Huyện Đông Hải, Bạc Liêu: Nên tôn trọng người dân

(PLO) - Sau khi Báo PLVN có bài “Huyện Đông Hải, Bạc Liêu: cần giải quyết thỏa đáng cho quyền lợi của người dân”, ông Bùi Đình Túy (Chủ tịch UBND huyện Đông Hải) cùng Chánh Thanh tra Nhà nước huyện, Phó Trưởng phòng TN&MT và Phó Chánh Văn phòng UBND huyện đã có buổi làm việc với phóng viên (PV) Báo PLVN.
Khu đất thu hồi theo Quyết định 190, trước đây là ruộng muối, nay đã là khu phố liền kề và Trung tâm thương mại huyện

Có khuất tất hay không?

Tại buổi làm việc, đại diện UBND huyện Đông Hải đã cung cấp cho PV một số văn bản liên quan, trong đó có Quyết định 190/QĐ-UBND ngày 8/11/2006 (do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Hoàng Bê “ký thay” Chủ tịch UBND tỉnh) về việc thu hồi quyền sử dụng đất đối với Xí nghiệp Đông lạnh Gành Hào tại khu vực 4, thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải và các hộ dân”.

Luật sư Hà Văn Sơn (Đoàn Luật sư TP Cần Thơ) bình luận: “Quyết định thu hồi quyền sử dụng đất (QSDĐ) thì Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND các cấp không có thẩm quyền ký ban hành. Chủ tịch hay Phó Chủ tịch UBND chỉ ký ban hành quyết định với tư cách là “thay mặt” cho UBND mà thôi. Tại Quyết định 190 nêu trên, Phó Chủ tịch UBND “ký thay” Chủ tịch là vượt thẩm quyền của UBND. Người dân có thể khởi kiện hành chính, yêu cầu tòa hủy bỏ quyết định này?!” .

Còn về nội dung, tại Điều 1 quyết định nêu rõ, thu hồi QSDĐ đối với Xí nghiệp Đông lạnh Gành Hào và giao diện tích thu hồi cho UBND huyện Đông Hải quản lý sử dụng theo kế hoạch. Vị trí khu đất: Khu vực 4-thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu. Diện tích thu hồi: 102.945,10 m2 (gần 10,3ha - PV), trong đó trừ 696,90m2 do sạt lở. Diện tích thu hồi bao gồm: 11.496,70m2 do Cty XNK Thủy sản Hộ Phòng quản lý. Diện tích do các cơ quan huyện và hộ dân quản lý: 91.448,40m2 (gần 9,15ha - PV)…

Tại buổi làm việc, PV đã đặt ra một số vấn đề cần phải làm rõ như: Đất của Xí nghiệp Đông lạnh Gành Hào (thuộc tỉnh Minh Hải cũ) nay có phải là diện tích đất do Cty XNK Thủy sản Hộ Phòng (thuộc tỉnh Bạc Liêu) quản lý hay không? Nếu đúng thì diện tích đất này chỉ 11.496,90m2 (gần 1,15ha - PV), trong khi đó, quyết định 190 thu hồi hơn 10,24 ha? Diện tích gần 9,2 ha theo Quyết định 190 là của các cơ quan huyện và các hộ dân quản lý thì cụ thể là cơ quan nào, hộ dân nào?

Thứ hai, cơ quan tham mưu cho UBND huyện dựa trên bản vẽ thực tế nào để phân định và thu hồi đất đúng theo vị trí đất trong Quyết định 190? Diện tích hơn 10,24ha này UBND huyện lấy làm dự án Khu trung tâm thương mại và nhà ở thương mại liền kề thì hồ sơ pháp lý khi xây dựng dự án này căn cứ vào quy định nào?

Trước những thắc mắc trên, ông Bùi Đình Túy cho biết: “Tôi sẽ chỉ đạo cho các ban ngành chuyên môn cung cấp toàn bộ tư liệu, hồ sơ cho Báo PLVN”. 

Tuy nhiên, cho đến nay, chúng tôi vẫn không thấy Chủ tịch và các ban ngành huyện Đông Hải hồi âm theo lời hứa trên. 

Có “đánh lận con đen” khi thu hồi đất của dân?

Một văn bản quan trọng được UBND huyện cung cấp cho PV là Báo cáo 283/BC-UBND do ông Bùi Đình Túy ký ngày 15/8/2017. Trong văn bản này, ông Túy nêu lại toàn bộ quá trình giải quyết khiếu nại của ông Huỳnh Tấn Hưng và kết luận “ông Hưng không có các loại giấy tờ để làm cơ sở pháp lý chứng minh nguồn gốc đất của ông theo qui định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 Luật Đất đai năm 2003, mà dựa vào các nhân chứng để xác nhận nguồn gốc đất là chưa đủ cơ sở pháp lý để xem xét giải quyết”.

 Với kết luận báo cáo này, UBND huyện Đông Hải đã tự mâu thuẫn chính mình vì nếu “nguồn gốc đất là chưa đủ cơ sở pháp lý để xem xét giải quyết” thì dựa vào cơ sở nào mà UBND huyện “hỗ trợ” ông Hưng hơn 79 triệu đồng?

Đất của ông Hưng được UBND tỉnh Minh Hải cấp năm 1977. Từ rừng ngập mặn, ông đã đổ công sức, tiền của khai phá, cải tạo thành 8ha ruộng muối. Ông Hưng khai thác ruộng muối đến năm 1983 thì bị UBND tỉnh Minh Hải thu hồi giao cho Xí nghiệp Đông lạnh Gành Hào. Trong khoảng thời gian từ năm 1977 đến năm 1983 Luật Đất đai chưa có thì ông Hưng lấy cơ sở pháp lý nào mà chứng minh?

 Ông Hưng bức xúc nói: “Nhà nước giao tôi 8ha. Đến năm 1983 Nhà nước trưng dụng 5ha nhưng không bồi thường thành quả trên đất và tôi khiếu nại. Còn 3ha tôi cho người khác mượn khai thác muối vì tôi phải về Cà Mau theo việc khiếu kiện… ”. 

Năm 1997, Minh Hải tách làm hai tỉnh là Cà Mau và Bạc Liêu. Dẫu có tách tỉnh nhưng vai trò quản lý nhà nước vẫn phải tuân thủ pháp luật, không để tình trạng người dân thiệt thòi, dẫn đến hiện tượng khiếu kiện kéo dài.

 Trong khi dư luận đang nghi vấn rằng chính quyền các cấp ở tỉnh Bạc Liêu khuất tất nhiều vụ việc từ khi tách tỉnh đến nay thì câu giải thích của chính quyền sở tại là “do lịch sử để lại”?!

Cũng tại huyện Đông Hải, ông Trương Văn Dũng và ông Lê Văn Diện (ngụ thị trấn Gành Hào) đang đi khiếu nại, khởi kiện việc mình bị chính quyền khuất tất, mập mờ “đánh bùn sang ao” khi thu hồi đất của mình để xây dựng khu hành chính huyện. 

Trong buổi làm việc ngày 17/8/2017, PV nêu câu hỏi: “Có hay không việc ông Phan Đình Khương (ngụ cùng địa phương) cùng canh tác ruộng muối như ông Hưng, ông Dũng, ông Diện nhưng được bồi thường 1,1 tỷ và được 2 nền tái định cư, dù ông Khương bị thu hồi diện tích đất nhỏ hơn…” .

Trước câu hỏi này, đại diện UBND huyện khẳng định “Đất ông Khương có sổ đỏ”. 

Trong khi đó, ông Dũng cho biết: “Chính tôi là người được ông Khương ủy quyền đi khiếu nại. Tôi khẳng định đất ông Khương không có sổ đỏ như bao người dân đang đi khiếu nại tại đây…”.

Thiết nghĩ, chính quyền địa phương nên xem xét công khai, đối thoại với dân để giải quyết dứt điểm khiếu nại, tố cáo mà dân đang bức xúc. 

Đọc thêm