Huyện Hưng Hà, Thái Bình có mắc sai phạm trong quá trình thu hồi, đền bù đất?

(PLO) - Như Báo Pháp luật Việt Nam đã thông tin về việc “Nông dân huyện Hưng Hà, Thái Bình tố chính quyền mập mờ, ép giá đền bù”, để độc giả có cái nhìn khái quát hơn về căn cứ pháp lý trong cách giải quyết sự việc của chính quyền địa phương, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Thạc sĩ luật Nguyễn Thế Anh, Trung tâm truyền thông pháp luật Việt Nam để làm rõ vấn đề trên.
Khu đất bị thu hồi nằm giáp đường quốc lộ (bên phải đường) được cho là có giá trị lớn
Khu đất bị thu hồi nằm giáp đường quốc lộ (bên phải đường) được cho là có giá trị lớn

 “Bỏ quên” ý kiến người bị thu hồi

Thưa ông Thế Anh, thủ tục lập phương án thu hồi đất của UBND huyện Hưng Hà đối với 3 hộ dân ở xã Thái Phương nói trên có đúng không?

Thạc sĩ Thế Anh: Phòng Tài nguyên và Môi trường (TNMT) huyện Hưng Hà không lập biên bản ghi nhận ý kiến của người bị thu hồi đất về phương án bồi thường nhưng UBND huyện vẫn ra quyết định phê duyệt phương án là chưa đúng quy định.

Cụ thể, thủ tục lập phương án bồi thường thu hồi đất được quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 69 Luật Đất đai 2013 quy định như sau: “Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng có trách nhiệm lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất thu hồi tổ chức lấy ý kiến về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo hình thức tổ chức họp trực tiếp với người dân trong khu vực có đất thu hồi, đồng thời niêm yết công khai phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi”.

Theo luật định, việc tổ chức lấy ý kiến phải được lập thành biên bản có xác nhận của đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã, đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, đại diện những người có đất thu hồi.

Mặt khác, tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng có trách nhiệm tổng hợp ý kiến đóng góp bằng văn bản, ghi rõ số lượng ý kiến đồng ý, số lượng ý kiến không đồng ý, số lượng ý kiến khác đối với phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; phối hợp với ủy ban xã nơi có đất thu hồi tổ chức đối thoại đối với trường hợp còn có ý kiến không đồng ý về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; hoàn chỉnh phương án trình cơ quan có thẩm quyền.

“Đối chiếu những quy định trên, căn cứ vào hồ sơ các hộ dân cung cấp thì các cơ quan thu hồi đất của ba hộ dân ở xã Thái Phương vi phạm nhiều quy định pháp luật”, ông Thế Anh nói.

Ông Thế Anh phân tích tiếp, theo thông tin người dân cung cấp, mảnh đất bị thu hồi của ba hộ dân tại xã Thái Phương đã trải qua tổng cộng ba lần lập dự thảo phương án bồi thường. Cả ba lần này, các hộ dân có đất bị thu hồi đều có ý kiến không đồng ý. Tuy nhiên, những ý kiến không đồng ý về phương án bồi thường đều không được lập thành biên bản có xác nhận của đại diện UBND cấp xã, đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, đại diện những người có đất thu hồi.

Quyết định thu hồi đất gây nhiều tranh cãi của huyện Hưng Hà
Quyết định thu hồi đất gây nhiều tranh cãi của huyện Hưng Hà 

Việc không có biên bản ghi ý kiến người bị thu hồi có ảnh hưởng như thế nào đến quy trình thu hồi đất, thưa ông?

Thạc sĩ Thế Anh: Nếu không lập biên bản những ý kiến đóng góp của các hộ dân về phương án bồi thường, thì phòng TNMT huyện Hưng Hà không thể có căn cứ lập ra Bản tổng hợp ý kiến đóng góp của người có đất bị thu hồi để trình UBND huyện phê duyệt phương án bồi thường:

“Cần lưu ý rằng, Bản tổng hợp ý kiến đóng góp của người có đất bị thu hồi là thành phần bắt buộc phải có trong hồ sơ trình UBND huyện ban hành quyết định thu hồi đất theo quy định tại Khoản 1 Điều 11 Thông tư 30/2014/TT-BTNMT”, ông Thế Anh dẫn chứng điều luật.

Từ đó, việc UBND huyện Hưng Hà ban hành Quyết định thu hồi đất khi không có Bản tổng hợp ý kiến đóng góp của người có đất bị thu hồi hoặc Bản tổng hợp ý kiến đóng góp đã được Phòng TNMT huyện lập khống là hành vi vi phạm về trình tự, thủ tục thu hồi đất.

“Bỏ quên” cả chi phí đầu tư vào đất và cây trồng trên đất

Các hộ dân bị thu hồi đất cho rằng phương án bồi thường không thỏa đáng, gây thiệt thòi cho họ. Ông có nhận định gì về vấn đề này?

Thạc sĩ Thế Anh: Về nội dung bồi thường, UBND huyện Hưng Hà cũng còn sai phạm .Cụ thể, phương án bồi thường do UBND huyện phê duyệt tại Quyết định 1986/QĐ-UBND ngày 21/4/2016 đã xâm phạm đến quyền lợi hợp pháp của cả ba hộ dân có đất bị thu hồi khi bỏ những hạng mục bồi thường mà lẽ ra người dân phải được hưởng theo Luật Đất đai 2013, cụ thể như sau:

Thứ nhất, không bồi thường chi phí đầu tư vào đất: Để sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản trên mảnh đất được giao, cả 3 hộ gia đình đã phải bỏ chi phí đầu tư, cải tạo đất. Do đó, cả 3 hộ dân thuộc trường hợp được bồi thường chi phí đầu tư vào đất theo quy định tại Điều 77 Luật đất đai. Chi phí này được Khoản 2 Điều 3 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP xác định cụ thể gồm: Chi phí san lấp mặt bằng; Chi phí cải tạo làm tăng độ màu mỡ của đất, thau chua rửa mặn, chống xói mòn, xâm thực đối với đất sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp; Chi phí gia cố khả năng chịu lực chống rung, sụt lún đất đối với đất làm mặt bằng sản xuất kinh doanh; Chi phí khác có liên quan đã đầu tư vào đất phù hợp với mục đích sử dụng đất.

Thứ hai, hội đồng đền bù không bồi thường cây trồng trên đất: Theo quy định tại Khoản 1 Điều 90 Luật Đất đai 2013: “Khi Nhà nước thu hồi đất mà gây thiệt hại đối với cây trồng thì việc bồi thường thực hiện theo quy định sau đây:

a) Đối với cây hàng năm, mức bồi thường được tính bằng giá trị sản lượng của vụ thu hoạch. Giá trị sản lượng của vụ thu hoạch được tính theo năng suất của vụ cao nhất trong 03 năm trước liền kề của cây trồng chính tại địa phương và giá trung bình tại thời điểm thu hồi đất;

b) Đối với cây lâu năm, mức bồi thường được tính bằng giá trị hiện có của vườn cây theo giá ở địa phương tại thời điểm thu hồi đất mà không bao gồm giá trị quyền sử dụng đất”.

Điều đáng nói, cả 3 dự thảo phương án đền bù đã được lập trước đây đều thể hiện hạng mục đền bù cây cối hoa màu cho 3 hộ dân. Tuy nhiên, hạng mục đền bù cây cối, hoa màu cho cả 3 hộ dân đã bỗng dưng biến mất tại Quyết định phê duyệt phương án đền bù cuối cùng do UBND huyện Hưng Hà ban hành.

Trân trọng cảm ơn ông!

Nhóm Phóng viên

Tóm tắt sự việc:

Ba hộ dân gồm gia đình anh Nguyễn Thanh Bình (SN 1976), ông Nguyễn Thế Chi (SN 1967) và bà Nguyễn Thị Thiên (SN 1962, đều ngụ xã Thái Phương, huyện Hưng Hà, Thái Bình) gửi đơn đến XLPL kêu cứu về việc quy hoạch xây dựng trường học, trạm y tế xã “treo” sáu năm khiến họ phải bỏ hoang trang trại và khi quá trình thu hồi đất, đền bù nhiều mập mờ. Khi PV liên hệ địa phương để làm rõ đơn thư của người dân, các cán bộ huyện Hưng Hà nhiều lần thất hẹn, sau đó không nghe điện của PV. Trong lúc đó, chính quyền huyện này gấp rút đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng.

Thông báo thu hồi đất và Quyết định thu hồi đều sai

Bình luận về sự việc, luật sư Trần Mạnh Tùng (Đoàn luật sư Hà Nội) cũng chỉ ra những sai phạm trong cả Thông báo thu hồi đất và Quyết định thu hồi đất của chính quyền Hưng Hà.

Theo luật sư Tùng: Thứ nhất, về thông báo thu hồi đất, đến thời điểm hiện tại, các hộ gia đình chỉ nhận được duy nhất một bản photo thông báo số 222/TB – UBND ngày 03/10/2010 của UBND huyện Hưng Hà là thông báo có nội dung thu hồi đất để thực hiện dự án.

Nếu thông báo này vẫn còn hiệu lực thì sẽ dẫn đến hệ quả việc thu hồi đất sẽ vi phạm quy định tại Khoản 3 – Điều 49 – Luật Đất đai 2013, bởi lẽ từ khi có Thông báo thu hồi đất đến khi ban hành Quyết định thu hồi đất đã hơn 5 năm. Theo quy định của luật Đất đai, thời hạn từ khi có thông báo đến lúc ra quyết định thu hồi đất chỉ 3 năm.

“Còn nếu thông báo thu hồi đất của UBND huyện Hưng Hà không còn hiệu lực thì UBND huyện Hưng Hà phải ban hành thông báo thu hồi đất khác để thay thế Thông báo số 222/TB – UBND. Theo thông tin báo chí phản ánh và người dân trình bày, tôi không thấy thông báo thay thế thông báo số 222/TB”, luật sư Tùng nói.

Sai phạm thứ hai, theo luật sư Tùng, là căn cứ để UBND huyện Hưng Hà ban hành Quyết định thu hồi đất chưa đúng quy định tại Điều 63 - Luật Đất đai 2013. Theo điều luật này, căn cứ để ban quyết định thu hồi đất phải có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; tiến độ sử dụng đất thực hiện dự án. Những căn cứ này không hề được đề cập tới ở quyết định thu hồi đất của ba hộ dân ở xã Thái Phương mà huyện Hưng Hà ban hành.

Mặt khác, theo quy định tại Khoản 1, Điều 67 Luật Đất đai 2013 thì việc ban hành Quyết định thu hồi đất của UBND huyện Hưng Hà đã vi phạm về thời hạn thông báo cho người có đất bị thu hồi biết. Điều 67 quy định: “Trước khi có quyết định thu hồi đất, chậm nhất là 90 ngày đối với đất nông nghiệp và 180 ngày đối với đất phi nông nghiệp, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải thông báo thu hồi đất cho người có đất thu hồi biết. Nội dung thông báo thu hồi đất bao gồm kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm”. Luật sư Tùng phân tích cụ thể, quyết định thu hồi đất của huyện Hưng Hà đã vi phạm thời gian thông báo tối thiểu 90 ngày.

Đọc thêm