Ông Đỗ Văn Kiều là cháu cụ Đỗ Văn Ẩm (đã mất) cho biết: Cụ Ẩm là người từng che giấu cán bộ cách mạng, đưa tin trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Năm 1960 cụ Ẩm mất. Năm 1964, các cán bộ cách mạng thời cụ che giấu đến thăm mới biết chuyện nên đề nghị chính quyền ghi nhận công lao của cụ.
Hòa bình lập lại, bố ông Kiều có đề nghị chính quyền ghi nhận công lao của cụ Ẩm, nhưng không có kết quả và mãi cho tới bây giờ đến lượt ông Kiều đi kiến nghị từ cấp huyện cho tới Bộ LĐTB&XH nhưng vẫn chưa có kết quả. Ông Kiều cho biết, chính quyền không giải quyết là do hồ sơ lý lịch của cụ Ẩm không rõ ràng, thiếu bằng chứng để chứng minh quá trình hoạt động cách mạng cho dù gia đình đã nộp Bằng khen của Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký ngày 26/1/1965 cho cụ Ẩm.
Được biết, ngày 28/9/2016, Cục Người có công, Bộ LĐTB&XH đã có văn bản trả lời cho ông Kiều, nội dung: “...Ngày 14/6/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 24/2016/ QĐ-TTg, quy định về việc trợ cấp một lần đối với người có thành tích tham gia kháng chiến được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng hoặc Bằng khen của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương; Theo đó, thân nhân của người có bằng khen từ trần là một trong những người sau: Vợ hoặc chồng; bố đẻ, mẹ đẻ; con đẻ, con nuôi của người từ trần được nhận trợ cấp một lần. Trường hợp cụ Đỗ Văn Ẩm (đã mất) có thành tích giúp đỡ cách mạng, được Nhà nước tặng Bằng khen thì đại diện thân nhân theo quy định nêu trên được nhận trợ cấp một lần mức 1.815.000đ”.
Ông Kiều cho rằng, theo Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 9/4/2014 quy định về điều kiện, căn cứ xác nhận người hoạt động cách mạng thì cụ Ẩm có đủ căn cứ như “hồ sơ, tài liệu đang lưu giữ tại cơ quan lưu trữ Đảng, Nhà nước, bảo tàng lịch sử Trung ương và địa phương từ cấp huyện trở lên”. Theo đó, cụ Ẩm được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ hồi đó thì tất nhiên phải có hồ sơ từ chính quyền địa phương gửi lên mới được cấp. Nên không thể nói việc thất lạc hay không có danh sách được.
Cũng theo gia đình ông Kiều, cụ Ẩm còn tham gia cách mạng từ trẻ tuổi nằm trong Điều 11 của Nghị định 31/NĐ-CP về điều kiện xác nhận “đội trưởng hoặc tổ trưởng, nhóm trưởng của đội, tổ, nhóm tự vệ chiến đấu, tuyên truyền giải phóng, thanh niên cứu quốc, nông dân cứu quốc, phụ nữ cứu quốc, thiếu nhi cứu quốc (ở địa phương chưa hình thành tổ chức quần chúng cách mạng)”. Tuy nhiên tới bây giờ chính quyền thị trấn Như Quỳnh và huyện Văn Lâm vẫn chưa giải quyết thấu đáo quyền lợi, dẫn tới việc khiếu nại lâu năm.
“Gia đình chúng tôi thuộc hộ nghèo khó, nhà cửa dột nát, gia đình mong muốn Nhà nước có chính sách xứng đáng với cụ Ẩm để sửa sang lại nhà cửa, nhưng kêu mãi mà không được xử lý”, ông Kiều bùi ngùi.