Hy hữu thẩm phán “nhờ” báo chí kiến nghị về giám định tâm thần

(PLO) - Báo chí gần đây có phản ánh về vụ việc một thẩm phán của TAND tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu trong quá trình xét xử sơ thẩm đã “nhờ” báo chí gửi câu hỏi đến Bộ Công an, Bộ Y tế xem xét kết luận giám định tâm thần của một bệnh viện có khách quan, minh bạch hay không? Đây thực sự là việc làm hy hữu. Và liệu hành động này có đúng với chức năng và thẩm quyền xét xử của thẩm phán?
Các Giám định viên khẳng định làm đúng quy trình trong việc giám định tâm thần cho bà Thảo.

Tình tiết trên diễn ra tại phiên tòa công khai xét xử vụ án “cố ý truyền HIV cho người khác” do TAND tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu tổ chức hồi tháng 4/2017. Theo đó, HĐXX đã quyết định cho hoãn phiên tòa, trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung vụ việc với lý do kết quả giám định tâm thần đối với Đào Thị Thu Thảo còn có nhiều điều chưa rõ, cần giám định lại.

Tại phiên tòa, các bác sĩ của Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 đều đã có những giải đáp cụ thể về quá trình tiến hành giám định thông qua các hồ sơ bệnh lý liên quan được cơ quan điều tra gửi đến. Cộng thêm việc khám bệnh trực tiếp đối với bà Đào Thị Thu Thảo, từ đó, đưa ra kết luận “Trước, trong và sau khi gây án, đương sự bị bệnh trầm cảm nặng, có triệu chứng loạn thần. Hiện nay, đương sự bị bệnh giai đoạn trầm cảm vừa. Tại thời điểm gây án và hiện nay, đương sự không có năng lực nhận thức và điều khiển hành vi”.

Trước đó, trao đổi với báo chí, Phó giáo sư, Tiến sĩ tâm lý học Nguyễn Hồi Loan cũng có giải thích cơ chế hình thành bệnh tâm thần đối với những người bị cú sốc tâm lý (giống trường hợp của Đào Thị Thu Thảo) như sau: Một người gặp phải một cú sang chấn tâm lý sẽ có rất nhiều hành động không thể lý giải. Bởi đặc trưng của những cú sang chấn tâm lý này là nếu không thoát ra được thì sẽ chìm ngập trong những ám ảnh đó, bệnh tâm thần gọi đây là “cắm chốt”. Theo một luật gia, dù một người đã thực hiện một hành vi trái đạo lý, trái pháp luật nhưng nếu họ mắc bệnh tâm thần, không có năng lực nhận thức và điều khiển hành vi thì thì theo quy định nhân đạo của pháp luật, họ được miễn trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên, HĐXX TAND tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu do thẩm phán Huỳnh Ngọc Thiện làm chủ tọa đã có những hành động khá lạ lùng và hy hữu trong lịch sử tố tụng Việt Nam. Theo đó, sau khi không đồng ý với những giải đáp của các giám định viên do HĐXX mời đến, vị thẩm phán này đã thông qua báo chí, nhờ báo chí gửi câu hỏi tới Bộ trưởng Bộ Công an và Bộ trưởng Bộ Y tế về kết luận của Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa đã đúng quy trình và minh bạch chưa.

Trong khi đó, việc xem xét, đánh giá các chứng cứ, các kết luận của các cơ quan chức năng trong phạm vi vụ án, trong đó có kết luận giám định pháp y tâm thần của Viện Pháp y tâm thần Trung ương 2 có khách quan, đúng pháp luật hay không là thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐXX mà thẩm phán Thiện là chủ tọa phiên tòa.

Vậy tại sao thẩm phán Thiện lại đưa ra vấn đề nhờ báo chí chuyển đến Bộ trưởng Bộ công an và Bộ trưởng Bộ Y tế? Liệu có hay không việc xét xử không khách quan, áp đặt cảm xúc, ý chí chủ quan khi nhận định Kết luận giám định pháp y của Cơ quan giám định chuyên môn có thẩm quyền là không khách quan?

Khi được hỏi về hành động lạ lùng này của thẩm phán trên, ông Vũ Xuân Trường, nguyên Viện trưởng VKSND tỉnh Nam Định cho rằng: Tại phiên tòa mà thẩm phán thông qua báo chí gửi thắc mắc đến Bộ trưởng là một việc hy hữu. Nếu tòa quyết định trả hồ sơ thì cần nêu rõ lý do trả hồ sơ để điều tra. Còn những vấn đề nói bằng miệng mà không có văn bản thì theo quy định của tố tụng hình sự, kiến nghị đó không có giá trị pháp lý. Ở đây, cần khẳng định luận giám định của cơ quan chức năng có giá trị mang tính pháp lý còn những phát ngôn cá nhân thì không mang tính pháp lý.

Đồng quan điểm, ông Đỗ Cao Thắng, nguyên Chánh án tòa Kinh tế, TAND Tối cao cũng cho rằng, nếu đúng có chuyện phẩm phán muốn thông qua cơ quan báo chí để gửi thắc mắc đến Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ Công an thì cách xử lý như thế là không nên. Theo ông Thắng, khi xét xử một vụ án cụ thể thì cứ đúng trình tự tố tụng mà tiến hành. 

Đọc thêm