm lại trốn tránh trả lời?

Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

Nhóm Phóng viên

Động thái khác “thần tốc”  

Theo người dân cung cấp, chiều 21/4/2016, đại diện huyện Hưng Hà đã liên hệ qua điện thoại với đại diện ba hộ dân trên để thương lượng giải quyết vướng mắc. Tuy nhiên buổi làm việc không đạt kết quả.

Nhưng cùng ngày, UBND huyện đã ban hành quyết định thu hồi đất đối với ba hộ dân ở xã Thái Phương cùng phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng.

Quyết định thu hồi này cũng ghi rõ căn cứ là xét đề nghị của Phòng TNMT huyện tại Tờ trình số 818/TT-TNMT, cũng vào ngày… 21/4/2016.

Đại biểu Quốc hội nói gì?

Bà Nguyễn Thúy Hoàn, Phó giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Bình, đại biểu Quốc hội tỉnh này tỏ ra bất ngờ bởi kiến nghị của ba hộ dân ở Thái Phương đã kéo dài nhiều năm, có đơn lên cả cấp tỉnh nhưng Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh chưa hề nắm được thông tin.

Bà Hoàn gọi điện cho đại biểu Đỗ Văn Vẻ là người ứng cử tại huyện Hưng Hà cũng được trả lời chưa nắm được thông tin. Bà Hoàn hứa với trách nhiệm của mình sẽ chuyển đơn khiếu nại của công dân cũng như kiến nghị của bà đến các cơ quan huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình đề nghị xem xét.

“Chúng tôi hứa sẽ làm việc hết trách nhiệm. Chúng tôi sẽ theo dõi và đôn đốc các cơ quan giải quyết khiếu nại của công dân”, bà Hoàn nói.

Đọc thêm