“Muốn đi xa hãy đi cùng nhau”
Khi UNESCO công nhận điều chỉnh mở rộng di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long bao gồm cả quần đảo Cát Bà, các cơ quan chức năng ở hai địa phương là tỉnh Quảng Ninh và TP Hải Phòng đã nhanh chóng tìm phương án cùng kết hợp bảo tồn và khai thác di sản hiệu quả, hài hoà lợi ích giữa hai bên. Trước đây, do mỗi địa phương có phương thức quản lý, quy định, quy hoạch khác nhau đã tạo nên ranh giới, gây nhiều khó khăn cho hoạt động của tàu du lịch và tàu khách đi giữa 2 điểm đến này, cùng với các hoạt động bảo tồn.
Đáng nói, câu chuyện xây dựng và phát triển những di sản liên vùng vốn không phải vấn đề mới đặt ra. Có thể áp dụng câu nói của một vị tỉ phú nổi tiếng với thị trường du lịch nước ta hiện nay, đó là “muốn đi nhanh hãy đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau”. Thời gian qua, du lịch Việt Nam có những tín hiệu “cất cánh” vượt bậc, biểu hiện rõ nhất là số lượng khách quốc tế trên toàn quốc đã vượt sớm so với chỉ tiêu đề ra (8 triệu lượt), trên cơ sở đó thúc đẩy toàn ngành Du lịch tăng chỉ tiêu đón khách năm 2023 (12 - 13 triệu lượt). Cùng với đó, nhiều điểm đến của Việt Nam như TP Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Phú Quốc,… liên tục nhận được sự ghi danh của cộng đồng du lịch quốc tế.
Du lịch Việt Nam cũng được đánh giá có lợi thế khi sở hữu một kho tàng di sản thiên nhiên, di sản văn hoá của nhân loại phong phú. Dù vậy, câu chuyện “bắt tay nhau” để “đi cùng nhau” và “đi xa hơn”, nhất là xây dựng các thị trường du lịch cạnh tranh lành mạnh để cùng vươn lên, vẫn chỉ “chập chững” ở bước khởi đầu; tại nhiều địa phương yếu tố kết nối trong địa bàn và liên địa bàn còn yếu.
|
Phố cổ Hội An là một điển hình về cảng thị truyền thống ở Đông Nam Á được bảo tồn nguyên vẹn và chu đáo. |
Ý tưởng du lịch qua những miền di sản đã hình thành tại Việt Nam từ hơn một thập kỷ về trước, nhằm xây dựng một bản đồ du lịch kết nối di sản tiêu biểu của đất nước thông qua các tour, tuyến trọng điểm của từng địa phương, vùng, liên vùng. Cụ thể, ở khu vực phía Bắc, tứ giác Hà Nội - Quảng Ninh - Hải Phòng - Ninh Bình được định vị; ở khu vực miền Trung lấy trung tâm là Đà Nẵng - Huế; vùng Duyên hải Nam Trung Bộ có TP Nha Trang - TP Phan Thiết làm tâm điểm; phía Nam lấy TP Hồ Chí Minh là trung tâm kết nối các tỉnh lân cận; khu vực Tây Nguyên xác định Đà Lạt là tâm điểm của vùng. Khi đã xác định được các tâm điểm kết nối di sản ở từng vùng, khu vực, các địa phương lân cận có thể thông qua đó xây dựng hệ thống tour, tuyến phù hợp để quảng bá, thu hút khách du lịch, kết hợp với bảo tồn, bảo vệ di sản tại địa phương mình.
Ví dụ điển hình có thể kể tới nỗ lực hợp tác, liên kết, phát triển du lịch của 6 tỉnh Việt Bắc trong những năm qua, tận dụng nét tương đồng về tự nhiên, lịch sử, văn hóa để khai thác các giá trị di sản, truyền thống, cảnh quan thiên nhiên của các tỉnh trong vùng. Được biết, chương trình “Qua những miền di sản Việt Bắc” lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2009 tại tỉnh Hà Giang, đã góp phần khai thông điểm nghẽn trong bức tranh du lịch rời rạc, nhạt nhoà của các tỉnh Việt Bắc thời bấy giờ. Năm 2023 là năm thứ 14 liên tiếp của chương trình này, với tỉnh đăng quang tổ chức là Tuyên Quang. Các tour du lịch theo kiểu “một hành trình - nhiều điểm đến” liên tục được xây dựng đẩy mạnh, cũng như các hoạt động xúc tiến quảng bá nhằm định vị hình ảnh du lịch vùng “Chiến khu Việt Bắc” ngày càng hấp dẫn du khách. Trong đó có thể kể tới “Hành trình kết nối di sản
UNESCO Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Hà Giang - Cao Bằng - Lạng Sơn”; “Huyền thoại sông Gâm và con đường di sản cách mạng Việt Bắc”, tour du lịch “Từ chiến khu Cách mạng Tân Trào đến Mặt trận biên giới Vị Xuyên”, tour khám phá di tích lịch sử như ATK Định Hóa (Thái Nguyên) - Tân Trào (Tuyên Quang) - Pác Bó (Cao Bằng)…
Đáng chú ý, hệ thống hạ tầng giao thông phát triển có vai trò thiết yếu cho sự kết nối du lịch giữa các địa phương như Quốc lộ 3 Thái Nguyên - Bắc Kạn, cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, Quốc lộ 4 Cao Bằng - Lạng Sơn, Quốc lộ 279 Lạng Sơn - Cao Bằng - Bắc Kạn - Tuyên Quang - Hà Giang, Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang… Nhờ vậy, cùng với xu hướng phát triển du lịch văn hoá, du lịch xanh gắn với bảo tồn, phát huy giá trị di sản, bản sắc văn hoá dân tộc, dư địa phát triển du lịch qua “miền di sản kỳ diệu” Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang rất phong phú, đa dạng, mang lại sự trải nghiệm tích cực cho du khách.
Liên tục rút kinh nghiệm và rộng mở tầm nhìn
|
Vùng Tây Nguyên đã hình thành mối liên kết du lịch giữa các tỉnh trong khu vực nhiều năm qua. |
Hiện nay, câu chuyện Vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà đang là nguồn cảm hứng, động lực cho nhiều địa phương trên cả nước phát triển các sản phẩm du lịch di sản liên tỉnh. Mới đây nhất, ngày 9/10 tại TP Hải Phòng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch của ba tỉnh Gia Lai, Đắc Lắk, Kon Tum phối hợp với Sở Du lịch Hải Phòng tổ chức xúc tiến du lịch với chủ đề “Một chuyến đi, nhiều điểm đến”. Tầm nhìn của sự kiện là quảng bá, giới thiệu du lịch ba tỉnh Tây Nguyên tới nhân dân TP. Hải Phòng; giới thiệu du lịch Hải Phòng tới các doanh nghiệp du lịch khu vực Tây Nguyên; gia tăng kết nối, hợp tác giữa doanh nghiệp du lịch các tỉnh, thành phố. Hoạt động đáng chú ý tại Hội nghị, lãnh đạo Sở Du lịch Hải Phòng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch ba tỉnh Tây Nguyên đã ký kết chương trình liên kết phát triển du lịch nhằm tăng cường sự hợp tác, góp phần khai thác, thúc đẩy xây dựng sản phẩm du lịch mới.
Từ nhiều năm nay, khu vực Tây Nguyên cũng đã hình thành mối liên kết du lịch giữa các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum và Lâm Đồng. “Cú bắt tay” giữa TP Hải Phòng với các tỉnh Tây Nguyên cho thấy một tư duy làm du lịch rộng mở. Theo đó, liên kết du lịch không còn chỉ khoanh vùng ở các địa phương lân cận, mà có thể liên vùng, xa hơn nữa là xuyên biên giới, xuyên quốc gia. Đáng chú ý, du lịch Việt Nam đã tham gia chương trình kết nối khu vực được duy trì nhiều năm qua. Đơn cử, chương trình “Ba quốc gia - một điểm đến” Việt Nam - Lào - Campuchia tập trung kết nối các địa danh, di sản biểu biểu của ba quốc gia; chương trình “Năm quốc gia - một điểm đến” gồm Việt Nam - Lào - Campuchia - Myanmar - Thái Lan được xem là mô hình tiêu biểu phát triển du lịch các quốc gia láng giềng trong khu vực hạ nguồn sông Mekong. Bên cạnh đó là các chương trình du lịch di sản xuyên biên giới, như kết nối Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình, Việt Nam) và Vườn Quốc gia Hin Nậm Nô (Khăm Muộn, Lào); tour TP. Móng Cái (Quảng Ninh, Việt Nam) - TP Đông Hưng (Trung Quốc); tour du lịch Campuchia - miền Tây sông nước Việt Nam;… Mới đây nhất là thí điểm tour khu cảnh quan thác Bản Giốc (Cao Bằng, Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc).
Có thể thấy, để thành công giải bài toán liên kết du lịch di sản, điều cốt lõi là ngành Du lịch cần tập trung xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch chất lượng cao, đặc sắc, đa dạng, và phát triển thành thương hiệu du lịch nổi tiếng, có khả năng cạnh tranh trong khu vực và quốc tế, đáp ứng nhu cầu của các đối tượng khách ở nhiều thị trường khác nhau. Tuy nhiên, để đi dài hạn, các vấn đề khác cũng được đặt ra như cần chú trọng đầu tư đồng bộ về hạ tầng, dịch vụ, nâng cao chất lượng quản lý và nguồn nhân lực phục vụ, đảm bảo các yếu tố bảo vệ cảnh quan, môi trường và phát huy các giá trị di sản một cách bền vững, đồng thời phải đảm bảo hài hoà lợi ích giữa các địa phương và các bên liên quan. Bên cạnh đó, cũng cần hạn chế tối đa tư duy “manh mún, chụp giật”, cạnh tranh không lành mạnh, vi phạm đạo đức kinh doanh để thu lợi bất chấp, gây tổn hại đến di sản,…
Chỉ khi tất cả những yếu tố trên được cân nhắc kỹ lưỡng, lồng ghép trong các quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch liên vùng, chính quyền các địa phương cùng cộng đồng các doanh nghiệp, dân cư tuân thủ một cách nghiêm túc, bài bản, bền vững, kết hợp với nỗ lực quảng bá, tuyên truyền, du khách đến trải nghiệm và có ấn tượng tốt, dần dần các thương hiệu du lịch di sản liên vùng mới thực sự được hình thành trên bản đồ du lịch Việt Nam, thậm chí cả bản đồ du lịch thế giới.