Huyện đòi kiện xã lấy lại tiền tạm ứng: Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo gì?

(PLVN) - Việc huyện Thiệu Hóa cho xã Thiệu Công ứng 3,1 tỷ đồng là vi phạm nghiêm trọng quy định của Luật Ngân sách. Tuy nhiên, huyện này lại khẳng định làm đúng theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa và theo Kết luận của Ban Thường vụ Huyện ủy.
Trụ sở UBND huyện Thiệu Hóa
Trụ sở UBND huyện Thiệu Hóa

Chủ tịch tỉnh chỉ đạo gì?

Như Báo PLVN phản ánh, trong giai đoạn 1997 – 2006 cán bộ xã Thiệu Công đã thu tiền hợp thức hóa đất ở của các hộ dân, để lập hồ sơ cấp sổ đỏ sai quy định. Cơ quan CSĐT huyện Thiệu Hóa cũng khẳng định sai phạm của 5 cá nhân liên quan là nghiêm trọng. Riêng ông Trịnh Đình Thai với vai trò là Chủ tịch UBND xã - người trực tiếp chỉ đạo họp đề ra chủ trương, mức thu và thành lập Ban thu tiền tổ chức thực hiện,… đã buông lỏng việc quản lý, không kiểm tra, giám sát công tác quản lý tài chính thu chi ngân sách tại địa phương là một trong những nguyên nhân chính để xảy ra sai phạm. 

Tuy nhiên, tại thời điểm điều tra năm 2018, các hành vi phạm tội của các cá nhân này đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự nên không khởi tố vụ án. Chính vì thế, các cá nhân này đã vô sự.

Sự việc nghiêm trọng này là nguyên nhân dẫn đến việc nhiều người dân xã Thiệu Công tập trung khiếu nại, khiếu kiện lên các cấp chính quyền từ xã đến tỉnh để đòi lại tiền và công bằng. Ngày 26/12/2018, ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã trực tiếp về xã Thiệu Công để đối thoại với người dân.

Ngày 28/12/2018, UBND tỉnh Thanh Hóa ra Thông báo 228/TB-UBND ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng. Theo đó, UBND xã Thiệu Công là cơ quan chịu trách nhiệm hoàn trả số tiền xã đã sử dụng và thu tiền của các cá nhân vi phạm hoàn trả cho nhân dân trong thời hạn 10 ngày. “Việc thanh toán phải công khai, minh bạch, không để các hộ phải thỏa thuận. Đồng thời, phải xin lỗi nhân dân về sai phạm của cán bộ các thời kỳ trong thực hiện nhiệm vụ”.

Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các cá nhân có trách nhiệm phải trả lại tiền cho các hộ dân, nếu không thực hiện phải tổ chức cưỡng chế. Cùng với đó, Chủ tịch UBND huyện Thiệu Hóa chịu trách nhiệm chỉ đạo giải quyết vụ việc, có trách nhiệm chỉ đạo giải quyết dứt điểm vụ việc, có biện pháp buộc các cá nhân có sai phạm hoàn trả lại tiền cho UBND xã Thiệu Công. 

“Trong thời hạn 10 ngày, dù thu được tiền hay chưa thu được tiền của các cá nhân vi phạm cũng phải có biện pháp (kể cả ứng tiền) hoàn trả xong cho nhân dân. Đồng thời chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm của cán bộ UBND xã Thiệu Công trong việc để xảy ra kiếu kiện đông người, kéo dài…”, thông báo nêu rõ.

Tạm ứng “thần tốc”

Ngay sau chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, chỉ trong một ngày 5/1/2019, số tiền 3,1 tỷ tạm ứng được hoàn thành các quy trình với tốc độ “đáng nể”. Bước đầu, UBND xã Thiệu Công gửi văn bản đề nghị tạm ứng 3,1 tỷ đồng đến UBND huyện Thiệu Hóa. Sau đó, UBND huyện Thiệu Hóa gửi công văn tới Huyện ủy Thiệu Hóa để xin chủ trương; rồi Ban Thường vụ Huyện ủy Thiệu Hóa tổ chức họp và đồng ý với chủ trương.

Khi đã có chủ trương, Chủ tịch UBND huyện Thiệu Hóa Nguyễn Văn Súy ký Quyết định số 10/QĐ-UBND tạm ứng 3,1 tỷ đồng từ nguồn ngân sách huyện năm 2019 cho xã Thiệu Công để chi trả bồi thường cho 79 hộ dân. Quyết định cũng nêu thời gian xã Thiệu Công hoàn ứng là ngày 30/6/2019.

Tiền chi rất nhanh, nhưng tiền hoàn ứng thì trái ngược, quá hạn mà chưa thấy đâu. Ngày 17/9/2019, Chủ tịch UBND huyện gửi công văn đến Kho bạc Nhà nước huyện Thiệu Hóa đề nghị Giám đốc Kho bạc tạm giữ số tiền sử dụng đất của UBND xã Thiệu Công để buộc xã này hoàn ứng như đã cam kết, nhưng không có kết quả.

Ngày 31/12/2019, huyện Thiệu Hóa ra Quyết định số 4920/QĐ-UBND về việc thu hồi tạm ứng, hoàn trả ngân sách số tiền rồi đến ngày 11/2/2020 tiếp tục thúc xã Thiệu Công bằng Quyết định số 1039/QĐ-UBND, nhưng tiền vẫn không về kho bạc.

Cuối cùng, ngày 20/4/2020, UBND huyện Thiệu Hóa ra Thông báo 689 yêu cầu UBND xã Thiệu Công cùng với việc hoàn trả kinh phí tạm ứng cho UBND huyện thì cần củng cố, hoàn tất hồ sơ khởi kiện ra Tòa án các trường hợp thu tiền sai quy định của người dân.

Thông báo cũng nhấn mạnh, nếu lãnh đạo xã Thiệu Công không thực hiện nghiêm việc hoàn trả tiền tạm ứng thì Trưởng phòng Nội vụ huyện tham mưu để xử lý cán bộ xã Thiệu Công không thực hiện các văn bản chỉ đạo của huyện. Đồng thời, UBND huyện sẽ báo cáo Ban Thường vụ Huyện ủy để xem xét xử lý các cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý, làm cơ sở để xử lý theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên đến nay sự việc vẫn “dậm chân tại chỗ”.

Trả lời báo chí, ông Trịnh Duy Sở, Chủ tịch UBND xã Thiệu Công, thừa nhận xã có vay của UBND huyện 3,1 tỉ đồng để giải quyết các sai phạm do cán bộ tiền nhiệm để lại. Sau khi vay tiền của huyện để hoàn trả nợ cho dân, xã nhiều lần có văn bản mời các ông Trịnh Văn Minh, nguyên kế toán ngân sách xã, Lê Văn Nghệ, nguyên thủ quỹ ngân sách xã và Nguyễn Văn Hồng, nguyên cán bộ địa chính xã nhưng không được.

Cũng theo ông Sở, xã đã gửi đơn khởi kiện các cá nhân trên để thu hồi tiền sai phạm nhưng TAND cấp huyện, cấp tỉnh không thụ lý với lý do hồ sơ không rõ ràng, đầy đủ “nên giờ xã cũng chẳng còn cách nào cả”.

Đọc thêm