Huyện Cái Bè (Tiền Giang): Xã Mỹ Lợi B về đích nông thôn mới 2020

(PLVN) - Là một xã nông nghiệp, xã Mỹ Lợi B, huyện Cái Bè (Tiền Giang) đã tận dụng những ưu thế, gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới 2015 – 2020.
Diện mạo nông thôn mới khởi sắc.

Biến nông nghiệp thành thế mạnh phát triển kinh tế

Với quỹ đất nông nghiệp dồi dào, được phù sa bồi lắng thuận lợi cho các loại cây trồng, cùng hệ thống kênh rạch cho phép các phương tiện thủy, bộ có trọng tải nhỏ đến lớn lưu thông thuận lợi; xã Mỹ Lợi B đã khai thác tốt tiềm năng và phát huy thế mạnh để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. 

Xã Mỹ Lợi B có 85% diện tích đất sản xuất nông nghiệp, trong đó diện tích trồng lúa khoảng 1.100ha, cây ăn trái khoảng 570ha. Hàng năm để chuẩn bị gieo sạ, UBND xã phối hợp cùng HTX tại địa phương, công ty lương thực, cơ sở sản xuất giống nhằm đảm bảo công tác thu mua lúa cho người nông dân.

Đến nay, HTX đã ký hợp đồng tiêu thụ lúa với giá cả ổn định, có lợi cho người nông dân; đồng thời tham gia mô hình cánh đồng lớn, dự án Vnsat (dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững) mang đến nhiều cơ hội làm giàu cho người nông dân, biến tiềm năng thành thế mạnh trong phát triển kinh tế tại địa phương.

Đối với diện tích vườn cây ăn trái người dân chuyển đổi trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như: sầu riêng, cam, xoài… đều phù hợp với quy hoạch.

Hệ thống kênh rạch thuận lợi cho giao thông đường thủy và vận tải đường thủy phát triển với các tuyến kênh Cổ Cò, Nguyễn Văn Tiếp, Rạch Ruộng thông ra sông Tiền ở phía Nam và Bắc, thuận tiện cho phát triển thương mại, dịch vụ nhất là ngành xay xát, xấy lúa hay vận chuyển hàng hóa nông sản đến các chợ đầu mối trái cây để tiêu thụ. Hệ thống đê bao, cống bọng được thường xuyên kiểm tra, rà soát nhằm đánh giá khả năng đáp ứng nhu cầu sản xuất, dân sinh, phòng chống hạn mặn.

Toàn xã hiện nay có 69 hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm, có kế hoạch tiêm phòng định kỳ 2 lần/ năm và tiêm phòng bổ sung cho các hộ tái đàn. Tỷ lệ hộ chăn nuôi có chuồng trại đảm bảo vệ sinh đạt trên 70%.

Chuồng trại chăn nuôi được xây dựng nằm cách biệt với nhà ở, nguồn nước sinh hoạt, có hệ thống bioga xử lý chất thải để không ảnh hưởng tới môi trường sống xung quanh. Không những thế, 100% các hộ, cơ sở sản xuất kinh doanh các ngành nghề trồng trọt, chăn nuôi, khai thác nông lâm thủy sản, nuôi trồng thủy sản còn cam kết tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, chính quyền UBND xã Mỹ Lợi B còn phối hợp với các tổ chức, đoàn thể đẩy mạnh sản xuất chuyển đổi cây trồng, vật nuôi; phát triển kinh tế hộ gia đình. Tập trung quy hoạch sản xuất theo hướng liên kết, phát huy hiệu quả mô hình kinh tế tập thể, trang trại gắn với đào tạo nghề để giải quyết việc làm cho người lao động.

 Ổn định đầu ra đối với nông sản cho bà con nông dân.

Xây dựng phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi để xóa nghèo như mô hình làm vườn, chăn nuôi… đạt được nhiều kết quả. Với nhiều giải pháp thiết thực, đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người tại xã Mỹ Lợi B đạt 52,15 triều đồng/ người/ năm (năm 2015 chỉ đạt 29 triệu đồng/ người/ năm); tỷ lệ lao động có việc làm đạt tới 93,7% chủ yếu trong các lĩnh vực nông - ngư nghiệp, lao động qua đào tạo đạt 43,92%.

Trong thời gian tới, UBND xã cần thực hiện nhiều hoạt động đẩy mạnh đào tạo ngành nghề nhằm nâng cao tỷ lệ lao động các lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ… 

Phát huy hơn nữa vai trò lãnh đạo của cán bộ địa phương

Xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, nâng cao đời sống vật chất – tinh thần cho nhân dân; đồng thời phát huy những giá trị truyền thống, bảo đảm an ninh – quốc phòng, giữ vững ổn định chính trị tại địa phương; Đảng ủy, UBND xã Mỹ Lợi B đã làm tốt công tác dân vận, phát huy tốt vai trò của các tổ chức, đoàn thể để đưa xã Mỹ Lợi B phát triển đồng bộ.

Hệ thống giao thông được trải nhựa, cứng hóa cơ bản; 100% hộ dân có điện trong sinh hoạt, sản xuất; hệ thống trường học đạt chuẩn; cơ sở vật chất văn hóa đảm bảo nhu cầu giải trí, vui chơi, thể thao cho người dân. Đặc biệt, với đặc thù là xã có nhiều kênh rạch, trẻ em trong độ tuổi tiểu học và THCS đều được các trường học rèn luyện kỹ năng bơi lội để đảm bảo an toàn trong nhiều năm qua. 

Hiện nay, trên địa bàn xã Mỹ Lợi B không còn nhà tạm, dột nát; tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 2,93%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 86%; cảnh quan môi trường được đảm bảo với nhiều tuyến đường được cải tạo, phủ xanh, chất thải rắn và rác sinh hoạt được thu gom và xử lý theo quy định. 

Bên cạnh đó, công tác cải cách hành chính và hướng dẫn, phổ biến pháp luật đến cán bộ công chức và người dân được quan tâm, đẩy mạnh. Trong những năm qua, trên địa bàn xã không xảy ra các vụ trọng án, cháy nổ, tai nạn giảm mạnh, các tệ nạn xã hội giảm so với cùng kỳ năm 2019.

Đến nay xã Mỹ Lợi B đã hoàn thành 19/19 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, đạt được kết quả trên là nhờ sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Huyện ủy – UBND huyện, sự phối hợp các ngành huyện, của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân.

Ông Trần Nhựt Khoa – Chủ tịch UBND xã Mỹ Lợi B cho biết: Đảng ủy, chính quyền xã cần phát huy hơn nữa vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành trong quá trình quy hoạch, kế hoạch, tổ chức thực hiện xây dựng nông thôn mới theo phương châm Thống nhất – tự giác – hợp tác – phát triển – dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và Phát triển sản xuất là gốc, nâng cao đời sống nhân dân là mục tiêu, lợi ích mang lại cho nhân dân là động lực để nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới; đồng thời, xây dựng đội ngũ xã, ấp đủ trình độ, năng lực để thực hiện tốt công tác theo yêu cầu mới.

Trong thời gian tới, xã Mỹ Lợi B sẽ tiếp tục phổ biến, giúp người dân ý thức được vai trò, quyền lợi trong xây dựng nông thôn mới với phát triển kinh tế gia đình; duy trì đào tạo nghề cho lao động, nhất là các hộ có hoàn cảnh khó khăn để tự vươn lên trong cuộc sống; chuyển đổi ngành sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân; mời gọi đầu tư, tăng giá trị các sản phẩm nông nghiệp; đồng thời lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống tại địa phương.

Đọc thêm