Hiện nay Việt Nam đã tham gia nhiều điều ước quốc tế về sở hữu trí tuệ như: Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học; Công ước Paris về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp; Công ước Rome về bảo hộ người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, tổ chức phát sóng; Theo thỏa ước Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu hàng hóa và Nghị định thuê liên quan đến Thỏa ước Madrid; Hiệp ước hợp tác Patent (PCT); Thỏa ước LaHay về Đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp; Hiệp ước luật nhãn hiệu hàng hóa; Hiệp ước Budapest về sự công nhận quốc tế đối với việc nộp lưu chủng vi sinh; Công ước quốc tế về bảo hộ giống cây trồng mới (Công ước UPOV); Hiệp ước Washington về sở hữu trí tuệ đối với bố trí mạch tích hợp; Hiệp định thương mại về Quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS); Các hiệp định của WTO; Công ước thành lập Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO)…
Việc tham gia các điều ước quốc tế, một trong những điều kiện để hội nhập kinh tế quốc tế, chính là cam kết của Việt Nam về việc tuân thủ những yêu cầu rất chặt chẽ trong thực thi các quy định có liên quan đến sở hữu trí tuệ.
Đối với các doanh nghiệp, việc đăng ký nhãn hiệu ra nước ngoài không chỉ là điều kiện cần thiết để các doanh nghiệp của Việt Nam có thể gia nhập vào công đồng doanh nghiệp quốc tế mà còn đem lại những lợi ích nhất dịnh cho doanh nghiệp, có thể nói đến một số lợi ích như: Bảo hộ được nhãn hiệu của doanh nghiệp tại nước ngoài sẽ ngãn ngừa được các hành vi xâm phạm của bất kỳ một bên thứ ba nào; Việc đăng ký và tra cứu trước khi đăng ký cũng sẽ giúp doanh nghiệp tránh được những vụ xử lý vi phạm biết trước mình sẽ bị tương tự với bên nào (nếu có); Nâng cao giá trị thương hiệu của doanh nghiệp cũng như vị thế ở thị trường trong nước, các quốc gia trong khu vực và thế giới.
Có hai hình thức đăng ký nhãn hiệu ra nước ngoài. Hình thức thứ nhất, đăng ký nhãn hiệu thông qua hệ thống Madrid. Đây là hình thức nộp đơn đăng ký quốc tế đối với các nước là thành viên của Thỏa ước Madrid. Với hình thức này, các nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam chỉ cần nộp đơn tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam. Nhãn hiệu sẽ được bảo hộ tại các nước chỉ định nếu đạt tiêu chuẩn bảo hộ. Việc từ chối bảo hộ của một số nước sẽ không ảnh hưởng để việc bảo hộ tại nước khác.
Hình thức thức thứ hai là nộp đơn trực tiếp tại các nước chỉ định đăng ký. Các tài liệu nhãn hiệu để đăng ký nhãn hiệu tùy thuộc vào từng nước cụ thể. Doanh nghiệp có thể tự mình soạn thảo đơn và nộp đơn hoặc có thể thông qua đại diện sở hữu trí tuệ Việt Nam. Tự mình nộp đơn tại các quốc gia này có thể tiết kiệm được chi phí cho doanh nghiệp, tuy nhiên cũng có những rủi ro mà doanh nghiệp không thể lường trước được.
Như vậy doanh nghiệp có thể căn cứ vào hoạt động kinh doanh cụ thể của doanh nghiệp để lựa chọn phương thức đăng ký và quốc gia đăng ký nhãn hiệu.Tuy nhiên các doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ các thông tin và thủ tục đăng ký của mỗi quốc gia trước khi đưa các sản phẩm của mình tới quốc gia đó.
Cũng cần lưu ý, tại một số quốc gia, hồ sơ đăng ký yêu cầu cần có bản sao Giấy chứng nhận kinh doanh hoặc bản sao văn bằng được cấp tại Việt Nam hoặc giấy ủy quyền được công chứng và hợp pháp hóa lãnh sự.
Luật sư Nguyễn Văn Tuấn