Bỗng dưng mất ao
Về nguồn gốc của thửa số 161 có diện tích 1570 m2 (theo bản đồ địa chính 299), ông Lê Minh Hải (71 tuổi, ở thôn Xích Đằng) trình bày, đây vốn là ao do bố đẻ ông là cụ Lê Xuân Hảo mua của cụ Trưởng Bạ Hành từ những năm trước giải phóng miền Bắc (1954). Từ đó đến nay, gia đình vẫn liên tục quản lý, sử dụng.
Cụ thể, sau ngày cụ Hảo ông mất, cụ bà là người trông nom phần ao này. Người dân địa phương từ già đến trẻ cũng vẫn quen gọi đây là “ao cụ Hảo”. “Ngày còn sống, mẹ tôi tuy không làm nhưng có cho người ta thuê thả cá năm một. Đến khoảng năm 2004, bà già yếu nên giao cho tôi quản lý. Khoảng năm 2010, tôi làm giấy cho tặng vợ chồng 3 con rể, trong đó có anh Nguyễn Quang Thịnh”, ông Hải kể.
Những tưởng, với trình bày như trên, việc gia đình ông Hải là chủ sử dụng phần ao nói trên là đều không cần tranh cãi. Thế nhưng, ngày 5/3/2010, anh Nguyễn Văn Hiệu (thường trú tại thôn Đằng Châu, phường Lam Sơn) lại bất ngờ cho máy ủi húc đổ 1 cây vả mọc trên bờ ao của gia đình ông Hải. Không dừng lại ở đó, năm 2014, anh Hiệu lại tiếp tục cho người san lấp 1 phần ao.
Bức xúc trước việc làm trên, ngay từ năm 2010, gia đình ông Hải đã liên tục có đơn thư gửi UBND phường Lam Sơn đề nghị làm rõ hành vi hủy hoại tài sản, đồng thời xác định rõ ranh giới diện tích giữa hai gia đình, tránh những xung đột đáng tiếc, gây mất an ninh trật tự tại địa phương. Tuy nhiên, cho đến nay, sự việc vẫn không được chính quyền phường sở tại giải quyết dứt điểm.
Càng bất ngờ hơn, sau nhiều đơn thư thì tại biên bản họp giải quyết đơn lập ngày 12/7/2016, cán bộ địa chính phường Lam Sơn - ông Nguyễn Thanh Tùng lại cho biết: chủ sử dụng của thửa số 161 nói trên là “hợp tác xã” chứ không phải của gia đình ông Hải. Bà Nguyễn Thị Quế, chủ tịch UBND phường thì khẳng định: “nhà nước đang công nhận bản đồ + hồ sơ 299 để làm căn cứ giải quyết”.
Được biết, ông Tùng mới về phường Lam Sơn công tác nhưng còn bà Quế là người địa phương chẳng lẽ lại không biết phần ao nói trên từ xưa đến nay vẫn do nhà ông Hải quản lý sử dụng. Như vậy, rõ ràng giữa hồ sơ và thực tế có sự mâu thuẫn. Và nếu công tâm, có trách nhiệm, không thờ ơ, vô cảm với quyền lợi của người dân thì chính quyền phường Lam Sơn cần xác minh, làm rõ, giải quyết triệt để sự việc. Làm như vậy, chắc sẽ không có tình trạng mâu thuẫn, đơn thư kéo dài.
Hai dấu gạch dọc trong sổ mục kê làm khổ người dân |
Chỉ dựa vào 2 dấu gạch?
Về phần mình, sau khi tiếp nhận đơn thư, PV báo PLVN đã vào cuộc tìm hiểu, xác minh.
Trước hết, quyền sử dụng đất của gia đình ông Hải không phải chỉ nói “khơi khơi” mà đã được cụ thể hóa bằng giấy chứng nhận quyền sử hữu ruộng đất số 40 do Chủ tịch Ủy ban Hành chính Tỉnh Hưng Yên cấp cho bà Vũ Thị Mão (vợ ông Lê Xuân Hảo) vào năm 1956. Trong đó có ghi rõ phần diện tích ao là 4 sào 7,5 thước (khoảng hơn 1500m2-PV).
Đối chiếu với quy định tại điểm a, khoản 1, điều 100 Luật Đất đai 2013 thì đây là 1 trong những giấy tờ được dùng làm căn cứ để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và không phải nộp tiền sử dụng đất. Hay nói cách khác, đây là văn bản hợp pháp được nhà nước thừa nhận.
Điều đáng nói, theo ông Nguyễn Quang Thịnh cho biết, ông đã cung cấp văn bản gốc để đối chiếu và nộp 1 bản sao có chứng thực cho cán bộ tư pháp phường Lam Sơn làm căn cứ giải quyết đơn thế nhưng đến ngày 7/3/2016, khi trao đổi với chúng tôi, ông Tùng (cán bộ địa chính) vẫn bảo: “chưa biết bản gốc” (?!).
Cũng tại buổi làm việc này, ông Tùng cung cấp cho PV sổ mục kê ruộng đất (lập theo bản đồ 299) thì tại trang tờ bản đồ số 2, thửa 161, phần chủ sử dụng ruộng đất chỉ thấy có 2 dấu mực gạch dọc (//). Ô sử dụng chính thức hay tạm giao, ô xứ đồng đều để trống, ô diện tích ghi 1570m2, loại ruộng đất: ao.
Căn cứ để ông Tùng kết luận đó là ao của hợp tác xã là vì thửa số 160 (ghi bên trên thửa 161) có ghi tên chủ sử dụng là H.T.X. Chính vì thế, 2 dấu gạch ở thửa 161 được hiểu là “tương tự như trên” (tức chủ sử dụng cũng là hợp tác xã) (?!).
Ngoài ra, ông Tùng cũng cho biết, nếu ao của gia đình thì ở sổ đăng ký ruộng đất xã viên hợp tác xã, tập đoàn viên tập đoàn sản xuất, nông dân cá thể, tư dân khác và tôn giáo phải có ghi nhưng sổ này không thấy có số thửa 161.
Như vậy, chỉ có 2 dấu gạch dọc trong sổ mục kê liệu đã đủ làm căn cứ pháp lý chứng minh hợp tác xã là chủ sử dụng của thửa 161? Đã đủ thuyết phục để chính quyền phường trả lời “trắng phớ” đây là ao của “công”, phủ nhận thực tế sử dụng mấy chục năm của gia đình ông Hải hay không?
Ông Hải khẳng định: gia đình liên tục quản lý phần ao từ trước năm 1954 đến nay. |
“Không phải là ao hợp tác xã”
Tiếp tục làm rõ sự việc, PV đã tìm gặp ông Đào Quang Hoa (90 tuổi). Đề cập đến phần ao nói trên, ông Hoa khẳng định: “Tôi làm chủ nhiệm (hợp tác xã – PV) 21 năm, sau chuyển sang làm chủ tịch. Ngần ấy thời gian công tác làm gì mà tôi không biết cái ao đó. Đất cát người ta, cái nào nhập, cái nào không nhập, hợp tác xã phải nắm được tất”.
Ông Hoa cho biết: “Cái ao đó là ao của ông Hảo. Ông bà Hảo tậu của giáp tư trước. Hàng giáp bán cho người ta từ thời phong kiến”. Vị nguyên chủ nhiệm hợp tác xã nhấn mạnh: “Cái ao đó là ao của người ta, không nhập vào hợp tác xã. Vì người ta có vào hợp tác xã đâu mà nhập. Khi có chủ trương vào hợp tác xã thì chỉ còn bà cụ và chú Hải (ông Lê Minh Hải – PV). Có hai mẹ con ăn nên không vào hợp tác xã”.
Mặt khác, có 1 sự thực không thể chối cãi rằng, nếu như có việc gia đình ông Hải nhập phần ao đó vào hợp tác xã thì chắc chắn hợp tác xã phải quản lý. Thế nhưng, ông Bùi Văn Bình (nguyên Chủ tịch Phường Lam Sơn) lại khẳng định: “Từ lúc tôi còn làm hợp tác xã đến sau này làm chủ tịch, hợp tác xã cũng không cho thầu, không quản lý gì phần ao này, sau này phường cũng không quản lý mà từ trước đến nay vẫn do gia đình quản lý”.
Bên cạnh đó, khi trao đổi với chúng tôi, cán bộ địa chính phường Lam Sơn cũng thừa nhận, thực tế trong quá trình rà soát cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân cũng đã phát hiện không ít trường hợp, tên trong sổ mục kê và thực tế sử dụng là 2 chủ khác nhau. Đối với những trường hợp như vậy, địa phương sẽ tiến hành họp khu, tổ dân số, lấy ý kiến nhân chứng, lập biên bản xác nhận để làm căn cứ.
Thiết nghĩ, cách làm trên cũng hợp lý, hợp tình. Ngay cả bản thân ông Bùi Tuấn Anh (nguyên Phó chủ tịch phường Lam Sơn, người đã nhiều lần giải quyết đơn thư của gia đình ông Hải) cũng thừa nhận: “Nếu lấy vào ao của hợp tác xã thì thiệt cho gia đình người ta quá”. Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì, sự việc rất đơn giản mà cho đến nay, chính quyền địa phương vẫn không thể giải quyết được triệt để.
Qua báo, người dân cũng khẩn thiết đề nghị lãnh đạo TP.Hưng Yên, lãnh đạo Sở TN-MT tỉnh Hưng Yên quan tâm, chỉ đạo, có phương hướng tháo gỡ giải quyết vụ việc, ổn định tình hình tại địa phương, qua đó gây dựng được niềm tin của người dân vào bộ máy công quyền. Nhất định không nên và không thể để 2 dấu gạch dọc trong sổ mục kê làm “khổ” người dân.
Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin.