Hưng Yên: Một bản án bị phản ánh làm ảnh hưởng quyền lợi người dân

(PLVN) - Một vụ án với nhiều tình tiết chưa được làm rõ, trong đó ông Bùi Thành Sinh cho rằng, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ) ngày 2/5/2001 có nhiều điểm vi phạm quy định của pháp luật nhưng vẫn được TAND tỉnh Hưng Yên chấp nhận làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình ông.

Theo đơn phản ánh của ông Bùi Thành Sinh (địa chỉ số 13 đường Chu Mạnh Trinh, phường Hiến Nam, TP Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên), Bản án số 24/2018/DSPT ngày 10/10/2018 của TAND tỉnh Hưng Yên có nhiều “uẩn khúc” cần phải làm rõ. 

Ông Sinh bên khu đất tranh chấp 

Cụ thể, diện tích đất của ông Sinh có nguồn gốc do ông hưởng di chúc thừa kế năm 1994. Năm 1996 bố mẹ ông Sinh mất, di chúc có hiệu lực. Năm 1997, ông Sinh đăng ký quyền sử dụng đất theo bản đồ địa chính số 237 mang tên ông tại thửa 92, tờ bản đồ số 31, diện tích 546m2. 

Điều “uẩn khúc” chính là ở chỗ, trước đó, khi cán bộ địa chính xã đo đất trên thực địa là thửa 92, nhưng trong hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ ngày 2/5/2001 giữa ông Sinh và anh Nguyễn Văn Khích (địa chỉ số 40, đường Đoàn Thị Điểm, phường Lê Lợi, TP Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên) đã không ghi vị trí thửa 92 mà lại ghi là thửa 336 + 337, tờ bản đồ số 299.

Trong khi đó, thửa 336 + 337 thuộc quyền sử dụng của bà Vương (chồng là ông Vui đã mất) đăng ký bản đồ 299 lập năm 1985 và là hàng xóm, ở sát cạnh nhà ông Sinh. Cùng năm 1997, khi UBND xã Hiến Nam lập bản đồ địa chính 237 thì đăng ký quyền sử dụng đất hộ bà Vương (Vui) có số thửa đất mới là thửa 93 và 94. Do đó, thửa 336 + 337 đã không còn tồn tại trên thực tế.

Như vậy, việc UBND xã Hiến Nam thẩm tra xác nhận vào hợp đồng ngày 02/5/2001: “Đất thổ cư bản đồ 299 không tranh chấp” là không chính xác. Ông Sinh cho rằng hợp đồng này là giả mạo, cần phải hủy bỏ. Chính vì thế, việc bản án cho rằng: “Hợp đồng giữa ông Sinh với anh Khích là hợp pháp, việc các bên đã lập hợp đồng theo luật định” là không đúng với bản chất vụ án. 

Do đó, ngày 11/7/2018, VKSND tỉnh Hưng Yên đã kháng nghị nêu rõ: “… Thửa đất là đối tượng chuyển nhượng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… Tòa án cấp sơ thẩm chưa xác minh thu thập đầy đủ, đánh giá chứng cứ không khách quan, toàn diện. Do đó, bản án cần phải hủy để giải quyết lại”. Tuy nhiên, cấp phúc thẩm đã bác bỏ nội dung kháng nghị này.

Ông Sinh cho biết thêm, Quyết định 893 ngày 25/4/2002 thu hồi đất hộ ông Sinh tại thửa 92 bản đồ 237 tờ số 31, trong khi Quyết định 2618/QĐ-UB ngày 9/11/2005 của UBND thị xã Hưng Yên lại thu hồi đất hộ anh Khích tại thửa 338 + 339 theo bản đồ 299 là không có cơ sở. Hơn nữa, anh Khích lại không có tên trên bản đồ 299 và trên hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ ngày 2/5/2001 với số thửa lại là thửa 336+337 (không phải thửa 338 + 339)? Chính vì vậy anh Khích phải lập giấy ủy quyền cho ông Sinh lĩnh tiền bồi thường đất. Ông Sinh cho rằng, đây là những dấu hiệu giả mạo chưa được làm sáng tỏ.

Ngoài ra, bản án còn khẳng định việc anh Khích “đã trả tiền đầy đủ”, “lời khai của anh Khích có cơ sở phù hợp với giấy cam đoan…”. Tuy nhiên, lại không hề có chứng cứ anh Khích trả tiền thời điểm, phương thức nào? Khi Cơ quan điều tra Công an TP Hưng Yên yêu cầu anh Khích giao nộp bản gốc giấy ủy quyền và giấy cam đoan thì anh Khích nêu lý do tìm không thấy, bị thất lạc? Chính vì thế ông Sinh đã tố anh Khích lập giấy cam đoan giả mạo để cung cấp và khai báo gian dối rằng “Đã trả tiền đầy đủ”. 

Được biết, ông Sinh đã có đơn tố cáo anh Khích chiếm đoạt tài sản, đồng thời cho rằng một số cơ quan bao che, không xử lý theo quy định của pháp luật. Ngày 13/8/2018, Cơ quan điều tra VKSND Tối cao đã có Văn bản số 1802/VKSTC-C1(P1) chuyển đơn của ông Sinh đến Vụ Kiểm sát và Giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp (Vụ 12), VKSND Tối cao để xử lý theo quy định của pháp luật. Văn phòng Chủ tịch nước cũng có Văn bản số 493 ngày 20/5/2019 chuyển đơn của ông Sinh đến TAND Cấp cao tại Hà Nội và cũng đang được TAND Cấp cao tại Hà Nội xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm đối với Bản số 24/2018/DSPT của TAND tỉnh Hưng Yên.

Đọc thêm