Theo đơn phản ánh của ông Mây, vào năm 2001, thôn Quang Trung có chủ trương cho thuê thầu ao làng Đoài (diện tích khoảng hơn 2000m2) để lấy tiền làm đường trong thôn và được Chi bộ thôn cùng toàn thể nhân dân trong thôn thống nhất. Sau đó thông báo đấu thầu công khai trên loa, ai có nhu cầu thì đăng ký tham gia.
Ngày 19/1/2001, tại Nhà văn hóa thôn Quang Trung diễn ra đấu thầu công khai. Kết quả, ông Đỗ Văn Minh (anh trai ông Mây) trúng thầu. Ngày 20/1/2001, ông Minh làm giấy ủy quyền cho ông Mây toàn quyền được sử dụng ao làng Đoài.
“Gia đình tôi đã đầu tư rất nhiều công sức, tiền bạc để cải tạo nuôi thả cá và luôn giữ gìn bảo vệ chống lấn chiếm, chống đổ rác thải và không có bất kỳ tranh chấp nào. Nhưng không hiểu lý do gì ngày 6/12/2014, ông Đỗ Xuân Hiền - Chủ tịch UBND xã Lạc Hồng lại “bật đèn xanh” cho Cty TNHH Xây dựng Vận tải Thành Đạt san lấp ao, gây thiệt hại hàng tấn cá và rau muống của gia đình tôi. Ước thiệt hại hàng trăm triệu đồng”- ông Mây trình bày.
Ông Mây gửi đơn lên các cơ quan của huyện Văn Lâm và tỉnh Hưng Yên phản ánh việc làm sai pháp luật của ông Hiền và Cty TNHH Xây dựng Vận tải Thành Đạt. Ngày 18/12/2014, UBND tỉnh Hưng Yên đã chuyển đơn của ông Mây đến Chủ tịch huyện Văn Lâm, thế nhưng ròng rã suốt từ năm 2014 cho đến nay, vụ việc vẫn chưa được giải quyết.
Chính vì vậy, ngày 6/2/2017, ông Mây ra làm hàng rào tre bảo vệ thì ông Nguyễn Hữu Tuấn Đức – Phó Chủ tịch UBND xã Lạc Hồng cùng Công an xã đã ra phá bỏ, khiến gia đình ông thiệt hại 6 triệu đồng.
Làm việc với phóng viên, ông Nguyễn Hữu Tuấn Đức – Phó Chủ tịch UBND xã Lạc Hồng thừa nhận về việc có phá dỡ hàng rào của gia đình ông Mây. Nhưng khi được hỏi việc phá dỡ căn cứ theo văn bản, quyết định nào thì ông Đức không trả lời.
Về hiện trạng ao làng Đoài đã bị san lấp hơn 2/3 diện tích, bà Ngô Thị Lương – Chủ tịch UBND xã Lạc Hồng cho biết: “Việc san lấp đó từ thời ông Hiền làm Chủ tịch. Việc chỉ đạo như thế nào thì tôi không biết, vì tôi không thấy có văn bản chỉ đạo hay hợp đồng thuê Cty TNHH Xây dựng Vận tải Thành Đạt để san lấp”?
Còn ông Nguyễn Hữu Tuấn Đức thì cho biết thêm: “Ngày xưa ông Hiền còn làm Chủ tịch đã tự ý chỉ đạo Cty TNHH Xây dựng Vận tải Thành Đạt san lấp không có bàn bạc gì với xã. Ông ấy đồng bóng lắm thích là làm thôi”.
Được biết, ngày 3/3/2017, Chủ tịch UBND xã Lạc Hồng đã tổ chức buổi làm việc với ông Mây và thôn Quang Trung. Theo đó, ông Mây đề nghị UBND xã làm rõ trách nhiệm Cty TNHH Xây dựng Vận tải Thành Đạt trong quá trình san lấp ao làm chết hàng tấn cá của gia đình ông; cũng như ngày 6/2/2017 ông Nguyễn Hữu Tuấn Đức đã tự ý phá hàng rào của gia đình ông, gây thiệt hại hơn 6 triệu đồng.
Nhưng theo bản làm việc thì Chủ tịch UBND xã Lạc Hồng lại kết luận: năm 2001, thôn Quang Trung cho đấu thầu ao làng Đoài là trái quy định pháp luật nên UBND xã yêu cầu thôn Quang Trung và ông Mây phải tự thỏa thuận để khắc phục hậu quả về việc tổ chức bỏ thầu ao…
Trong khi đó, ông Đặng Duy Sơn (Trưởng Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Văn Lâm) phân tích: “Ở đây có hai vấn đề cần xử lý. Thứ nhất, tại thời điểm thôn tổ chức đấu thầu có thể UBND xã cũng biết, hoặc có thể không, nhưng UBND xã phải chịu trách nhiệm về việc buông lỏng công tác quản lý. Thứ hai, việc UBND xã cho Cty TNHH Xây dựng Vận tải Thành Đạt san lấp hay không cần làm rõ, bởi UBND xã cũng không có đủ thẩm quyền để cho san lấp khi chưa có chủ trương, kế hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng của cấp có thẩm quyền. Như vậy, cần xem xét trách nhiệm bồi thường thiệt hại và cần thiết thì cơ quan có thẩm quyền sẽ yêu cầu Cty TNHH Xây dựng Vận tải Thành Đạt khắc phục hậu quả múc đất lên để trả lại hiện trạng ban đầu”.
Đề nghị UBND huyện Văn Lâm, UBND tỉnh Hưng Yên giải quyết dứt điểm vụ việc trên, tránh khiếu kiện kéo dài, lấy lại niềm tin của người dân vào chính quyền.
Báo PLVN sẽ tiếp tục theo dõi thông tin tới bạn đọc.