Cán bộ xã “giấu nhẹm” biệt tài
Đến xã Thạch Định, hỏi thăm nhà anh Lưu Văn Hữu (34 tuổi) “ăn thủy tinh”, ai cũng biết. Một người đàn ông tốt bụng khoảng hơn 50 tuổi tình nguyện dẫn chúng tôi đến ngay cổng nhà nhân vật, vừa đi ông vừa giới thiệu:
“Anh Hữu hiện đang làm Trưởng ban văn hóa xã Thạch Định. Ban đầu, nghe người ta đồn đại những việc kỳ quái ấy, dân làng không ai tin. Mãi sau này tận mắt chứng kiến anh Hữu ăn thủy tinh nhai cứ rôm rốp như nhai bắp rang, ai cũng phải trố mắt, há miệng, thán phục”.
Hỏi đến “sở thích” ăn thủy tinh, anh Hữu lẳng lặng đứng bật dậy lấy một ly thủy tinh đập vỡ thành từng mảnh sắc lẹm rồi từ từ đưa vào miệng nhai ngấu nghiến. Khi miếng thủy tinh đã bị nhai nhỏ vụn, anh Hữu nuốt ực một cái. Tiếng nhai rôm rốp cùng vẻ mặt bình thản của anh khiến khách kinh ngạc không chớp được mắt.
Anh Hữu khua tay vẻ ái ngại: “Chẳng phải to tát gì nên tôi cũng không muốn khoe ra. Tính đến nay, tôi ăn thủy tinh được gần cả 20 năm, đến cả gia đình, bạn bè đồng nghiệp cũng chỉ biết vài năm nay thôi. Vì sợ người ta đồn đại nhiều phiền phức nên tôi giấu nhẹm”.
Anh kể, có lần cơ quan nghe đồn đại chuyện lạ này thì không tin vì họ đều làm việc cùng anh nhiều năm nhưng chưa từng thấy. Tuy trong giờ làm việc, song tò mò nên cả cơ quan hàng chục người bắt anh Hữu lên hội trường xã “trổ tài” cho kỳ được.
Ngại ngùng là vậy, song anh Hữu cũng ăn hết được một cái bóng đèn và vài ly thủy tinh. Hàng chục người tròn mắt ồ lên.
|
Anh Lưu Văn Hữu “trổ tài” ăn thủy tinh. |
Có đợt khác, anh bị ốm nằm viện, phải điều trị bằng những loại thuốc dạng dung dịch bỏ trong ống thủy tinh nhỏ dùng để tiêm. Anh Hữu khác người, bèn nói các y bác sĩ “đưa tôi nhai là được”. Ai cũng tưởng anh nói đùa. Nhưng anh Hữu không đùa, anh bỏ ống thuốc thủy tinh vào miệng “chén” ngon lành. Bác sĩ cùng các các bệnh nhân khác trong phòng sửng sốt không thốt được nên lời.
Đến nay, sở thích ăn thủy tinh đã thành thói quen khó bỏ đối với anh. Những bóng đèn, ly thủy tinh hay cả những ly, chén bằng gốm sứ hư trong nhà, anh đều ăn hết.
Trong tất cả những vật dụng đã từng ăn, anh Hữu chia sẻ những chiếc ly, chén làm bằng gốm sứ được nung ở nhiệt độ cao là ăn “khó nhai” nhất bởi chúng rất dày, cứng.
Chém dao vào tay không đứt?
Ăn thủy tinh gần 20 năm liên tục mà không hề ảnh hưởng tới sức khỏe, nhất là dạ dày, anh Hữu cười bộc bạch: “Những năm học cấp hai, tôi có theo học võ của môn phái "Thất Sơn Thần Quyền". Để ăn được thủy tinh là việc không dễ dàng và không phải ai cũng làm được.
Trong môn phái tôi theo học, chỉ có khoảng 20% môn sinh ăn được. Có người chỉ cần thử một lần là lần sau sợ tái mặt không dám đụng tới. Thời ấy, chúng tôi còn ngồi nhắm rượu với sư phụ bằng thủy tinh mà dạ dày cũng chẳng sao”.
Anh còn tiết lộ, ăn được thủy tinh chỉ là “tài lẻ” đối với các môn sinh môn phái này ở trình độ cao. Nhiều người còn đạt đến sức mạnh “siêu nhiên” như công phá chai, gạch ngói bằng nội lực. Thậm chí môn võ này còn chữa được bệnh tật, chém dao vào người không đứt…
Anh Hữu tuy chưa đạt đến “cảnh giới” ấy nhưng những khả năng trên anh đều đã “thử” qua. “Thời còn sinh viên, đến ngày 8/3 các bạn nam trong lớp phải góp một tiết mục văn nghệ. Tôi thì hát hò kém, không nghĩ ra được trò gì nên làm liều lên sân khấu thể hiện mấy trò này. Lần đó cũng là lần đầu tiên tôi dám thử chém dao vào cánh tay. Ban đầu cũng sợ rủi ro nhưng may sao nó thành công. Sau hôm ấy, tôi trở thành người nổi tiếng khắp trường”, anh Hữu thổ lộ.
Anh cũng cho biết, môn phái “Thất Sơn Thần Quyền” còn có tên gọi khác là “võ ma” hay “quyền thề” có xuất xứ từ Ấn Độ. Tên gọi “võ ma” do những người học võ này cho rằng, quyền cước chỉ xuất hiện khi có “ma” nhập vào.
Còn tên gọi “quyền thề” được lí giải, người học môn võ này không chỉ học luyện các đường “quyền” mà còn phải thuộc các lời thề như: Kiêng ăn thịt chó, thịt bò, cá chép… và điều quan trọng nhất là không được lợi dụng võ công để làm điều ác.
Nếu vi phạm lời thề thì nội lực sẽ bị suy giảm đáng kể hoặc bị đau bụng, nặng hơn là bị “tẩu hỏa nhập ma”. Hiện nay, một số huyện miền núi phía Tây ở Thanh Hóa và nghệ An vẫn còn có người theo học môn võ này.
Người được nhận vào môn phái này cũng phải đạt những tiêu chuẩn như không có tiền án, tiền sự, đặc biệt phải có niềm tin vào môn võ mình theo học.
Lễ nhập môn và thủ tục kết nạp đệ tử cũng khá đơn giản nhưng thú vị. Môn sinh chỉ cần đem theo rượu, chè, sau đó sư phụ sẽ dùng khói hương thổi vào người rồi ấn bàn tay vào lưng truyền “nội công” và môn sinh sẽ phải đấm đá liên tục để “đả thông kinh mạch”.
Người học võ này sẽ phải luyện tập ở những nghĩa địa vào lúc nhá nhem tối hay sáng sớm không có bóng người qua lại.
Huyền bí “võ ma”
Cũng theo anh Hữu: “Sức mạnh của môn võ này chính là ở nội lực. Cũng như các môn võ khác, “quyền thề” sẽ có những bài tập từ thấp đến cao. Đầu tiên, người tập sẽ được nhận đai vàng và trải qua khoảng bốn tháng luyện tập. Trong thời gian này, môn sinh ít nhất phải công phá đạt từ 2 - 5 viên gạch.
Tiếp đó, nếu muốn lên được đai đỏ, họ sẽ phải luyện đến “chiêu” đập chai thủy tinh cứng vào đầu, ăn mảnh thủy tinh. Quá trình khổ luyện lên đai này phải mất vài ba năm. Sau khi môn sinh thành thục các khả năng trên, sư phụ mới làm lễ "tốt nghiệp" cho phép môn sinh tự mở võ đường thu nhận võ sinh. Điều quan trọng mà môn sinh theo học phải có chính là “niềm tin” vào môn võ. Nếu không tin, có tập luyện bao nhiêu cũng không đạt được gì”.
Ngoài sức mạnh “siêu nhiên” trên, nhiều môn sinh trong đó có anh Hữu còn có thể chữa được các bệnh như: thổi cầm máu nếu bị thương, chữa đau răng, đau đầu, đau lưng, bong gân, u nhọt… bằng phương pháp lạ.
Anh Hữu nói: “Năm tôi 14 tuổi, có thằng bé nhà hàng xóm bị bệnh quai bị. Cứ nghe người ta mách nước như nào là nhà họ làm theo thế, nhưng bệnh cũng không bớt. Tôi cầm theo nén hương sang thổi, thế là bệnh khỏi. Ai nghe chuyện cũng bảo mê tín, không tin. Chính tôi ban đầu cũng không tin mình lại có thể làm được những việc đó. Còn rất nhiều điều kỳ diệu khó tin khác, dẫu vậy, chỉ có những người đi theo môn võ này mới có thể hiểu được”.
Tuy nay đã là một cán bộ xã bận rộn nhưng anh Hữu vẫn “lén” gia đình “luyện công”. Anh khẳng định, việc theo học môn võ “Thất Sơn Thần Quyền” và có khả năng khác người ấy không hề ảnh hưởng tới cuộc sống đời thường của mình.
Tuy nhiên, người cán bộ xã muốn nhắn nhủ: “Nhiều người không hiểu sẽ cho rằng đây là môn võ “ma”, mê tín. Song thực tế, các môn sinh của môn võ luôn lấy khả năng của mình làm điều thiện giúp đời. Vì vậy, tôi mong những môn sinh theo học hãy luôn hướng thiện, phát huy những tinh túy của môn võ”./.