Hướng dẫn học sinh tỉnh Ninh Bình thi thử Bài thi đánh giá năng lực

(PLVN) - Sở GD&ĐT Ninh Bình vừa có văn bản hướng dẫn tổ chức thi thử Bài thi đánh giá năng lực cho học sinh, học viên lớp 12.
Ninh Bình tổ chức thi thử Bài thi đánh giá năng lực để giúp thí sinh làm quen. (Ảnh minh họa từ Internet)

Theo Sở GD&ĐT Ninh Bình, kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy rất quan trọng vì nhiều cơ sở đại học, học viện sử dụng kết quả này để đánh giá đầu vào.

Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP HCM, Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm TP HCM, Đại học Ngân hàng TP HCM, Đại học Việt Đức, Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, các trường đại học, học viện thuộc Bộ Công an... đều tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để xét tuyển. Ngoài ra, đề án tuyển sinh đại học của nhiều trường khác cũng sử dụng kết quả của các kì thi này, đặc biệt là kết quả của kì thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội.

Do đó, nhằm giúp học sinh làm quen với cấu trúc bài thi, nội dung thi, hình thức thi, Sở GDĐT hướng dẫn tổ chức thi thử Bài thi đánh giá năng lực (ĐGNL) cho học sinh, học viên lớp 12 năm.

Đối tượng dự thi là học sinh lớp 12 các trường THPT và học viên lớp 12 các trung tâm GDNN-GDTX có nhu cầu tham gia thi thử.

Bài thi được xây dựng dựa trên dạng thức bài thi ĐGNL học sinh THPT ban hành kèm theo Quyết định số 01/QĐ-KT ngày 03/01/2023 của Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội.

Cụ thể về cấu trúc bài thi gồm 3 phần, Phần 1: Tư duy định lượng (Lĩnh vực Toán học) gồm 50 câu hỏi (gồm 35 câu hỏi trắc nghiệm khách quan 4 lựa chọn và 15 câu hỏi trắc nghiệm điền đáp án), thời gian làm bài tối đa 75 phút.

Phần 2: Tư duy định tính (Lĩnh vực Ngữ văn – Ngôn ngữ) gồm 50 câu hỏi trắc nghiệm khách quan 4 lựa chọn, thời gian làm bài tối đa 60 phút.

Phần 3: Khoa học (Lĩnh vực Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội) gồm 50 câu hỏi (trong đó 47 câu hỏi trắc nghiệm khách quan 4 lựa chọn và 3 câu hỏi trắc nghiệm điền đáp án), thời gian làm bài tối đa 60 phút.

Điểm tối đa toàn bài thi là 150 điểm (mỗi phần 50 điểm), với tổng thời gian tối đa làm bài thi là 195 phút.

Độ khó của các câu hỏi trong đề thi tăng dần từ mức độ nhận biết đến mức độ vận dụng và được phân định theo tỉ lệ: 20% nhận biết, 60% thông hiểu, 20% vận dụng.

Nội dung thi nằm trong chương trình cấp THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12. Phần 1 và phần 2 chủ yếu là kiến thức trong chương trình lớp 10, lớp 11 và lớp 12 lần lượt chiếm 10%, 20% và 70%. Phần 3 là kiến thức trong chương trình lớp 11 và lớp 12 lần lượt chiếm 30% và 70%.

Tham gia kỳ thi, thí sinh sẽ làm bài thi trên máy tính. Lịch thi sẽ diễn ra vào các ngày từ 28/3 đến 30/3/2023.

Sở GD&ĐT Ninh Bình đề xuất các đơn vị có thể tổ chức thi trực tuyến trên các website như: olm.vn, 789.vn, k12online.vn, trên Google form hoặc các nền tảng hỗ trợ thi trực tuyến khác. Đồng thời Sở giao các đơn vị chủ động nghiên cứu, lựa chọn nền tảng, liên hệ với nhà cung cấp dịch vụ để có cách thức tổ chức thi phù hợp với điều kiện nhà trường. Chủ động bố trí các ca thi, đáp ứng tối đa nhu cầu thi thử của học sinh.

Đọc thêm