Hưng Yên: Tỉnh quy hoạch một đằng nhưng chấp thuận đầu tư một nẻo?

(PLO) -Mặc dù chưa có đầy đủ các giấy tờ theo quy định của pháp luật nhưng doanh nghiệp Vi Vân đã tiến hành đưa máy xúc, ủi đến san lấp, xây dựng nhà kho... Nghiêm trọng hơn, vị trí mà doanh nghiệp được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư lại vi phạm nhiều nguyên tắc về quy hoạch bến bãi được tỉnh đề ra trước đó.
Chưa hoàn thành đầy đủ thủ tục, doanh nghiệp đã triển khai dự án.
Chưa hoàn thành đầy đủ thủ tục, doanh nghiệp đã triển khai dự án.

Phớt lờ thông báo đình chỉ

Thời gian vừa qua, báo chí đã nhiều lần phản ánh về tình trạng bến, bãi kinh doanh vật liệu xây dựng mọc lên như “nấm” dọc tuyến sông Hồng trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.

Trong đó, có nhiều bến, bãi hoạt động không phép. Trong khi tình trạng trên chưa được giải quyết dứt điểm thì mới đây UBND tỉnh Hưng Yên lại tiếp tục chấp thuận cho mở bến mới.

Cụ thể, ngày 23/6/2016, UBND tỉnh Hưng Yên đã có thông báo số 90/TB-UBND kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tiếp nhận và giới thiệu địa điểm dự án đầu tư của Doanh nghiệp tư nhân Vật liệu xây dựng Vi Vân (gọi tắt là doanh nghiệp Vi Vân) trên địa bàn xã Chí Tân, huyện Khoái Châu.

Tiếp đó là Quyết định chủ trương đầu tư số 83/QĐ-UBND ngày 12/7/2016 do Phó chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Đặng Ngọc Quỳnh ký.

Theo đó, tên dự án là: Bến bốc xếp vật tư và kinh doanh vật liệu xây dựng với mục tiêu xây dựng bến bốc xếp hàng hóa, trung chuyển hàng hóa; kinh doanh vật liệu xây dựng, kho bãi, lưu giữ và vận chuyển hàng hóa gồm cát đen, cát vàng, đá các loại, xi măng, sắt, thép... với thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày dự án được quyết định chủ trương đầu tư.

Sau khi được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, doanh nghiệp còn phải làm và chờ hàng loạt các thủ tục khác như quyết định thu hồi đất để thực hiện dự án, quyết định cho thuê đất, hợp đồng thuê đất, giấy phép hoạt động bến thủy nội địa... 

Thế nhưng, trên thực tế, ngay sau khi có quyết định chủ trương đầu tư của tỉnh, mặc dù chưa có đầy đủ các giấy tờ theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp Vi Vân đã tiến hành đưa máy xúc, ủi đến san lấp, xây dựng nhà kho... Điều này khiến cho dư luận đặt ra câu hỏi, có hay không sự “tiếp tay” của chính quyền địa phương?

Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Vui - Chủ tịch UBND xã Chí Tân cho rằng: “Hôm đó, lực lượng chức năng của địa phương chỉ... chặt vài cây chuối lấn ra đường với mục đích phục vụ cho dân đi chứ không phải làm cho doanh nghiệp”.

Mặc dù vậy, bà chủ tịch cũng thừa nhận việc doanh nghiệp tiến hành triển khai dự án khi chưa có đầy đủ các thủ tục là sai.

Để chấn chỉnh việc làm này, ngày 28/7/2016, UBND huyện Khoái Châu đã có văn bản số 427/UBND-TNMT nêu rõ:

“Việc Doanh nghiệp tư nhân VLXD Vi Vân đã tiến hành thi công, xây dựng bến bãi trong khi chưa hoàn thiện các thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật đã gây dư luận và ý kiến phản ánh của nhân dân đối với trách nhiệm quản lý nhà nước về đất đai của UBND xã Chí Tân”. 

UBND huyện Khoái Châu cũng đồng thời yêu cầu: “1. Doanh nghiệp tư nhân VLXD Vi Vân đình chỉ ngay việc xây dựng bến bãi tại xã Chí Tân cho đến khi hoàn thiện các thủ tục theo quy định của pháp luật. 2. Giao chủ tịch UBND xã Chí Tân thường xuyên theo dõi, giám sát việc chấp hành của doanh nghiệp và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện về kết quả thực hiện”. 

Tiếp đó, UBND xã Chí Tân cũng đã có thông báo số 3/TB-UBND ngày 29/7/2016 đình chỉ việc xây dựng bến bãi nói trên.

Thế nhưng, trong tháng 8/2016, theo ghi nhận và hình ảnh ghi lại của PV trong nhiều ngày thì doanh nghiệp Vi Vân vẫn tiếp tục cho người xây, bắn mái tôn hoàn thiện nhà kho tại khu vực đã bị đình chỉ. Phải chăng, doanh nghiệp này cố tình “phớt lờ” thông báo của huyện, xã còn chính quyền địa phương thì buông lỏng việc theo dõi, giám sát?

Không theo quy hoạch?

Trước tình trạng bến bãi tự phát mọc tràn lan, chính quyền tỉnh Hưng Yên đã có nhiều chủ trương, giải pháp để giải quyết vấn đề này. Cụ thể, ngày 20/1/2016, UBND tỉnh Hưng Yên đã có quyết định số 372/QĐ-UBND về phê duyệt Đề án quy hoạch vị trí bốc xếp vật tư, vật liệu xây dựng trên bãi sông Hồng và sông Luộc tỉnh Hưng Yên.

Những nguyên tắc chính khi xác định vị trến bến xếp, dỡ theo quyết định này bao gồm: Đảm bảo an toàn cho đê điều; đảm bảo an toàn cho giao thông đường thủy nội địa; hai bến phải cách nhau ít nhất 1 km (trường hợp vị trí giáp ranh giữa hai xã sẽ được xác định cụ thể đảm bảo yêu cầu phát triển chung); Nơi có đền, chùa, các công trình di tích lịch sử và danh thắng không làm bến bãi. 

Quy định, quy hoạch đã rất rõ ràng như vậy nhưng quyết định chủ trương đầu tư của UBND tỉnh cho doanh nghiệp Vi Vân làm bến bốc xếp và kinh doanh VLXD như đã nói ở trên lại không theo các nguyên tắc nói trên.

Cụ thể, vị trí khu đất tiến hành dự án được xác định như sau: Phía Bắc giáp đất trồng cây hàng năm khác; phía Nam giáp hành lang bảo vệ sông Hồng; phía Đông giáp đất dự án Doanh nghiệp VLXD Quyết Dung (cũng nằm trên địa bàn xã Chí Tân); phía Tây giáp mương thủy lợi và đất trồng cây hàng năm khác. Diện tích đất sử dụng là khoảng 15.738m2.

Như vậy, quan sát bằng mắt thường cũng có thể thấy khoảng cách giữa hai bến của hai doanh nghiệp trên không đảm bảo cách nhau tối thiểu 1km. Mặt khác, việc hai bến ở quá gần nhau cũng đặt ra lo ngại về việc đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa bởi khi tàu ra vào sẽ rất dễ xảy ra va chạm. 

Theo tìm hiểu, trên địa bàn xã Đại Tập (giáp ranh Chí Tân) cũng đã có 1 bến bốc dỡ vật tư, vật liệu xây dựng nên việc bến mới của doanh nghiệp Vi Vân “lọt” vào giữa hai bến cũ lại càng khó đảm bảo các nguyên tắc mà tỉnh Hưng Yên đã đặt ra. 

Trong văn bản trả lời của Sở GTVT Hưng Yên đối với dự án của doanh nghiệp Vi Vân nói trên cũng nêu rõ: “Hiện nay, bến thủy nội địa trên chưa có trong quy hoạch giao thông vận tải được UBND tỉnh phê duyệt”.

Ông Nguyễn Đức Đoàn - trưởng phòng Quản lý vận tải (Sở GTVT Hưng Yên) xác nhận, vị trí mà doanh nghiệp Vi Vân mở bến mới chỉ “nằm trong danh sách đề xuất bến tạm thời của sở báo cáo UBND tỉnh và khả năng phải tới năm 2017 mới được phê duyệt”. 

Bên cạnh đó, vị trí mà doanh nghiệp Vi Vân mở bến còn khiến người dân địa phương lo ngại bởi phía Tây giáp với mương thủy lợi. Trong khi tình trạng chất cao vật liệu xây dựng tương đối phổ biến như hiện nay thì liệu có đảm bảo an toàn hành lang thủy lợi?

Ngoài ra, vị trí nói trên còn gần với Di tích lịch sử văn hóa Đình Chùa Cót (xã Chí Tân)? Kèm theo đó là những nguyên tắc về đê điều liệu có được đảm bảo?

Thiết nghĩ, UBND tỉnh Hưng Yên nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng trước khi quyết định để doanh nghiệp triển khai dự án.

Ngày 8/6/2016, ông Nguyễn Văn Phóng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng yên đã đi kiểm tra hệ thống đê, kè trên địa bàn tỉnh. 

Sau khi kiểm tra, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên đã yêu cầu các địa phương cần khẩn trương xử lý, ngăn chặn những vi phạm hành lang bảo vệ đê điều, nhất là các điểm mới phát sinh. Đối với những bến, bãi đã được cấp giấy phép phải khắc phục vi phạm, nếu cố tình vi phạm, tỉnh sẽ tạm đình chỉ có thời hạn hoặc thu hồi giấy phép. 

Các bến bãi nằm trong quy hoạch nhưng chưa được cấp phép phải lập hồ sơ gửi cơ quan có thẩm quyền thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt.

Trong thời gian làm thủ tục cấp phép không được neo đậu tàu, thuyền để chứa chất thêm vật liệu xây dựng lên bãi tập kết. Các bến bãi không có trong quy hoạch phải chấm dứt hoạt động. Đối với các điểm khai thác cát trái phép phải chấm dứt hoạt động...

Đọc thêm