Các bị cáo có đơn kháng cáo gồm Nguyễn Ngọc Bảo (SN 1973, trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), Bùi Văn Thắng (SN 1987, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội), đều bị Tòa sơ thẩm kết án về tội Giết người; Phạm Thị Hồng Minh (SN 1988, quê Thái Nguyên), bị Tòa cấp sơ thẩm kết án về tội Không tố giác tội phạm.
Hai người tử vong vì chỗ ngồi ăn
Theo bản án sơ thẩm, khoảng 12h ngày 19/11/2012, anh Trần Hữu Tú, Đặng Quang Minh và vài người bạn khác rủ nhau đến một quán bún đậu trên phố Lê Ngọc Hân (quận Hai Bà Trưng) để ăn trưa. Sau ít phút tìm chỗ ngồi ngoài sân không được vì hết chỗ, họ nhìn thấy một chiếc bàn nhựa trống trước cửa nhà Nguyễn Ánh Hồ nên bảo chủ quán cho ra đấy ngồi.
Cùng lúc đó, Hồ và vợ là Phạm Thị Hồng Minh đi ra. Thấy nhóm khách lạ đang đòi chủ quán cho ngồi vào bàn mà vợ chồng mình ngồi ăn dở lúc nãy, Hồ lớn tiếng nói: “Bàn này có người rồi, đây là nhà tao, đéo thằng nào được ngồi”. Nghe vậy, anh Minh nói lại: “Thì chúng mày cứ ngồi tiếp đi”. Sau câu nói này, nhóm anh Minh kéo nhau vào trong nhà ngồi ăn.
Khoảng 10 phút sau, vợ chồng anh Trương Tùng Bách tới nhập hội với nhóm của anh Minh theo lời mời trước đó. Vừa ngồi xuống bàn, anh Bách được anh Minh cho biết vừa xảy ra va chạm với Hồ về chỗ ngồi ăn. Thấy Hồ là người quen nên anh Bách đi tới nói chuyện nhằm mục đích giảng hòa.
Tới nơi, anh Bách nghe thấy Hồ đang nói chuyện điện thoại, bảo ai đó “đến nhà chú ngay”. Thấy vậy, anh Bách hỏi Hồ: “Anh ơi, có chuyện gì”. Hồ đáp lời: “Mấy thằng trong kia thích lằng nhằng”. Nghe vậy, anh Bách nói, đó là người quen của em và xin được thay mặt họ xin lỗi, mong Hồ bỏ qua. Không chấp nhận lời xin lỗi trên, Hồ lại bảo anh Bách đi vào vì đó là chuyện của mình. Vừa lúc đó, anh Bách thấy Bùi Văn Thắng, Nguyễn Ngọc Bảo và Trần Tuấn Dũng đến gặp Hồ.
Trong khi đó, thấy anh Bách ra ngoài lâu chưa vào, anh Minh đi tìm thì gặp anh Bách đang ngồi nói chuyện với Hồ. Anh Minh bảo Bách nên vào ngồi cùng vợ. Vừa dứt lời, anh Minh bị Bảo quát. Nghe vậy, anh Minh bảo “toàn anh em quen biết cả”. Dứt lời, anh Minh bị Bảo túm cổ áo, định đánh.
Chứng kiến cảnh bạn bị túm cổ, anh Tú đi tới “giải cứu” bằng cách đập chiếc ghế nhựa vào người Bảo. Sau cú đập trên, anh Tú bị Bảo dùng dao đâm một nhát trúng ngực. Còn anh Minh bị Dũng và Thắng đánh đấm, ném chai bia vào người… Không dừng lại tại đó, Dũng còn chạy vào quán lấy kéo lao ra đâm, rạch vào vùng đầu, mặt, người của anh Minh. Hậu quả, anh Minh và anh Tú tử vong.
Hủy án sơ thẩm
Khoảng chục ngày sau khi gây án, Bảo bị bắt theo lệnh truy nã. Chiều cùng ngày, Hồng Minh tới cơ quan công an đầu thú. Quá trình điều tra, Bảo không thừa nhận có mặt tại hiện trường khi xảy ra vụ án, không tham gia đánh nhau với nhóm của anh Tú, chỉ có mặt sau khi vụ án đã xảy ra.
Sau đó, Bảo, Hồng Minh và Thắng khai đối tượng đâm anh Tú là Nguyễn Kim Thanh (SN 1972, ở Hoàng Mai, Hà Nội). Tiến hành điều tra xác minh, cơ quan chức năng xác định trong thời gian xảy ra vụ án, anh Thanh có chứng cứ ngoại phạm. Theo CQĐT, việc khai báo nêu trên của Bảo, Thắng không có căn cứ, khai như vậy là nhằm chối tội.
Đầu tháng 11/2016, vụ án trên được TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử sơ thẩm. Tại tòa, Nguyễn Ngọc Bảo tiếp tục kêu oan trong khi Bùi Văn Thắng nhận tội và đề nghị HĐXX xem xét, khoan hồng cho các bị cáo.
Sau khi nghị án, HĐXX tuyên Nguyễn Ngọc Bảo tù chung thân, Bùi Văn Thắng 18 năm tù về tội Giết người. Vợ chồng Hồ lĩnh từ 20 tháng đến 30 tháng tù về tội Không tố giác tội phạm. Đối với Trần Tuấn Dũng hiện đang bỏ trốn, cơ quan điều tra đã ra quyết định truy nã nhưng chưa bắt được. Do đó, CQĐT đã ra quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự, tạm đình chỉ điều tra bị can đối với Dũng, khi nào bắt được sẽ xử lý sau.
Sau phiên tòa sơ thẩm ít ngày Bảo kháng cáo kêu oan, Thắng kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt còn Hồng Minh kháng cáo xin được hưởng án treo. Phía bị hại cũng kháng cáo, đề nghị làm rõ hung thủ chính trong vụ án.
Gần một năm sau phiên tòa sơ thẩm, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã đưa vụ án trên ra xét xử theo trình tự phúc thẩm. Tại tòa, HĐXX thấy lời khai của nhân chứng Bách (đang thụ án án trong một vụ khác, không trích xuất được) có nhiều mâu thuẫn về nhận dạng nghi phạm gây án...
Tại phiên tòa sơ thẩm, nhân chứng này không có mặt đối chất với bị Bảo nhưng tòa sơ thẩm vẫn sử dụng làm chứng cứ để kết luận vụ án là sai sót nghiêm trọng… Do đó, cấp phúc thẩm tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại theo hướng thay đổi tội danh đối với một bị cáo trong vụ án.