Kêu oan trong vụ lừa đảo từ cá độ bóng đá qua mạng internet: Điều tra có toàn diện?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Từ đơn tố cáo của một người tham gia cá độ bóng đá cho rằng mình bị lừa, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã vào cuộc xác minh, điều tra làm rõ đường dây lừa đảo, chiếm đoạt tiền thông qua việc chỉnh sửa các “kèo” cá cược trước đó. Tuy nhiên, trong vụ án này, một bị can bị cơ quan điều tra cho là có hành vi “rủ rê” người tham gia cá cược lại đang kêu oan vì cho rằng mình không tham gia vào đường đây cá độ lừa đảo này.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nạn nhân “vào tròng” vì cá độ bóng đá

Theo nội dung vụ án, tháng 6/2018, Bùi Minh Cảnh (SN 1980, ở Quảng Ngãi) thuê Nguyễn Thanh Hải (SN 1980, ở Đà Nẵng) tạo lập trang website cá độ bóng đá (có thể chỉnh sửa kết quả cá cược) để cho thuê nhằm hưởng lợi. Theo yêu cầu, Hải lập trình trang web mô phỏng theo trang www.bb8ag.com... với 6 cấp, trong đó Cảnh quản lý tài khoản Admin với vai trò quản trị, có quyền cao nhất.

Chức năng chỉnh sửa kèo cá cược được Hải lập trình cho tài khoản Admin (tài khoản quản trị) và tài khoản Promaster theo yêu cầu của Cảnh để cho thuê hưởng lợi (giá 3 triệu đồng). Khi phát sinh tài khoản sử dụng đặt cược (member), Cảnh sẽ thu từ 80.000-95.000 đồng/tuần/tài khoản. Các kèo cá cược được chỉnh sửa, Cảnh lấy giá 1.000 đồng/điểm. 

Sau đó, Hải cho Trần Tiến Quốc Định (SN 1983, trú tại Quảng Ngãi) thuê 3 tài khoản Promaster, Vũ Chí Thắng (SN 1985, ở Hòa Bình) thuê 2 tài khoản Promaster  rồi cùng nhau cấu kết thực hiện hành vi chỉnh sửa kèo cá cược (chỉnh sửa điểm đặt cược, sửa kèo trên thành kèo dưới…) để lừa những người tham gia đặt cược hoặc người chung tổng bóng, chiếm đoạt tài sản giá trị hơn 6 tỷ đồng. 

Cụ thể, từ tài khoản Promaster của mình, Định đã cùng 2 bị cáo khác chiếm đoạt được hơn 5,6 tỷ đồng.

Còn Vũ Chí Thắng dùng tài khoản Promaster đã thuê cùng 7 bị cáo khác chiếm đoạt được hơn 400 triệu đồng. Trong số các bị cáo được cho là đồng phạm với Thắng có bị cáo Đỗ Xuân Quang (SN 1988, ở Thanh Hóa), bị cáo buộc lừa đảo ông  Đ.X.L (Hà Nội) 70 triệu đồng, hưởng lợi riêng 34 triệu đồng.

Về hành vi của Quang, Cáo trạng thể hiện, khoảng tháng 1/2020, Quang biết đến trang tổng bóng của Thắng nên liên lạc. Hai bên thỏa thuận: Quang sẽ tìm người tham gia cá cược, Thắng phụ trách sửa kèo để người chơi luôn thua để chiếm đoạt tiền của người tham gia cá cược.

Sau đó Quang rủ được ông L tham gia cá cược với giá điểm 50.000đ/điềm và thanh toán tiền vào sáng thứ hai hàng tuần. 

Ngày 7 và 8/2/2020, Quang đề nghị Thắng cắt tài khoản Member, truy cập vào trang web.vi223344.net để giao ông L tham gia đặt cược. Do Quang báo cho Thắng chỉnh sửa kèo nên ông L bị thua hơn 1.756,27 điểm (tương đương gần 88 triệu). Tuy nhiên, ông L mới trả cho Quang 30 triệu đồng.

Tiếp đó, từ ngày 25/2/2020 đến 28/2/2020,  Quang báo Thắng chỉnh sửa kèo cá cược và tự thêm các kèo cá cược Keno để ông L bị thua 1.475,46 điểm (tương đương gần 74 triệu đồng). Ông L không công nhận kết quả trên nên chỉ trả Quang 40 triệu đồng.

Theo cáo trạng, sau hai đợt tham gia cá cược, ông L bị Quang lừa đảo chiếm đoạt 70 triệu đồng. Quang hưởng 34 triệu đồng và chuyển 36 triệu cho Vũ Chí Thắng (qua tài khoản đứng tên Hà Bích Ngọc). Thắng sử dụng tài khoản này chuyển trả tiền sửa điểm cho Cảnh 15 triệu đồng và hưởng 21 triệu đồng.

Chứng cứ vật chất ra sao? 

Đến nay, trong số 12 bị cáo nêu trên thì Đỗ Xuân Quang vẫn đang kêu oan, không thừa nhận hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của ông L và phủ nhận lời khai trước đây tại CQĐT ngày 1/4/2020 (thời điểm chưa bị khởi tố).

Cùng quan điểm, chị Nguyễn Thị Kim Thanh (vợ bị cáo Quang) đã có nhiều đơn thư kêu oan cho chồng vì cho rằng không đủ cơ sở quy kết Đỗ Xuân Quang câu kết với Vũ Chí Thắng tổ chức đánh bạc, lừa tiền của ông L. 

Theo chị Thanh, tuy Cơ quan CSĐT kết luận chồng chị sử dụng 2 số điện thoại (0973639xxx và 0386277xxx) để liên lạc với Vũ Chí Thắng nhưng tang vật mà cơ quan này thu giữ chỉ là 1 điện thoại (cùng sim card) mà anh Quang thường sử dụng. Còn sim card của 2 số điện thoại mà CQĐT cho là của anh Quang, cũng như danh sách, ngày giờ liên lạc với 2 số điện thoại được cho là của Vũ Chí Thắng thì không thấy được đề cập trong KLĐT.

Lý giải về việc chuyển số tiền 36 triệu đồng cho 1 tài khoản mang tên Hà Bích Ngọc, chị Thanh cho biết, chồng chị hay mua bán hoa phong lan và thanh toán bằng chuyển khoản. Ngoài ra, gia đình chị cũng thực hiện dịch vụ chuyển tiền qua ngân hàng (nhận tiền mặt rồi chuyển khoản theo yêu cầu của khách). Vì vậy, nếu có việc chồng chị chuyển 36 triệu vào tài khoản mang tên Hà Bích Ngọc thì cũng không thể coi đây là tiền “ăn chia” đánh bạc bởi không có chứng cứ về việc chồng chị truy cập vào trang Web cá độ (thời gian, địa điểm…) cũng như chứng cứ về việc nhận 70 triệu của ông L. 

Hơn nữa, số tiền 36 triệu đồng chuyển khoản nêu trên cũng không phù hợp với số tiền được cho là chồng chị đã thỏa thuận với Vũ Chí Thắng về việc trả 4000 đ/điểm sửa.

Nghiên cứu hồ sơ vụ án trên, Luật sư Chu Thị Út Quỳnh (bào chữa cho bị cáo Quang) cho rằng, việc kết luận ông L đưa 2 lần, tổng cộng 70 triệu cho bị cáo Quang là không có cơ sở bởi không có ai chứng kiến, không có giấy tờ chứng minh… Vì vậy, không có cơ sở khẳng định Quang đã chiếm đoạt của ông L 70 triệu đồng.

Trong vụ án này, ông L còn có lời khai về việc trả cho Quang 60 triệu. Tuy nhiên, CQĐT cho rằng không đủ cơ sở kết luận về lời khai này vì không có ai chứng kiến, không có giấy tờ chứng minh và Quang không thừa nhận. 

Từ chi tiết này, Luật sư Út Quỳnh đặt vấn đề “đối với lời khai của ông L về 2 lần đưa tiền cho Quang (1 lần 30 triệu, 1 lần 40 triệu), tại sao CQĐT lại có cách đánh giá khác, theo hướng bất lợi cho bị cáo?”.

Cũng theo Luật sư Út Quỳnh, từ khi bị khởi tố, Đỗ Xuân Quang đã không thừa nhận hành vi như KLĐT đã cáo buộc. Trong khi không có chứng cứ vật chất thì không hiểu dựa vào đâu, CQĐT Công an tỉnh Thanh Hóa và VKSND tỉnh Thanh Hóa vẫn cho rằng bị can này có hành vi lừa đảo ông L? 

Đáng nói, trong vụ việc này, hành vi có dấu hiệu đánh bạc của một số người trong vụ án này lại không được kết luận, làm rõ. Trong khi các tình tiết được cho là phương thức, thủ đoạn được các bị cáo sử dụng để chiếm đoạt tiền đã không được làm rõ thì liệu có thể kết luận về hành vi lừa đảo trong vụ việc này?

Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về phiên tòa tới đây. 

Đọc thêm