“Làm ơn mắc oán”
Các anh Lý Thanh Sang, Phan Văn Đồ, Trần Hữu Phước là hàng xóm láng giềng, nhà gần nhau tại ấp Chánh Hội, xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.
Theo hồ sơ vụ án, khoảng 14h ngày 20/11/2017, anh Đồ đi nhậu về, say xỉn vào nhà la chửi, đập phá đồ trong nhà, đập và đạp ngã xe của anh Đồ. Sau đó anh Sang thấy anh Đồ dựng xe lên nhưng bị xe đè lên người nên dựng xe cho anh Đồ rồi lại ghế đá nói chuyện với anh Phước. Lát sau, anh Đồ trong nhà đi ra hỏi anh Sang “mày là thằng nào?” và cầm mũ bảo hiểm đánh vào đầu anh Sang, bị anh Sang giật mũ đánh lại ba cái.
Chiều tối hôm đó, anh Đồ đi bệnh viện chữa trị. Sau khi anh Đồ ra viện, Kết luận giám định pháp y cho rằng anh Đồ bị tổn thương cơ thể lên đến 88%. Anh Phước là người chứng kiến sự việc đã diễn ra.
Theo các hình ảnh và video clip do bị cáo thu thập được, cho thấy sau khi ra viện, bị hại đã sinh hoạt bình thường, có hình ảnh bị hại quăng cả bao rác vào thùng rác, đi lại, đi xe máy như một người bình thường. Do đó, kết luận giám định thương tật 88% là kết quả làm cho nhiều người bất ngờ. Cũng theo anh Sang, anh Đồ có tiền sử bệnh về cột sống cổ.
Tại phiên sơ thẩm, bị cáo Sang bị tuyên phạt 5 năm tù. Bản án sơ thẩm bị kháng cáo.
HĐXX phiên phúc thẩm lần thứ nhất gồm các Thẩm phán Trần Văn Nhậm (chủ tọa), Lưu Văn Uẩn, Trần Quốc Khánh và Kiểm sát viên Nguyễn Thành Bông sau khi phân tích, chỉ rõ các điểm chưa được làm rõ trong bản án sơ thẩm, đã quyết định trả hồ sơ điều tra, truy tố, xét xử lại.
Ngày 16/10/2019, Tòa án huyện Đức Hòa đưa vụ án ra xử sơ thẩm lần hai. Theo Bản án sơ thẩm lần thứ hai, số 111/2019/HS-ST: “Xuất phát từ không kiềm chế được bản thân do bị hại Đồ có hành vi dùng mũ bảo hiểm đánh bị cáo Sang nên bị cáo Sang có hành vi giật 1 mũ bảo hiểm, màu trắng, vành nón màu đen, bị bể, dây đeo màu đen, kích thước dài 25cm, rộng 22cm, cao 15cm trên tay phải đánh nhiều cái trúng vào vùng mặt, vùng đầu, cổ của bị hại Đồ gây thương tích có tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên hiện tại là 88%”. Tòa sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Sang 4 năm tù giam.
Bị cáo và bị hại đều kháng cáo bản án sơ thẩm này. Hiện vụ án chuẩn bị xét xử phúc thẩm ngày 29/5/2020 tới đây.
Biên bản đầu tiên ghi nhận nội dung bị hại Phan Văn Đồ bị ngã hai lần do “quá say” |
Dấu hiệu mâu thuẫn trong kết luận giám định pháp y
Trong bản án trên, một số câu hỏi vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng như hành vi của bị cáo đánh vào vùng nào trên cơ thể, mặt, đầu hay cổ? Đánh bao nhiêu lần? Tư thế đánh?
Bản án sơ thẩm lần thứ nhất xác định bị cáo đánh bị hại 3 cái vào vùng mặt và đầu. Tới bản Kết luận điều tra bổ sung số 07/KL-CQĐT ngày 19/9/2019 của Cơ quan CSĐT Công an huyện Đức Hòa vẫn xác định bị hại bị đánh vào vùng mặt và đầu nhưng số lần bị đánh là 3-4 cái chứ không còn là 3 cái nữa.
Tại phiên sơ thẩm lần hai, bị cáo vẫn xác định không đánh vào vùng cổ bị hại. Lời khai của các nhân chứng cũng không thể hiện việc bị hại bị đánh vào cổ. Việc xác định hành vi của bị cáo chỉ dựa vào các lời khai có nhiều mâu thuẫn giữa bị cáo và bị hại, giữa bị cáo và người làm chứng, trong khi đó lời khai của người làm chứng cũng tiền hậu bất nhất.
Theo Bản kết luận giám định pháp y số 15/TgT.18-PY ngày 30/1/2018 của Trung tâm Pháp y Sở Y tế Long An, thương tích có các dấu hiệu như tổn thương tủy cổ gây liệt tứ chi; nứt sọ xương chẩm; gãy khối bên đốt sống C1 trái, trượt ra trước độ I C3-C4, đã can: 1 sẹo mổ vùng gáy, kích thước 7,5cm x 0,3cm; 1 sẹo mổ dẫn lưu vùng gáy, kích thước 1,5cm x 0,6cm, khó đại tiểu tiện.
Tại phiên tòa phúc thẩm lần thứ nhất ngày 7/12/2018, giám định viên xác định nếu kết luận như bản án sơ thẩm lần 1 thì hành vi của bị cáo không thể gây ra thương tích như Kết luận giám định pháp y. Bản án sơ thẩm lần thứ nhất mô tả hành vi của bị cáo: “Cầm trên tay phải 1 mũ bảo hiểm màu trắng, vành nón màu đen, bị bể, dây đeo màu đen, kích thước dài 25cm, rộng 22 cm, cao 15 cm đánh 3 cái theo hướng từ phải sang trái vào vùng mặt, đầu của ông Đồ; đánh liên tiếp 3 lần vào vùng mặt, đầu người bị hại””.
Biên bản do Công an xã Tân Mỹ lập lúc 14h30 ngày 20/11/2017, nghĩa là chỉ thời gian rất ngắn ngay sau khi sự việc diễn ra, ghi nhận nội dung bị hại Phan Văn Đồ bị ngã hai lần do “quá say”. Hai người làm chứng ký tên là anh Trần Hữu Phước và chị Nguyễn Thị Kim Thoa.
Đã nhận bồi thường 157 triệu, lại đòi thêm 175 triệu
Sau bản án phúc thẩm lần thứ nhất, không hiểu vì dư luận ở địa phương hay vì lý do gì, gia đình bị hại cũng như gia đình người làm chứng Nguyễn Hữu Phước đã bán nhà chuyển tới tỉnh Tây Ninh sinh sống.
Sau khi sự việc diễn ra, anh Sang cũng như gia đình đã nhiều lần đến thăm bị hại tại bệnh viện. Gia đình anh Sang đã bồi thường số tiền 157.323.000 đồng bao gồm viện phí, thuốc, công lao động, tổn thất tinh thần và đại diện hợp pháp của bị hại (vợ anh Đồ) cũng đã làm đơn bãi nại. Mức bồi thường này được HĐXX sơ thẩm lần thứ nhất đánh giá thỏa đáng.
Tuy nhiên, tại phiên tòa sơ thẩm lần thứ 2, vợ anh Đồ lại đòi bồi thường thêm 175 triệu do anh Đồ không thể lao động được . Sau bản án sơ thẩm lần thứ 2, vợ anh Đồ lại tiếp tục kháng cáo để đòi bồi thường thêm và tăng nặng hình phạt với anh Sang.
Mặc dù bị hại Phan Văn Đồ sinh hoạt, đi lại được bình thường nhưng tại phiên tòa sơ thẩm lần thứ 2, bị hại vắng mặt tại phiên tòa với lý do sức khỏe không đảm bảo.
Theo trình bày của anh Sang, giữa anh và anh Đồ không có mâu thuẫn gì và là hàng xóm của nhau. Khi anh Đồ dựng xe dậy nhưng do quá say xỉn, xe đè lên anh Đồ nên anh Sang lại dựng xe giùm và bị anh Đồ dùng mũ bảo hiểm đánh vào mặt. Khi bị đánh thì anh Sang đang ngồi nên anh vùng dậy ôm anh Đồ để khỏi bị tấn công. Sau khi giằng co, anh Sang ôm anh Đồ từ phía sau giành được mũ bảo hiểm, hai tay anh Đồ vòng ra phía sau ôm người anh Sang nên anh Sang đánh mấy cái vào mặt anh Đồ để thoát thân. Anh Sang cho biết, anh Đồ từng là dân quân tại xã, to con và mạnh hơn anh rất nhiều.
Hai năm rưỡi nay, từ khi đáo tụng đình, gia đình anh Sang không thể làm ăn gì được vì cái án tù giam vẫn treo lơ lửng trên đầu.