Huyện Bù Gia Mập, Bình Phước: Nhiều người kêu cứu vì 'mất đất' sau khi vay tiền

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo phản ánh của một số người dân tại huyện Bù Gia Mập (Bình Phước), do là người dân tộc thiểu số, thật thà, thiếu hiểu biết nên họ đã bị dụ dỗ ký giấy tờ bán đất để “vay tiền”, dẫn đến việc bị mất cả thửa đất có giá trị lớn hơn rất nhiều so với số tiền thực vay.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo trình bày của ông Điểu Bảy (dân tộc Stiêng, SN 1972, trú tại thôn Bình Hà 2, xã Đa Kia, huyện Bù Gia Mập), vào năm 2019, biết ông cần tiền để trả nợ ngân hàng, bà T.T.K.O (người cùng huyện) đã gợi ý sẽ cho ông vay tiền nếu làm thủ tục chuyển nhượng đất, với lời hứa hẹn, “Khi nào hết hợp đồng hoặc có tiền trả thì bà K.O sẽ chuyển nhượng lại”.

Vì tin người và cần tiền gấp, ông Điểu Bảy đã đồng ý và ký Hợp đồng chuyển nhượng đất thửa số 46, tờ bản đồ số 10; diện tích 13.167,4m2 với giá 100 triệu đồng. Sau khi có Hợp đồng, bà K.O đã sang tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) rồi chuyển nhượng tiếp cho vợ chồng ông T (thị xã Phước Long, Bình Phước). Hiện nay, ông Bảy đang liên tục bị ông T đòi đất và không cho thu hoạch hoa lợi trên đất.

Cũng là người dân tộc Stiêng, ông Điểu Phương (SN 1972, trú tại thôn Bình Giai, xã Phước Minh, Bù Gia Mập) vừa qua đã có đơn tố cáo bà Đ.T.K.B (xã Đức Hạnh, Bù Gia Mập) về dấu hiệu chiếm đoạt tài sản của gia đình ông. Theo ông Điểu Phương, do biết ông có nhu cầu vay vốn ngân hàng để làm ăn, bà B đã hứa giúp làm thủ tục với điều kiện phải làm thủ tục chuyển nhượng đất

Tin lời chỉ chuyển nhượng giả để làm thủ tục thế chấp vay tiền, ông Điểu Phương đã ký Hợp đồng chuyển nhượng 138.000m2 đất cho bà B. Sau đó, bà đã thực hiện chuyển nhượng thửa đất trên cho người khác.

Tuy nhiên, trong vụ việc này, Cơ quan CSĐT Công an huyện Bù Gia Mập lại có văn bản cho rằng, “...ông Điểu Phương nhờ Đoán đứng tên GCNQSDĐ vay hộ ông Phương số tiền 100 triệu đồng... Sau đó, Đoán đưa cho ông Điểu Phương số tiền 60 triệu đồng”.

Tuy nhiên, trình bày với PV, ông Phương vẫn khẳng định đã giao GCNQSDĐ, sổ hộ khẩu, chứng minh thư cho bà B để nhờ vay tiền chứ không liên quan tới bà Đoán.

Một trường hợp khác, ông Điểu DRơi (SN 1967, trú tại thôn Bình Hà 2, xã Đa Kia, Bù Gia Mập) cho biết, vào năm 2018, do gặp khó khăn nên ông đến nhà ông H.V.Đ (cùng xã) vay tổng cộng 358 triệu đồng và mua chịu một xe máy SH cũ (trị giá 58 triệu đồng)

Khi thanh toán số tiền lãi, ông Điểu DRơi mới “ngã ngửa” vì bị ông Đ tính lãi 900 triệu trong 4 tháng (tức lãi suất lên tới 20%/ngày) dù trước đó chỉ thỏa thuận lãi 2%

Từ việc bị tính lãi suất “cắt cổ” và chịu “lãi mẹ đẻ lãi con” như trên, ông Điểu DRơi đã phải sang nhượng tổng cộng 5 thửa đất (rộng cả mẫu đất) cho người khác để khoản nợ lên tới 1 tỷ 750 triệu đồng. Theo ông Điểu Drơi, trong vụ việc này, đã có dấu hiệu sửa chữa giấy vay tiền, từ lãi suất 2% thành 20%, khiến ông bị mất mát số lượng lớn tài sản như trên.

Vụ việc mà 3 người dân trên cho là đã bị lợi dụng sự thiếu hiểu biết, bị mất tài sản như trên cần sớm được cơ quan chức năng huyện Bù Gia Mập và tỉnh Bình Phước vào cuộc, làm rõ để kịp thời ngăn chặn, hoặc cảnh báo về sự nhẹ dạ, cả tin, thiếu hiểu biết của người dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Đọc thêm