Gìn giữ những thức quà giản dị
Ở Việt Nam, hoa sen đại diện cho vẻ đẹp thanh cao, thuần khiết, đã trở thành Quốc hoa được nhiều người yêu mến. Hoa sen cũng đi vào văn học, nghệ thuật với những bài thơ, văn, ca khúc được nhiều người biết đến, mang ý nghĩa đối với đời sống tinh thần.
Nhắc đến hoa sen, không thể quên được quận Tây Hồ (Hà Nội) nơi có sen bách diệp - một giống sen có 100 cánh, bông to, hương thơm đặc trưng rất khác biệt so với các loài sen khác. Người dân vùng ven Hồ Tây không chỉ bán hoa sen để trang trí nhà cửa, mà còn làm nhiều sản phẩm từ sen. Trong đó, thương hiệu trà sen Quảng An đã nổi tiếng lâu nay. Sen bách diệp đã góp phần tạo nên món trà ướp hương sen thơm ngát được vinh danh là “Thiên cổ đệ nhất trà”.
Mảnh đất Quảng An là một vùng sen rộng lớn của Hà Nội và đây cũng chính là cái nôi của nghề ướp trà sen nổi tiếng. Người dân nơi đây lưu giữ nghề ướp trà sen lâu đời và gìn giữ đến ngày nay.
Một số nghệ nhân nổi tiếng với nghề làm trà sen Tây Hồ được nhiều người biết đến như nghệ nhân Nguyễn Thị Dần hơn 100 tuổi, từ bé đã được sinh ra, lớn lên tại mảnh đất Quảng An, Tây Hồ. Gia đình bà có truyền thống lâu đời làm trà sen. Ngay từ trong dòng máu của bà thấm đẫm tình đối với loài sen, hương trà ở vùng đất Tây Hồ phong thủy hữu tình.
Như gia đình ông Ngô Văn Xiêm đã có 5 đời làm nghề ướp trà sen. Hiện tại, dù đã có tuổi nhưng ông vẫn tiếp tục ươm mùi hương trà từ đóa sen bách diệp. Con cháu trong nhà nối nghiệp ông giữ nghề truyền thống của gia đình. Để có nguồn sen đảm bảo ổn định, ông Xiêm đã thuê 10.000m2 đầm để canh tác sen bách diệp.
Nghề làm trà sen ở mảnh đất Quảng An không chỉ là một nghề nghiệp, mà hơn cả đó là nét đẹp truyền thống, nghệ thuật tinh tế của người dân nơi đây. Theo những nghệ nhân làm trà lâu năm, để làm được loại trà sen Tây Hồ thượng hạng nhất mất rất nhiều thời gian, công sức. Trong đó, loại sen làm trà phải là những bông sen mọc tại đầm làng Quảng Bá có cánh phớt hồng, nụ vừa chớm nở, cho hương đậm đà. Sen hái lúc sáng sớm đem về bóc cánh, tách gạo sen (thứ được ví như túi hương của bông sen) rồi đem ướp. Việc lấy gạo sen là công đoạn khó nhất, người làm phải nhanh tay, khéo léo sao cho gạo sen không bị vỡ nát, bay mất hương thơm, 1kg trà ướp sen theo cách truyền thống cần tới 1.000 - 1.400 bông sen, cứ một lượt trà lại rắc một lượt gạo sen.
Không chỉ nổi tiếng với trà sen, hương sen Việt Nam còn “thổi hồn” dệt nên những tấm lụa độc đáo, mềm mại, lan tỏa nét đẹp văn hóa của nước ta. Đó là câu chuyện của nghệ nhân Phan Thị Thuận (hơn 70 tuổi) ở xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, có nghề nuôi tằm, dệt lụa truyền thống. Sinh ra và lớn lên ở cái nôi của nghề dệt, ngay từ nhỏ bà đã được gia đình nuôi dưỡng tình yêu đối với những sợi tơ, kén tằm.
Sống ở miền quê Bắc Bộ, bà luôn dành tình yêu cho loài hoa sen. Đối với bà, hoa sen gắn bó đời sống sinh hoạt, tâm linh của mỗi người dân Việt Nam. Vì thương mến hương sen và vẻ đẹp thanh tao, thuần khiết của loài hoa này, năm 2017, lần đầu tiên bà Thuận bắt đầu nghiên cứu làm lụa tơ sen, nhưng sản phẩm đầu chưa ưng ý sau khi đánh giá qua quá trình sử dụng. Phải đến hai năm sau sản phẩm lụa tơ sen hoàn thiện, được đưa ra thị trường. Tuy nhiên, mỗi sản phẩm làm từ lụa sen tốn rất nhiều công sức và thời gian nên chỉ những người sành về lụa mới dám dùng hoặc đặt hàng mua.
Để lấy được lụa tơ sen, đòi hỏi nhiều công phu và cả sự kiên nhẫn. Vì hoa sen chỉ sinh trưởng, phát triển khoảng tháng 5 cho đến tháng 8, sau đó dần lụi tàn. Người thợ làm sen tranh thủ thời gian để thu hoạch cuống sen. Khi đã có cuống sen, thân sen, đài sen,... người thợ sẽ phân loại. Những cuống sen đạt chuẩn sẽ được người thợ dùng dao khứa xung quanh cuống sen, rồi dùng tay vặn và kéo tơ, ve cho sợi tơ sen tròn lại. Mỗi thân sen làm ra một mét sợi tơ. Thợ thạo việc rút trung bình 200 cuống lá sen một ngày. Để đào tạo một thợ thành thạo việc rút tơ sen mất một tháng, vì kỹ thuật dùng dao cắt đòi hỏi chính xác, nếu quá sâu vào thân sen thì sợi tơ sẽ đứt và ngắn.
|
Những sản phẩm từ hoa sen có giá trị rất cao. |
Tơ sen khi rút ra khỏi thân cây gặp nước luôn có màu trắng đục, nhưng khi khô và se thành sợi sẽ dần chuyển sang màu trắng sáng. Quá trình quay sợi người quay phải luôn chăm chú điều chỉnh để sợi không bị đứt. Công đoạn cuối cùng là dệt thành tấm lụa trên máy. Với những tấm lụa có hoa văn chìm, người đứng máy phải khéo léo tạo tác ngay khi đưa đẩy con thoi.
Đưa hương hoa sen vươn xa, bay cao
Tại khu vực Quảng An hiện chỉ còn khoảng 4 - 5 hộ là vẫn duy trì nghề làm trà sen từ xưa. Mỗi mùa sen, muốn làm được trà sen, là những người phụ nữ trong đại gia đình lại quây quần bên nhau. Những ai đã đến để mua trà, đến để xem làm trà sen Tây Hồ, thì sẽ cảm nhận, sẽ nhận ra được rằng, thứ hương sen thơm tinh túy của đất trời. Trà sen đã trở thành một thức quà hấp dẫn cả du khách trong nước và ngoại quốc. Hiện nay, tại quận Tây Hồ, không khó bắt gặp đoàn du khách nước ngoài vừa đến thưởng trà, vừa ưu nhã ngắm sen bách diệp vào độ trổ bông.
Trà sen Tây Hồ có nhiều tiềm năng để vươn mình đi xa hơn, trở thành một nét đẹp văn hóa của người Việt Nam trong mắt bạn bè năm châu. Thực tế, đã có rất nhiều quốc gia thành công khi đem trà ra thị trường thế giới. Lấy ví dụ như trà đạo Nhật Bản, trà Trung Quốc,...
Tuy nhiên, nghề ướp trà sen tại Quảng An đang gặp khó khăn do diện tích trồng sen bị thu hẹp, ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của sen; thị hiếu của người dùng, nhất là giới trẻ ngày càng ít quan tâm về trà và không thích uống trà. Hơn nữa, có nhiều người vẫn chưa hiểu, trân trọng các giá trị, lợi ích văn hóa, tinh thần và thể chất của việc thưởng trà nói chung, trà ướp sen nói riêng. Thành phố Hà Nội đã có kế hoạch phát triển, mở rộng diện tích trồng sen bách hợp để tôn vinh giá trị sen Hồ Tây và góp phần giữ gìn nghề truyền thống ướp trà sen nơi đây.
Để gìn giữ, phát huy nghề làm trà sen truyền thống, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định số 2316/QĐ-BVHTTDL về việc đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nghề thủ công truyền thống ướp trà sen Quảng An (phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội). Việc nghề thủ công truyền thống ướp trà sen Quảng An được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là tin vui để Hà Nội quyết tâm thực hiện các biện pháp bảo tồn, quảng bá và phát triển giá trị sen Tây Hồ.
|
Để hương sen Việt vươn xa, bay xa vẫn còn là một chặng đường dài. (Ảnh trong bài: PV) |
Cũng giống như trà sen, tơ sen dệt nên những tấm lụa cũng có nhiều tiềm năng để khai thác, nâng tầm quốc tế. Dù còn khá mới mẻ, nhưng lụa tơ sen của Phùng Xá đã bước đầu được quốc tế biết đến. Sản phẩm này từng được chọn làm quà tặng quốc tế tại các sự kiện quan trọng và được quảng bá rộng rãi tại cuộc thi Hoa hậu Quốc tế 2024. Đặc biệt, Việt Nam hiện là một trong số ít quốc gia trên thế giới có nghề dệt lụa tơ sen.
Tơ sen hiện nay ở trên thị trường quốc tế và Việt Nam có giá thành khá cao khoảng vài triệu cho đến vài chục hoặc thậm chí là vài trăm triệu. Đó là bởi độ công phu để tạo ra những tấm lụa tơ sen, nghệ nhân Phan Thị Thuận, người “tiên phong” trong lĩnh vực làm tơ sen cho biết. Cần khoảng hơn 1 tháng mới sản xuất được một chiếc khăn từ tơ sen. Vì vậy, giá thành cho một chiếc khăn tương đối lớn, thuộc phân khúc cao cấp.
Hiện nay, nghệ nhân Phan Thị Thuận cùng những người thợ làm lụa tơ sen đang nỗ lực đưa sản phẩm đến với thị trường quốc tế. Mặc dù các sản phẩm làm từ tơ sen hội tụ nhiều yếu tố để mở rộng ra những thị trường lớn trên thế giới. Ví dụ như, các sản phẩm làm từ tơ sen đã được công nhận là OCOP 5 sao. Tơ sen của nghệ nhân Phan Thị Thuận cũng có những câu chuyện hấp dẫn, độc đáo. Sản phẩm tơ sen đã và đang được thị trường quốc tế yêu thích, đánh giá cao nhờ sự độc đáo, giá trị nhân văn, nhân đạo tốt đẹp. Tuy nhiên, các tấm lụa tơ sen đang cần kết nối các thị trường, nâng cấp cơ sở vật chất, áp dụng những công nghệ mới để tăng năng suất, đảm bảo chất lượng sản phẩm để vươn mình ra quốc tế.