Vì lý do sức khỏe và đang mang thai nên bị cáo Hương xin vắng mặt tại phiên tòa.
Theo cáo trạng, từ tháng 8/2014, Khánh làm Giám đốc Cty Cổ phần vàng và Bất động sản BBG Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ. Tuy nhiên, do hoạt động của chi nhánh không hiệu quả nên Khánh cùng vợ là Phạm Thùy Dung thành lập Cty Cổ phần đầu tư hàng hải FII, đăng ký kinh doanh nhiều ngành nghề trong đó có lĩnh vực xuất nhập khẩu xăng dầu tại TP Hồ Chí Minh do Trần Kim Hương làm Giám đốc. Tháng 11/2014, Khánh thành lập chi nhánh Cty FII tại Cần Thơ. Khánh dừng hoạt động của chi nhánh BBG Cần Thơ mà lấy địa chỉ này để thành lập Chi nhánh FII Cần Thơ và chuyển các nhân viên cũ từ BBG sáng FII. Sau đó, Khánh thay Hương làm Giám đốc và đăng ký thêm kinh doanh dầu khí và bất động sản, đồng thời đổi tên thành Cty Cổ phần đầu tư hàng hải dầu khí FII.
Được biết, từ khi thành lập đến lúc ngừng hoạt động, Cty FII chi nhánh Cần Thơ không có bất kỳ hoạt động gì tạo doanh thu liên quan đến các ngành đăng ký. Còn tại trụ sở chính ở TP Hồ Chí Minh cũng chỉ có nhân viên tiếp thị, quảng cáo để kêu gọi khách hàng gửi vốn vào công ty.
Với thủ đoạn chi trả lãi suất cao, lấy tiền đầu tư của người sau trả cho người trước nên trong thời gian ngắn đã kêu gọi rất nhiều người đầu tư vào công ty rồi chiếm đoạt tiền của họ.
Quá trình hoạt động tại chi nhánh Cần Thơ, Khánh chỉ đạo các nhân viên kinh doanh mời gọi nhiều người góp vốn vào lĩnh vực xăng dầu và chuẩn bị nhiều hợp đồng hợp tác đầu tư. Khánh yêu cầu Hương ký trước các hợp đồng in theo mẫu và để tại chi nhánh. Khi có khách hàng thì chỉ việc ghi tên và thu tiền. Để tạo lòng tin của khách hàng, Khánh đã yêu cầu các nhân viên cho khách hàng xem giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, bản hợp tác kinh doanh giữa Cty với một Cty ở Singapore cùng các tài liệu, hình ảnh về các kho xăng dầu, tàu vận tải xăng dầu quy mô lớn. Bên cạnh đó, Khánh còn thường xuyên tổ chức tất niên, hội thảo ở nơi sang trọng, tổ chức trao quà, phát thưởng để mọi người tin tưởng hợp tác với Khánh.
Mặc dù Hương là giám đốc nhưng trên thực tế tất cả hoạt động của công ty đều do Khánh điều hành, Hương không tham gia chỉ đạo, điều hành nhân viên của công ty. Lúc đầu số tiền khách hàng nộp được chuyển vào tài khoản của Hương nhưng từ tháng 12/2014 thì được chuyển vào tài khoản của Khánh. Do không thấy Cty có hoạt động gì nên từ tháng 5/2015, Hương nghỉ việc và chuyển giao công ty lại cho Khánh. Khánh tiếp tục huy động vốn của nhiều người khác.
Với sự giúp sức của Hương, Khánh đã thông qua hoạt động huy động vốn chiếm đoạt số tiền trên 5 tỷ đồng từ 16 bị hại. Ngoài ra, Khánh còn ký hợp đồng hợp tác đầu tư với 3 khách hàng khác với số tiền trên 350 triệu đồng.
Tại cơ quan điều tra, cũng như tại phiên tòa, Khánh chỉ thừa nhận chiếm đoạt tiền đối với các bị hại Khánh đã ký hợp đồng, còn các hợp đồng cho Hương ký thì Khánh không chịu trách nhiệm.
Nhiều vị luật sư biện hộ cho các bị cáo cho rằng, rất nhiều lời khai của các bị hại và nhân viên Cty có sự tham gia của bà Dung, vì vậy yêu cầu HĐXX tạm dừng phiên tòa để tiến hành điều tra bổ sung. Về vấn đề này, HĐXX cho rằng, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục xác minh làm rõ và sẽ xử lý khi có đủ cơ sở.
Luật sư biện hộ của bị cáo Hương cho biết, các bị hại xác định chưa bị hại nào biết mặt bị cáo Hương. Đồng thời, đề nghị xem xét thời điểm Hương ký khống các hồ sơ để xem bị cáo có lừa đảo hay không. Theo vị chủ tọa phiên tòa, bản thân Hương cũng khẳng định không biết đã ký từ khi nào, đồng thời không xác định được hợp đồng nào dùng cho bị hại nào.
Tại phiên tòa, HĐXX nhận định, Khánh giữ vai trò chỉ đạo điều hành trong vụ án và Hương chỉ là người giúp sức. Vai trò của Hương hạn chế hơn. Hương không tham gia từ 25/5/2015 nhưng các hợp đồng chưa được khắc phục nên phải chịu trách nhiệm. Đồng thời, HĐXX nhận định quan điểm cho rằng Dung có vai trò trong vụ việc này là có cơ sở. Cơ quan điều tra sẽ xem xét làm rõ và xét xử ở một vụ án khác.
Nhận thấy hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, cần có biện pháp chế tài và mức án phù hợp. Theo đó, HĐXX tuyên phạt bị cáo Kha Quốc Khánh 16 năm tù và Trần Kim Hương 8 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, đồng thời hoàn trả số tiền mà các bị hại đã góp vốn trước đó.