Cố tình đẩy người dân vào “vòng lao lý”?
Năm 2007, UBND tỉnh Long An đồng ý để Cty TNHH Hải Sơn (Cty Hải Sơn, trụ sở ấp Bình Điền 2, xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) đầu tư Cụm công nghiệp Đức Hòa Đông với diện tích khoảng 297ha và khu tái định cư khoảng 38ha. Ngày 29/9/2009, Cty Hải Sơn ký hợp đồng với Trung tâm dịch vụ tư vấn nhà đất (Trung tâm nhà đất) thuộc Sở TN&MT Long An tổ chức kiểm kê, lập phương án bồi thường để thu hồi 2.906.850m2 đất tại xã Đức Hòa Đông.
Ngày 4/6/2012, UBND huyện Đức Hòa thông báo về việc thu hồi đất và ngày 9/8/2012 ra quyết định thành lập Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (BTHTTĐC), đồng thời giao nhiệm vụ cho Trung tâm nhà đất chịu trách nhiệm kiểm kê, lập phương án bồi thường…
Trên cơ sở hồ sơ do Hội đồng BTHTTĐC xác lập, ngày 4/12/2013, UBND huyện Đức Hòa ban hành các Quyết định (QĐ) số 19375 và 19955/QĐ-UBND thu hồi đất, bồi thường giá trị quyền sử dụng đất và tài sản trên đất cho ông Phạm Văn Tài (trú ấp 4, xã Đức Hòa Đông, huyện Đức Hòa) số tiền 4.946.288.000đ. Ngày 19/12/2013, Cty Hải Sơn đã chi trả toàn bộ số tiền cho ông Tài. Sau đó ông Tài đã giao toàn bộ số tiền cho chị ruột là bà Phạm Thị Sáng.
Tuy nhiên, ngày 22/12/2013, Cty Hải Sơn “bất ngờ” kiến nghị UBND huyện Đức Hòa lập tổ phúc tra kiểm tra lại việc kiểm kê tài sản của hộ ông Tài. Ngày 3/1/2014, Hội đồng BTHTTĐC đề nghị UBND huyện Đức Hòa điều chỉnh các quyết định hỗ trợ bồi thường cho hộ ông Tài. Theo đó, ngày 6/1/2014, UBND huyện Đức Hòa ra các QĐ số 59, 60 điều chỉnh một phần QĐ số 19955 và 19375 bồi thường giá trị quyền sử dụng đất và tài sản trên đất cho hộ ông Tài với tổng số tiền là 1.564.465.500đ; giảm 3.381.822.500đ.
Ngày 8/1/2014, UBND huyện Đức Hòa và đại diện Cty Hải Sơn tổ chức công bố quyết định điều chỉnh, đồng thời đề nghị ông Tài hoàn trả số tiền chênh lệch, nhưng ông Tài không đồng ý. Do đó, Cơ quan CSĐT Công an huyện Đức Hòa cho rằng ông Tài cố tình chiếm giữ tiền, đồng thời cho rằng ông Đặng Công Thủy có sai sót trong việc kiểm kê tài sản dẫn đến số tiền chi trả cho ông Tài không đúng, làm thất thoát tài sản của Nhà nước…
Theo đó, ngày 25/7/2014, Cơ quan CSĐT Công an huyện Đức Hòa có QĐ khởi tố vụ án hình sự số 177, QĐ khởi tố bị can số 287 và Lệnh bắt tạm giam đối với ông Tài về tội “Chiếm giữ trái phép tài sản”; đồng thời khởi tố, bắt tạm giam ông Thủy về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Ông Thủy bị bắt tạm giam 9 tháng, ông Tài 6 tháng sau đó thả do hết thời hạn điều tra và cấm đi khỏi nơi cư trú.
Liên quan đến việc khởi tố, bắt tạm giam đối với ông Tài và ông Thủy, dư luận người dân nơi đây cho rằng vụ việc đã bị các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự hóa, cố tình đẩy người dân vào vòng lao lý.
Khiếu nại và kêu oan
Được biết, vụ án đã được TAND huyện Đức Hòa đưa ra xét xử và trả hồ sơ điều tra bổ sung 3 lần và sau 5 năm, ông Tài từ “chiếm giữ tài sản” số tiền 3.381.822.500đ xuống chỉ còn “chiếm giữ” 37.410.000đ.
Không dừng lại, ngày 28/7/2016, Cơ quan CSĐT Công an huyện Đức Hòa tiếp tục có QĐ khởi tố bị can số 188/CQCSĐT và QĐ cấm đi khỏi nơi cư trú số 88/CQCSĐT; đồng thời ngày 29/7/2016 VKSND cùng cấp có QĐ phê chuẩn QĐ khởi tố bị can số 164/QĐ-KSĐT đối với bà Phạm Thị Sáng về hành vi “Chiếm giữ trái phép tài sản” với số tiền 3.344.412.500đ.
Sau khi nhận được Cáo trạng số 110/QĐ-KSĐT ngày 26/8/2016 của VKSND huyện Đức Hòa, bà Sáng ngay lập tức khiếu nại. Ngày 30/9/2016, bà nhận được QĐ số 114/QĐ-VKS của VKSND tỉnh Long An giải quyết khiếu nại, nhưng hiện bà Sáng tiếp tục có đơn kêu oan và khiếu nại gửi VKSNDTC, TANDTC, Văn phòng Chủ tịch nước và Văn phòng Chính phủ.
“Chưa đủ cơ sở cấu thành tội phạm”
Trao đổi về vụ việc trên, Luật sư Lê Minh Tuấn (Cty Luật TNHH A.B.C TP HCM) cho rằng, việc khởi tố hai chị em bà Sáng về hành vi “Chiếm giữ trái phép tài sản” theo Điều 141 Bộ luật Hình sự là chưa đủ cơ sở pháp lý, bởi lẽ: QĐ số 19955 của UBND huyện Đức Hòa “Về việc bồi thường, hỗ trợ thiệt hại về đất và tài sản trên đất đối với hộ ông Tài” sau khi được ban hành thì tất cả các đối tượng phải thi hành đã đồng ý và thống nhất thi hành, không ai khiếu nại.
Kết quả thực hiện là ngày 12/12/2013, đại diện cơ quan nhà nước mời ông Tài đến UBND xã Đức Hòa Đông nhận QĐ và mời ông Tài vào ngày 19/12/2013 đến văn phòng Cty Hải Sơn để nhận tiền và bàn giao đất nếu đồng ý và không khiếu nại về sau. Như vậy, các bên trong quyết định này đã thực hiện hoàn tất các quyền và nghĩa vụ của mình.
Việc UBND huyện Đức Hòa ban hành QĐ số 60 về việc điều chỉnh một phần nội dung QĐ số 19955 giảm tiền bồi thường tài sản trên đất từ 4.572.604.000đ xuống còn 1.034.734.000đ, do đó ông Tài không đồng ý và không trả lại tiền cho Cty Hải Sơn.
Vì vậy, việc các cơ tố tụng cho rằng ông Tài chiếm giữ trái phép tài sản là không có căn cứ pháp luật. Bởi vì, khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành quyết định hành chính ảnh hưởng đến quyền lợi người dân thì người dân được quyền biết và có nghĩa vụ thực hiện quyết định đó khi có hiệu lực pháp luật; đồng thời nếu thấy quyết định đó ảnh hưởng đến quyền lợi của mình thì có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện vụ án hành chính theo quy định pháp luật. Nếu hết thời hạn khiếu nại và khởi kiện theo quy định mà người có nghĩa vụ thực hiện nêu trong quyết định không chấp hành thì bị cưỡng chế theo quy định.
Mặc dù ông Tài không nhận QĐ 60 nhưng ông biết được nội dung vào ngày 08/01/2014 và đến ngày 25/7/2104 là ngày ông Tài bị khởi tố, ông Tài vẫn không khiếu nại và khởi kiện hành chính. Tuy nhiên, thời hiệu khởi kiện hành chính vẫn còn, theo Luật Tố tụng Hành chính là 01 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định hành chính. Nên QĐ 60 nêu trên cũng chưa có hiệu lực pháp luật thi hành. Quan hệ pháp luật ở đây là quan hệ hành chính.
Trong trường hợp đến ngày quyết định có hiệu lực, ông Tài vẫn không khiếu nại hoặc khởi kiện hành chính. Lúc đó, quan hệ pháp luật hành chính không còn, nhưng sẽ phát sinh quan hệ dân sự giữa Cty Hải Sơn và ông Tài, do đó Cty Hải Sơn có quyền khởi kiện ông Tài bằng vụ kiện dân sự về đòi tài sản.
Về việc khởi tố bà Sáng, Luật sư Tuấn bày tỏ quan điểm: “Tôi khẳng định là khởi tố sai đối tượng, làm oan người vô tội. Bởi ông Tài mới là người có quyền lợi và trách nhiệm trong việc sở hữu hơn 2000m2 đất mà ông Tài đứng tên, cũng như toàn bộ số tài sản (cây trồng) trên 3ha đất như ông đã kê khai. Ông Tài cũng là người ký biên bản bàn giao và ký nhận tiền đền bù, bồi thường từ Cty Hải Sơn. Chỉ sau khi nhận tiền xong, ông Tài mới đưa cho bà Sáng. Nếu xét ở chủ thể chịu trách nhiệm về số tiền thì các cơ quan chức năng phải quy trách nhiệm là ông Tài chứ không thể là bà Sáng. Chủ thể chịu trước pháp luật không thể là “tìm người thứ 3 thay thế”.
Mấu chốt của sự việc vẫn là QĐ số 60 của UBND huyện Đức Hòa. Do đó, điều cần làm sáng tỏ là kết luật phúc tra, cụ thể là Biên bản kiểm tra (lại) số 01 ngày 24/12/2013 của Đoàn kiểm tra liên ngành huyện Đức Hoà có chính xác hay không? Bởi xét về thời điểm kiểm kê lần 1 (ngày 27/10/2012) và thời điểm phúc tra (ngày 24/12/2013) cách nhau 14 tháng. Trong khi trước đó, hộ ông Tài cũng đã bàn giao đất cho Cty Hải Sơn với cam kết sau 20 ngày sẽ phải di dời toàn bộ tài sản trên đất. Như vậy, sẽ có những biến động về số cây và chủng loại cây.
Thế nhưng, kết quả kiểm kê lần 1 và phúc tra lại cùng cho ra kết quả là 38.080 cây mai vàng, điều này là hoàn toàn vô lý. Ngược lại, tại biên bản phúc tra (sau thời điểm ông Tài bàn giao tài sản cho Cty Hải Sơn quản lý 5 ngày) số cây Mai vàng được xếp vào loại E (cây mới trồng) là 19.030 cây, vậy ai là người trồng số cây mới này?...
Báo PLVN tiếp tục phản ánh về vụ án trên.